Gần 500 lao động của huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã trở về trước lúc Đà Nẵng cách ly xã hội, khi chỉ trong ba ngày thành phố ghi nhận 15 ca nhiễm Covid-19. Nhiều bạn bè của Alăng Đến đã chạy xe máy suốt đêm về quê. Họ nhắn tin giục giã cậu "về đi".
Alăng Đến người dân tộc Cơ tu quê Quảng Nam, làm công nhân bốc vác trong một nhà máy nhựa ở Khu công nghiệp Hoà Khánh, quận Liên Chiểu với mức lương 19.000 đồng một giờ công. Chàng trai 19 tuổi xuống Đà Nẵng tìm việc hồi cuối tháng ba, sau gần một năm nghỉ học, ở nhà trồng cao su.
Cậu trọ cùng hai người bạn quê Tây Giang - vùng đất nằm trên dãy Trường Sơn, giáp Lào, có gần 40% là hộ nghèo, gấp 10 lần mức trung bình của cả nước. Ngôi làng của họ cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, chỉ trồng được một vụ lúa và làm rẫy cao su. Miền đất bao bọc bốn phía bởi rừng già, thành phố gần họ nhất cách 110 km. Thanh niên học xong cấp ba có hai lựa chọn: một nửa ở nhà làm rẫy và một nửa ra Đà Nẵng làm công nhân, bưng bê phục vụ trong các nhà hàng.
"Lương công nhân cao hơn cạo mủ cao su", Đến xoè bàn tay tính toán. Mỗi giờ bốc vác được trả công 19.000 đồng, trong khi mỗi kg mủ cao su được trả 4.000 đồng. Mấy năm nay, nhiều vườn cao su Tây Giang đã bỏ không khai thác khi thanh niên Cơ tu ra thành phố tìm việc.
Nhận được bốn triệu tiền lương đầu tiên, Đến gửi về nhà hai triệu. Đó là một nửa lương công nhân hàng tháng, nhưng còn cao hơn thu nhập bình quân mỗi tháng 1,8 triệu đồng của người dân Tây Giang năm 2019. Bố mẹ cậu ở quê đi rẫy "kiếm ăn qua ngày, không biết làm gì để ra nhiều tiền hơn". Anh trai đã lấy vợ, Đến còn lo gửi tiền cho em trai đang học cấp ba ở Hội An. Trở thành lao động chính trong nhà, với cậu, trở về đồng nghĩa với mất việc và đói ăn, thậm chí "mang bệnh về làng". Trước ngày Đà Nẵng cách ly, Alăng Đến quyết định không về.
Nhưng chọn ở lại Đà Nẵng, cậu công nhân Cơ tu phải đối mặt với dịch bệnh và nỗi sợ khi các ca nhiễm tăng lên từng ngày. Trước 24/7, Alăng Đến chưa bao giờ nghĩ "Việt Nam còn dịch, lại lan nhanh đến thế". Giãn cách xã hội qua đi mấy tháng, thi thoảng mấy người bạn công nhân vẫn chạy xe qua sông Hàn ban đêm, uống cốc nước mía dưới chân cầu Rồng, len lỏi giữa đoàn khách du lịch chụp ảnh ven sông - hoạt động giải trí duy nhất của họ.
Con đường sau lưng công ty cậu là một dãy nhà xưởng của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Một trong số đó đã đóng cửa vào ngày cuối cùng của tháng 7, khi nữ công nhân của cơ sở này trở thành "bệnh nhân 446". Toàn bộ 300 nhân công tạm ngừng việc, cách ly phòng dịch.
Các khu công nghiệp kích hoạt lại chế độ phòng Covid-19, thực hiện mục tiêu kép "vừa sản xuất vừa chống dịch an toàn". Công đoàn vận động công nhân có liên quan các ca bệnh đi khai báo y tế, cách ly tại nhà và vẫn hưởng lương. Có đề xuất nên cho 77.000 công nhân nghỉ làm, tự cách ly 14 ngày. Nhưng bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng khẳng định không thể, bởi điều đó "không chỉ làm doanh nghiệp phải phá sản", mà còn khiến người lao động "không có lương để sống, không còn việc làm trước mắt lẫn lâu dài".
15 công nhân, quản lý tại bốn khu công nghiệp Đà Nẵng đã nhiễm nCoV trong vòng mười sáu ngày. Alăng Đến lúc nào cũng nghĩ "mình có thể trở thành người kế tiếp". Cậu trở lại với thói quen đeo khẩu trang đi làm, thậm chí thấy yên tâm hơn nếu đeo hai chiếc cùng một lúc. Mặc cho chúng khiến cậu khó thở mỗi lần bốc hàng từ kho lên xe trung chuyển. "Không thở được cũng phải ráng mà thở". Sau mỗi chuyến hàng, cậu ngồi lì trong kho chờ chuyến kế tiếp, hầu như không nói chuyện với gần hai mươi người còn lại bên bộ phận bốc dỡ hàng.
Alăng Đến cũng ngừng đi chợ từ chiều 31/7 - ngày công bố thêm 45 ca nhiễm ở Đà Nẵng - con số kỷ lục từ khi dịch tái bùng phát. Tối đó, cả ba thanh niên ăn mì tôm rồi đi ngủ. Bốn ngày nay, cậu "cắp nách" theo hai gói mì để ăn trưa, khi công ty ngừng nấu cơm cho công nhân từ ngày 4/8. Ba suất nhu yếu phẩm họ được cứu trợ có mì tôm, gạo, trứng, dầu ăn và nước mắm trở thành thức ăn chính mùa dịch của các công nhân tuổi từ 19 đến 23.
Bên bộ phận sơn, Alăng Thước ngồi ở góc xưởng một mình, suất ăn trưa cũng là hai gói mì tôm chế nước sôi. Đôi bàn tay đỏ ửng sau bốn tiếng ngồi đập sơn trên các thanh sắt, bê bát mì tôm càng thêm bỏng rát.
Cơm công ty những ngày chưa dịch luôn đủ mặt sáu người, bây giờ mỗi công nhân một góc, cách nhau ít nhất hai mét. Người trệu trạo ăn mì, người gẩy những hạt cơm nguội cho qua bữa để nghỉ trưa còn vào ca chiều. Có người chỉ kéo chiếc khẩu trang qua miệng. Cách phòng tránh duy nhất của họ bây giờ là khẩu trang, nước sát trùng và ít nói chuyện với nhau. Thước nghĩ, biện pháp này có thể không hiệu quả lắm nếu có người đang ủ bệnh, khi hàng trăm công nhân ngồi đập sơn quanh đống sắt cao quá đầu người, cách nhau chưa đầy một mét.
Alăng Thước vào xưởng từ tháng hai, thu nhập cao hơn người đồng hương Alăng Đến 100.000 đồng từ tiền tăng ca mỗi ngày một tiếng. Có lương, họ rủ nhau lên mạng mua chung món trang sức đầu tiên trong đời: hai chiếc đồng hồ không nhãn mác, nhái kiểu dáng một thương hiệu Nhật Bản, giá 99.000 đồng. Số tiền lương còn lại, cũng như người đồng hương, Alăng Thước gửi một nửa về quê.
Thế giới mùa dịch của các thanh niên Cơ tu khép kín một vòng ở công ty và phòng trọ. Ăn tối xong, mỗi người ôm một chiếc điện thoại, hoặc ngồi trước cửa hóng gió rồi đi ngủ. Phòng trọ mở cửa ra là một vườn sả, thông ra bãi đất, thi thoảng còn nghe tiếng chẫu chuộc kêu. Dãy trọ không có cổng, chưa đánh số, chưa có cả tên đường. Chưa ai trong số họ có bạn gái, bởi "mùa dịch không ai yêu".
Mười sáu ngày trôi qua, họ lên mạng đọc tin tức về dịch bệnh mỗi ngày. 273 ca nhiễm ở Đà Nẵng, và cả nước có thể "tăng hàng chục ca những ngày tới". Các công nhân người Cơ tu dự định dùng ba suất nhu yếu phẩm mới nhận, cho đến khi nào hết mới ra chợ. Alăng Đến vẫn sẽ mang theo hai gói mì đi làm, hoặc cộng gộp hai bữa sáng trưa bằng suất xôi 10.000 đồng bán gần cổng khu công nghiệp, cho đến khi dịch được khống chế và công ty có cơm trở lại.
Hoàng Phương