![]() |
Ảnh: Fanfreek |
Tài liệu này đánh giá "độ chín", tầm ảnh hưởng và mức độ ứng dụng của 36 công nghệ then chốt, cũng như xu hướng của chúng trong 10 năm tới. Dẫn đầu danh sách được "đánh bóng" tên tuổi năm nay là Web 2.0, mạng thế giới thực (Real World Web) và kiến trúc ứng dụng (Applications Architecture ).
1. Web 2.0
Đây là thuật ngữ mang tính tập hợp để chỉ công nghệ Internet và các mô hình kinh doanh giúp cho người sử dụng hợp tác và chia sẻ thông tin trực tuyến. Mạng 2.0 đã mang lại những nội dung do người dùng tự tạo ra với công nghệ đơn giản, truy cập dựa trên dịch vụ và mô hình doanh thu chia sẻ.
Nhưng do không có hệ thống tiêu chuẩn nào định nghĩa thực sự về Web 2.0 như ý nghĩa, hàm ý, những yêu cầu của nó nên mỗi người hiểu theo một cách khác nhau. Ví dụ, nhiều người có xu hướng nói Web 2.0 như là HTML hợp lệ và chuẩn mực nhưng nhiều trang lại không hỗ trợ chuẩn này.
Hơn nữa, các trang web hiện nay không được thiết kế để tính năng cơ bản vẫn hoạt động khi truy cập bằng các phần mềm không hỗ trợ, nên nhiều người cho rằng chúng đang "suy thoái". Tuy nhiên, bản thân mã AJAX dùng để xây dựng website không tải được trang khi người sử dụng tắt java script hoặc dùng trình duyệt cũ.
Nhiều ý tưởng về Web 2.0 đã được ứng dụng trên hệ thống mạng trước khi có thuật ngữ này. Ví dụ, ngay từ đầu, trang Amazon.com đã cho phép người sử dụng viết đánh giá, hướng dẫn mua sắm của mình. Tuy nhiên, khi một trang tuyên bố theo Web 2.0 vì có dùng những tính năng như blog, đó thường là hành động tự khuyếch trương chứ không hẳn là ý tưởng đằng sau công nghệ này.
Web 2.0 được đánh giá có những yếu tố gây ảnh hưởng như sau:
Phân tích mạng xã hội (SNA - Social Network Analysis): là việc sử dụng thông tin và kiến thức từ nhiều người và mạng cá nhân của họ, bao gồm việc tổng hợp khối lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn, phân tích dữ liệu để xác định mối quan hệ và khai thác nó để tạo ra thông tin mới. Gartner cho rằng SNA sẽ đạt được "độ chín" sau 2 năm nữa.
AJAX: cũng được đánh giá sẽ "chín" sau 2 năm nữa. Đây là tập hợp các kỹ thuật mà những nhà phát triển dùng để mang lại trải nghiệm thú vị hơn, có tính tương tác hơn trên các trình duyệt hiện đại như bản IE mới, Firefox, Mozilla, Safari hay Opera.
2. Mạng thế giới thực
Càng ngày, các đối tượng trong thế giới thực sẽ không chỉ bao gồm những tính năng xử lý nội bộ do kích cỡ bộ vi xử lý giảm và giá thành hạ mà còn tương tác được với môi trường xung quanh như cảm ứng, nối mạng... Mạng thế giới thực nổi lên sẽ mang lại sức mạnh cho web mà hiện nay được biết đến với cái tên không gian "ảo" tách rời.
Công nghệ này được đánh giá có những ảnh hưởng sau:
Công nghệ nhận biết vị trí: sử dụng định vị toàn cầu GPS, GPS hỗ trợ (A-GPS), theo dõi thời gian (EOTD), GPS cải tiến (E-GPS)... trong mạng di động và thiết bị cầm tay để xác định vị trí một người dùng di động.
Ứng dụng nhận biết vị trí: sẽ tạo ra trào lưu áp dụng lớn trong 2-5 năm nữa. Thị trường này mới ở giai đoạn đầu, trong đó châu Âu vượt xa Mỹ một chút do hạ tầng mạng di động tốt hơn.
Mạng lưới cảm ứng: được hình thành từ nhiều mắt xích chia sẻ ngang hàng, bao gồm mạng đơn giản, khả năng tính toán và cảm ứng. Một số mạng chỉ cần ít năng lượng và pin có thể chạy trong nhiều năm.
Thị trường này vẫn còn trong "trứng nước" và nhỏ lẻ, thiếu chuẩn. Theo dự đoán, ứng dụng trên diện rộng phải đợi hơn 10 năm nữa.
3. Kiến trúc ứng dụng
Những bộ phần mềm doanh nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quản lý hiệu quả hơn nhưng viễn cảnh ứng dụng rộng rãi vẫn còn xa vời. Tuy nhiên, các công nghệ sau đây vẫn được coi là tiềm năng:
Kiến trúc định hướng sự kiện (Event-driven Arrchitecture): là một cách cấu trúc cho các ứng dụng mà trong đó, những chức năng cụ thể được "đóng gói" vào những thành tố có thể chia sẻ; một số dành để "chào đón" đối tượng mang tính "sự kiện". Cũng phải 10 năm nữa, sự áp dụng kiến trúc này trên diện rộng mới diễn ra. Hiện nay, một số ngành đã thử nghiệm như giao dịch tài chính, phát hiện hoạt động gian lận, an ninh quốc phòng, viễn thông, mạng cảm ứng và RFID.
Kiến trúc định hướng mô hình (Model-driven Architecture): là một thương hiệu của tổ chức quản lý đối tượng OMG, mô tả phương pháp tách chức năng ở cấp độ doanh nghiệp với khía cạnh kỹ thuật hoạt động.
Mạng ngôn ngữ công ty (corporate semantic web): ứng dụng các công nghệ web theo hoàn cảnh, từ ngôn ngữ cho đến nội dung trên mạng của công ty. Dù 10 năm nữa mới có thể phát triển, mạng này sẽ giúp giảm chi phí, tăng cường chất lượng quản lý nội dung, truy cập thông tin, hoạt động liên hệ thống, tích hợp cơ sở dữ liệu...
Một số công nghệ khác được đưa vào bản báo cáo của Gartner gồm VoIP, Wiki, giấy điện tử, PC dạng bảng...
Định nghĩa của Gartner về các giai đoạn "thổi phồng" của công nghệ: 1. Khi ra đời Giai đoạn đầu của "chu trình" là khi công nghệ được giới thiệu, phát hành hay sự kiện tạo ra dấu ấn quan trọng khiến nhiều người quan tâm. 2. Kỳ vọng lên đến "đỉnh cao lạm phát" Đó là khi có nhiều ấn phẩm, bài viết tạo ra sự hào hứng quá mức hay mong đợi không thực về sản phẩm. Có thể có ứng dụng thành công nhưng thường thì thất bại nhiều hơn. 3. Vỡ mộng Công nghệ lúc này không đáp ứng được mong mỏi và mau chóng trở nên lỗi thời và chìm vào quên lãng. 4. Dốc "khai sáng" Dù ít được nhắc đến nữa, sản phẩm vẫn được một số doanh nghiệp triển khai và thử nghiệm để tìm hiểu lợi ích của nó. 5. Trạng thái bình ổn Một công nghệ đạt đến trạng thái này là khi các lợi ích của nó được chứng minh rộng rãi và chấp nhận, sẽ ổn định và phát triển ở đời thứ 2 và 3. Tầm cao của trạng trái phụ thuộc vào quy mô áp dụng của công nghệ và lời lãi trên thị trường. |
Thuỳ Hương (theo The Register, The Age)