Một buổi chiều tháng Tám, ông Ba Tài rời thuyền vô khu chợ nhỏ ở Reng Toel, mua ít thuốc rê, gạo, muối, bó nhang. Ông đi thẳng vào khu
nghĩa địa ven sông.
Nơi đây có hàng trăm nấm mồ cũ của những người đã sống trọn đời ở Biển Hồ Tonlé Sap, Campuchia. Trong đó có ông, bà, cha mẹ ông, những người
mà trong trí nhớ mơ hồ của ông, nguyên quán ở Đồng Tháp.
Đốt mấy nén nhang, ông trở về căn nhà nổi chậm rãi quấn thuốc hút, ngồi thật lâu để lặng nhìn những cây vừng cổ thụ to bằng một người ôm ven sông. Những cây vừng ấy đã nuôi sống hàng nghìn dân Biển Hồ như ông. Nó là nơi trú ẩn mùa mưa bão, nơi hái củi khô nấu bữa cơm mỗi ngày, và cũng là nơi lui thuyền vào bủa lưới bắt cá những tháng nước dâng.
Những người nằm trong nghĩa địa kia được làm ma trên đất Campuchia, còn ông, từ hôm nay, không biết mình chết đi sẽ làm ma nước nào.
Ông Ba Tài ngồi trên mũi thuyền, giục vợ đem gạo, muối bỏ vào bao nylon nhỏ cột lại, cùng một bó củi bằng bàn tay rồi treo tất cả lên mui thuyền. Đây là nghi lễ của ngư dân ở Biển Hồ, mang niềm tin những người quá cố sẽ theo sát và phù hộ cho con cháu thuận buồm xuôi gió trong chuyến đi dài.
"Đi thôi". Bốn chiếc thuyền cũng là nhà nổi của những người con ông Ba lần lượt nhổ neo, cột chặt vào nhau bằng dây thừng rồi đồng loạt nổ máy.
Đó là ngày cuối cùng của đại gia đình ông Ba Tài ở Kangdieng, Pursat, Campuchia. Ông phải bỏ vùng đất nơi mình đã sinh ra, bỏ lại mồ mả tổ
tiên để "về Việt Nam", mảnh đất ông không có mối gắn bó. Ông Ba, cũng như hàng chục nghìn người Việt sống quanh vùng Biển Hồ này, phải rời đi, vì
không chứng minh được rằng mình là một công dân hợp pháp của Campuchia.
Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã có một cộng đồng gốc Việt hàng trăm nghìn người định cư tại Campuchia. Thực dân Pháp đưa người Việt sang để làm việc trong các đồn điền, và họ hình thành những cụm dân cư tại đây.
Nhưng các phe nhóm nắm quyền của Campuchia trong thập kỷ 70 liên tục thực thi các chính sách bài xích dân tộc. Cao điểm là Khmer Đỏ, sau khi lên nắm quyền vài tháng và bắt đầu kêu gọi "quét sạch" những dân tộc thiểu số ra khỏi Campuchia - theo thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà chúng theo đuổi.
Dù là người Việt hay người Chăm, nếu không rời khỏi Campuchia, đều bị lũ người này giết hại "một cách có hệ thống" - theo cáo trạng của Tòa án quốc tế xét xử Tội ác Khmer Đỏ. Đã có khoảng 20.000 người Việt trên đất Campuchia bị giết bởi Khmer Đỏ trong giai đoạn này. Con số người Việt phải rời Campuchia trong thập kỷ 70, lên tới hàng trăm nghìn người.
Trong thập kỷ 80, sau khi quân tình nguyện Việt Nam hợp sức giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, cộng đồng này quay trở lại cố hương. Nhưng lúc này, họ đã mất hoàn toàn khả năng chứng minh nguồn gốc Campuchia của mình. Họ quay trở lại những vùng đất quanh Biển Hồ Tonlé Sap, nơi mà ông nội, cha ông, và bản thân họ đã sinh ra, chỉ để phát hiện ra rằng mình đã trở thành một người "nhập cư bất hợp pháp".
Luật chỉ cho phép "công dân Campuchia" được mua đất. Và từ đó, người Việt bắt đầu hình thành một cộng đồng sống trên thuyền. Họ tiếp tục sống
ở mảnh đất này hơn ba thập kỷ nữa. Hai thế hệ con người nữa được sinh ra tại Campuchia. Cho đến giữa thập kỷ này, khi chính phủ đương thời của
Campuchia quyết định nhấn mạnh một lần nữa thông điệp: nhiều người gốc Việt sống trên Biển Hồ là những người "nhập cư bất hợp pháp".
"Mỗi mùa một mũi xuồng phải đóng khoảng hơn 2 triệu tiền Việt Nam cho cảnh sát Campuchia mới được cho giăng lưới" - ông Ba Tài nhớ lại. Còn nhiều thứ lệ phí và tiền phạt khác. Chính phủ cũng bắt đầu chiến dịch giải tỏa những người này khỏi Biển Hồ - nguồn sống duy nhất của họ. Không thể chứng minh thân phận, sinh kế hạn hẹp, họ phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn để "về" Việt Nam - theo một nghĩa mông lung của từ "về". Đó cũng là một đất nước mà họ không có mảnh giấy tùy thân, không thể chứng minh gốc tích, không người thân, rất ít ký ức.
Giây phút nhổ neo khỏi Biển Hồ, nhiều người trong số họ chính thức mang thân phận không có tổ quốc.
Trong bài viết này, VnExpress sử dụng cụm từ "người Việt" và "Việt kiều" cho những người này một cách không chính thức: nó không căn cứ vào đặc điểm nhân chủng học, vì như vậy là vô thức cổ xúy cho một thứ chủ nghĩa dân tộc tuyệt đối; không căn cứ vào giấy tờ, vì giấy tờ đã bị đốt sạch bởi những kẻ cuồng sát; cũng không căn cứ vào sự tự thừa nhận của họ, vì trong những người này chỉ có một quê hương - là nơi họ đã sinh ra.
Gọi họ là "người Việt", vì phía cuối dòng Mekong, Việt Nam đang là mảnh đất duy nhất cưu mang những con người không thân phận này.
Từ Tonlé Sap, đại gia đình ông Ba Tài canh con nước xuôi, các con thay phiên nhau lái thuyền xuyên suốt, chỉ nghỉ lúc ăn cơm, cũng phải mất hai ngày đêm mới đến Phnom Penh, hai ngày đêm tiếp theo đến Neak Loeang, thêm hai ngày đêm nữa mới vào được địa phận biên giới Việt Nam tại An Giang.
Những người Việt đi về đợt này quyết định neo thuyền lại bên một doi đất trống, cách biên giới Campuchia khoảng 2 km. Họ dùng tre, lá dựng
những mái lều tạm rộng độ mười lăm mét vuông, với chi phí mỗi căn khoảng 7-10 triệu đồng, cộng thêm khoảng 2-3 triệu đồng chi phí thuê đất của
người dân địa phương hàng năm. Riêng vợ chồng ông Ba Tài cùng người con trai út quyết định ở lại hẳn trên nhà nổi để tiết kiệm.
Sau mấy năm, bãi đất khoảng năm trăm mét vuông này đã là nơi nương náu của gần 30 gia đình người Việt từ Campuchia.
"Hồi lúc tui sinh ra đã thấy cha mẹ nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia, nên không biết rõ cuối cùng mình là người gốc ở đâu". Chiều biên giới Tuyên Bình mưa rả rích, bà Cà Phiếp da ngăm đen, đầu trọc nhẵn, mặc bộ đồ đã nhàu nát, chân trần bước liêu xiêu qua mấy mô đất cao dọc bờ sông vào căn chòi lá tả tơi.
Trong trí nhớ chập chờn vì rượu bữa của mình, bà Phiếp bảo mình lớn lên đã thấy căn nhà nổi và mặt hồ Tonlé Sap. Khoảng đôi mươi, cha mẹ qua đời, bà cùng một người làm nghề đánh cá ở gần nhà dọn về ở chung. Mỗi ngày, bà theo ông ra hồ gỡ cá, bán cho ghe, sau đó tiếp tục bủa lưới rồi trở về nhà, cứ thế mấy mươi năm.
Mười năm trước, giữa đêm khi hai vợ chồng đang giăng lưới cá trong rừng ngập nước, ông đột ngột trúng gió rồi qua đời trên thuyền. Lần hồi vay mượn sống cô quạnh đến ba năm trước, bà Cà Phiếp quyết định bán căn nhà nổi trên Biển Hồ, trả hết
nợ, rồi theo đoàn người trong chuyến hồi hương đoàn tụ dài bảy ngày bảy đêm.
Những ngày đầu về Việt Nam, bà Cà Phiếp ở chung nhà với con và cháu trong căn chòi rộng chừng mười lăm mét vuông. Đêm đến, bảy con người chen chúc nhau ngủ. Mỗi ngày, bà ở nhà giữ đứa cháu nhỏ, để con rể giăng lưới cá, con gái và 3 cháu lớn bán vé số. Ngày nào bà Cà Phiếp cũng hay dành ra vài nghìn đồng để mua rượu uống. Bà bảo lúc mới về đây cái gì cũng lạ nên buồn, lại bị bệnh đau nhức, uống rượu để quên đau, lâu dần không bỏ được.
Hai tháng trước, đứa cháu gái 13 tuổi của bà trở bệnh, toàn thân sưng phù. Do không có tiền chữa trị nên được cha mẹ cho về nằm nhà, con gái bà cũng nghỉ bán hẳn để chăm sóc con. Từ lúc đó, bà uống rượu nhiều hơn và ăn ít lại.
Bà Phiếp nhờ người cạo trọc đầu để khấn nguyện cho cháu khỏi bệnh, rồi ra ngủ trong một chòi lá nhỏ rách nát của người hàng xóm bỏ lại, để căn nhà con gái được rộng rãi hơn, và cũng là để bớt đi một miệng ăn. Mỗi ngày bà đi quanh các căn nhà trong xóm, ai cho gì bà ăn đó.
"Bả có khi quên hết mọi thứ, chỉ nhớ tên mình", ông Ba Tài kể. Ông bảo, có khi giữa đêm, bà Phiếp uống say, ngủ mớ la hét, khi tiếng Việt, khi tiếng Campuchia khiến đám thanh niên trong xóm bực mình. Riêng ông ở tuổi xế chiều, nên dễ thông cảm cho sự cô độc của người già, nhất là khi ở một nơi mà bàn chân ông còn chưa quen với mùi đất mới.
Với ông, từ lúc về nơi này, phải xa mảnh đất gần một đời người gắn bó khi ở tuổi xế chiều là một chuyện chẳng đặng đừng. "Tụi tui làm nghề cá, sắm mỗi dàn lưới tương đương trên 20 triệu đồng tiền Việt, mỗi ngày giăng lưới chưa trừ tiền xăng dầu cũng chỉ kiếm khoảng trên hai trăm ngàn. Không có giấy tờ gì nên mấy năm gần đây bị nhà chức trách địa phương gây khó, lưới cũng hay bị tịch thu hoặc cắt trộm riết rồi cạn vốn, nợ nần chồng chất".
Vợ ông Tài là bà Tiền. "Hồi đó chắc cha mẹ nghèo nên đặt tên tui với ổng là Tiền, Tài, ai ngờ sống hết đời người rồi còn phải nổi trôi". Hồi mới về nơi này, bà Tiền với các con đầy lo lắng, nên dặn nhau chỉ ăn cơm vào buổi sáng và chiều, bỏ hẳn bữa trưa, phòng khi mùa mưa bão không bắt cá được còn xoay xở.
Bà Tiền nhớ như in con nước ở Biển Hồ, từ tháng 5 âm lịch nước lên, đến tháng 9 nước rút. Ở Biển Hồ chỉ thiếu thịt, lâu lâu thèm vô chợ mua, còn như cá, rau thì có sẵn dưới nước, củi vô rừng bẻ nên không sợ đói. Bà nhớ cả mùi tanh nồng của những đàn cá sủ vảy lấp lánh, mỗi con nặng cả chục ký giãy đành đạch trên khoang xuồng.
Một thời Việt Kiều ở Biển Hồ làm ăn với các "tào kê" - mối bán lưới, thu mua cá - rất uy tín, họ được các chủ vựa "dùm" (cho mượn tiền) mua lưới, sau đó ngư dân sẽ cân cá trả nợ dần. Mấy năm nay, có nhiều gia đình bị mất lưới, nợ quá nhiều tiền, khốn cùng nên họ trở thành những người bội tín.
Từ ngày sang Việt Nam, nếu không đi đánh cá, ông Ba Tài gần như chỉ quanh quẩn dưới thuyền ngồi hút thuốc, hoặc nghe đài từ chiếc radio cũ,
nhìn về phía có hàng thốt nốt xanh xanh bên kia biên giới.
Toàn bộ sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng ông cùng gia đình 5 người của đứa con trai út diễn ra phần lớn ở trên mặt sàn của căn nhà nổi rộng chỉ hơn 10 m2, phải mắc thêm vài chiếc võng ở phía trên mới có đủ chỗ cho cả nhà nằm.
Khúc sông nơi ông neo thuyền ô nhiễm, không có nổi đàn cá chốt, cá mè. Vào mùa nước lũ lên, mỗi ngày, đầu giờ chiều ông cùng thằng con út chạy xuồng mấy chục cây số sang biên giới Campuchia giăng lưới cá, đến giữa khuya mới trở về ghe, sáng sớm đem cá ra chợ bán.
Mùa lũ vùng biên năm nay khan hiếm cá, nhiều hôm ông Ba Tài cùng thằng con trắng tay trở về sau chuyến lưới. Vậy mà ba năm nay, ông hầu như không bỏ sót chuyến nào, trừ những ngày mưa bão lớn.
Thỉnh thoảng, có đoàn đến thăm hỏi. Nhưng mấy người này - đã một đời lam lũ trên Biển Hồ và vẫn đang lam lũ tự nuôi thân - không chờ giúp đỡ về vật chất. Họ tha thiết muốn có một tấm "giấy chứng minh", để được đi làm, để con được đi học.
Cách nhà bà Tiền khoảng 100 mét, con đường sình dẫn vào một khu nhà lá khác của xóm Việt Kiều với hơn chục căn nằm sát nhau. Dưới ánh đèn chập choạng được câu từ chiếc bình ắc quy, vợ chồng Phương đang nấu cơm tối từ vài con cá vừa giăng lưới được buổi chiều.
Bữa tối dọn ra, năm người trong gia đình Phương vây quanh mâm cơm với độc món canh cá lõng bõng cùng chén nước mắm. Anh Phương xúc cơm vào một cái dĩa nhỏ, chan nước rồi lua vội, sau đó bỏ đũa lên võng nằm, mớ cá trong tô canh vẫn đủ cho những người còn lại.
Ở xóm này, đa số thanh niên như Phương sẽ vào nhà máy xay xát gần đó làm, mỗi ngày từ vài chục đến 200 nghìn đồng, nhưng cũng không có việc đều đặn. Phụ nữ và trẻ con thì cắt lục bình phơi khô bán hoặc đi bán vé số dạo.
"Buồn lắm chứ, đôi khi cũng muốn bỏ lên Sài Gòn, Bình Dương tìm việc gì làm để đời con nó đỡ hơn, mà khổ nỗi người không có tờ giấy lận lưng,
hỏi ai mà nhận".
Dơi có 5 anh em trai, năm 22 tuổi cùng cha mẹ rời Biển Hồ, về cất chòi tạm sống ở Hưng Hà, Tân Hưng.
Năm ngoái, Dơi đánh liều lên Sài Gòn và xin làm phụ hồ ở một công trình với quy định lương trả theo tuần, 3,5- 4,5 triệu mỗi tháng. Không có giấy tờ tùy thân, mỗi tháng vài đợt, giữa đêm Dơi và bạn chung phòng phải chạy sang các phòng khác, trốn vào nhà vệ sinh chờ đoàn kiểm tra đi qua.
Nhưng đến ngày lĩnh lương, thầu cứ lần lữa hứa từ tuần này sang tuần khác, đến cuối tháng thì không gặp được. Lần đó, Dơi bị giật 3,6 triệu lương tháng đầu tiên.
Ở Hưng Hà, Dơi còn vợ và ba đứa con nhỏ. Dơi quyết tâm bám trụ, hỏi mượn tiền người quen, rồi xin tiếp vào một công trình khác, chuyển sang ăn mì gói thay cơm, đợi đến cuối tháng.
Lần này, Dơi tiếp tục bị giật thêm 4,5 triệu tiền lương, phải gọi về nhà nhờ anh em lên đón, vì trong túi không còn một đồng để đi xe.
"Họ biết chúng tôi không có hợp đồng, giấy tờ, nên có giật chúng tôi cũng không cách nào mà thưa kiện họ được", Dơi buồn bã kể lại. Trong xóm
này từng có hai mươi thanh niên bị chủ lừa mất tiền lương như thế.
Nhưng bản thân họ, và cả chính quyền sở tại không biết lấy gì để "chứng minh" như nội hàm của từ "giấy chứng minh" trong ao ước.
Những năm trước, chính quyền cấp xã gọi những người này là "Việt kiều" từ Campuchia. Nhưng bây giờ, tên chính thức của họ trên giấy tờ là những "người di cư tự do". Có vẻ như ngay cả chữ "Việt" trong từ "Việt kiều" cũng quá khó để chứng minh về mặt pháp lý.
Hồi tháng Bảy năm 2018, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo ngành LĐTBXH và chính quyền các tỉnh biên giới quan tâm đến nhóm đối tượng "trở về" từ Biển Hồ này, đặc biệt là vấn đề khai sinh và học hành. Nhưng đến giờ, các địa phương vẫn bí.
"Khó khăn nhất hiện nay là theo quy định, họ phải sinh sống trên 20 năm ở địa phương mới được cấp quốc tịch", ông Huỳnh Thành Được, Phó chủ
tịch UBND xã Tuyên Bình (Vĩnh Hưng) chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hà (Tân Hưng) nói xã có hơn 70 hộ từ Campuchia sang với gần 300 nhân khẩu, trong đó chỉ khoảng hơn 10 hộ đã được cấp hộ tịch. Đó là những hộ vẫn còn biết rằng ông cha mình ở tỉnh nào, và chính quyền tỉnh đó vẫn xác nhận được nhân thân của gia đình. "Để được cấp hộ tịch, ngoài quy định thời gian sinh sống tối thiểu, những Việt Kiều còn phải chứng minh được họ có nguồn gốc ở Việt Nam" - bà Lan giãi bày.
Chính quyền xã chỉ biết tạo điều kiện bằng cách cho họ mượn đất, thuê đất dựng mấy chái nhà lá. Xã Tuyên Bình đặc cách làm giấy khai sinh cho những đứa trẻ sinh ra trên địa bàn, để chúng được đi học. Còn xã Hưng Hà thì làm cho các hộ ở đây một cuốn sổ tạm trú. Cuốn sổ mới được làm từ năm ngoái, cũng chỉ để tiện quản lý, chứ không giúp thanh niên có việc làm.
Những người Biển Hồ đầu tiên neo thuyền ở Vĩnh Hưng đã từ năm 1993. Hai mươi sáu năm, họ chờ đợi và nói nghèn nghẹn bằng tiếng Việt rằng mình muốn có một tấm "giấy chứng minh".
Trước đây, nhiều gia đình di cư muốn cho con đi học, phải mượn giấy khai sinh của nhà khác. Một cái giấy khai sinh cho hai đứa trẻ đi học, một
đứa "chính thức", còn một đứa - trẻ di cư tự do - thì chỉ mượn tên để được đến lớp biết mặt con chữ, không bao giờ có tên trên tấm bằng tốt
nghiệp tiểu học.
Bây giờ cuộc xóa mù đã đỡ hơn: ở Tuyên Bình, các chiến sĩ đồn biên phòng Tuyên Bình đã đứng ra tự tổ chức một lớp xóa mù dành cho con cái các gia đình "di cư tự do" trên địa bàn.
"Chủ yếu để các em biết đọc biết viết, chứ cũng không thể dạy đúng chương trình phổ thông", Thượng úy Đào Đình Luyện - Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tuyên Bình thú thực.
Khi thầy trò đã bắt đầu buổi học được khoảng 30 phút, Nguyễn Thị Kim Ly mới chạy hớt hải ôm cặp sách vào lớp, vừa tìm chỗ ngồi, vừa lấy tay lau mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt. Ly hôm nay bán vé số bị ế.
Mười ba tuổi, lẽ ra Ly phải lên đến cấp hai, nhưng năm nay Ly chỉ mới học đến lớp 3. Sinh ra ở Biển Hồ, Ly là chị cả của ba đứa em, có đứa chỉ vừa mới sinh được 2 tháng. Về Việt Nam được hơn 5 năm, cha em làm phụ hồ, mỗi ngày em cùng mẹ và đứa em 10 tuổi đi bán vé số kiếm sống.
Người ở xã đùa rằng thượng úy Luyện đã lên "hiệu trưởng". Những ngày đầu, khi cán bộ đồn đến thuyết phục gia đình cho các em học đều bị từ chối. Luyện bỏ thời gian ra vận động, rồi đi xin tập sách cho các em. Anh bảo khó khăn lớn nhất là các em đa số lớn hơn so với lứa tuổi tiểu học, lại lo bán vé số, không có thời gian để ôn bài, nên việc tiếp thu kiến thức chậm.
"Tội nhất là gia đình các em hay di chuyển theo mùa để đánh cá, có khi chỉ ở đây vài tháng rồi lại trở về Campuchia. Nên có em học rất giỏi, nhưng giữa chừng phải bỏ dở theo cha mẹ".
8h30 tối, lớp học kết thúc, Ly đi bộ dọc theo quốc lộ, rẽ vào một con hẻm nhỏ có vài ánh đèn điện tù mù từ những căn nhà lá rách bươm. Ly trèo lên sàn gỗ căn nhà lá nhỏ, vứt cặp sách, rồi đưa võng cho đứa em nhỏ đang khóc thét, trong khi mẹ và đứa em nhỏ hơn đang rửa rau để chuẩn bị cho bữa tối muộn. Ly kể, có hôm đang đi bán nhưng mệt quá, nên tìm chỗ vắng nằm nghỉ, lúc giật mình thức dậy đã thấy mặt trời sắp lặn, sắp vé số dày cộm vẫn còn trên tay. Lần đó, em bị một trận đòn nhớ đời.
Ly cứ vài tháng theo cha mẹ ở Campuchia những mùa có cá, vài tháng trở lại Việt Nam mùa thu hoạch lúa, giờ em "cũng không biết ở đâu mới là nhà thật sự của mình".
Thầy Luyện kể rằng Ly học giỏi, và ham học, như nhiều bạn trong xóm. Nhưng không có nhiều hy vọng về việc đời em sẽ khác đời cha mẹ. Phận lưu lạc của những người Việt từ Biển Hồ - những nạn nhân Khmer Đỏ này - đã sắp sang đến đời thứ tư.
"Chắc đến lúc chết rồi cũng không có giấy" - ông Năm Ổi ngồi trước căn nhà tạm ở Hưng Hà tổng kết hy vọng của đời mình. Cạnh con mương nhỏ, nơi những người Việt dựng xóm nhà lá, nhà tôn, họ đã trồng đầy cây và hoa, như bao bờ mương bên những xóm miền Tây nào khác.
"Không có giấy chứng minh chết xuống dưới vẫn khổ. Diêm vương hỏi mày là ma nước nào biết trả lời sao?" - ông Hai Phát ngồi kế bên, mắt ậng nước.
Rồi ông Phát chỉ tay lên bóng đèn. Điện có được, là do đi nhờ người đứng tên đồng hồ cho cả xóm.
"Cháu ơi, đến cái ánh sáng này cũng là đi nhờ người ta".
Bài: Hoàng Nam - Đức Hoàng
Ảnh: Hoàng Nam
Đồ họa: Đức Hoàng
Chương trình Chung tay chở Tết về gần của Quỹ Hy vọng - báo VnExpress lên kế hoạch hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những "Việt kiều không quốc tịch" tại Tân Hưng và Vĩnh Hưng, Long An. Đóng góp của độc giả sẽ là chút động viên cho cộng đồng này trong cái Tết của người Việt sắp tới.