Thứ bảy, 21/12/2024
Thứ tư, 28/6/2023, 09:14 (GMT+7)

Những con tàu nhanh nhất thế giới

Tàu đệm từ Thượng Hải của Trung Quốc xếp đầu danh sách tàu nhanh nhất thế giới hiện nay với tốc độ 460 km/h.

Tàu đệm từ Thượng Hải: 460 km/h (Trung Quốc). Ảnh: Costfoto/Barcroft Media

Tàu công cộng nhanh nhất thế giới là tuyến tàu duy nhất hiện nay chở hành khách bằng công nghệ đệm từ (maglev) thay vì bánh xe thép truyền thống. Nối liền sân bay Phố Đông của Thượng Hải với nhà ga đường Long Dương ở trung tâm thành phố, tàu có tốc độ thương mại tối đa 460 km/h, hoàn thành hành trình dài 30 km chỉ trong 7,5 phút.

Dựa trên công nghệ Đức, tàu đệm từ lướt bên trên đường ray. Nam châm cực mạnh cung cấp hành trình siêu êm và không có ma sát. Sử dụng kinh nghiệm thu thập trong hơn một thập kỷ hoạt động, Trung Quốc đã phát triển tàu đệm từ 600 km/h và lên kế hoạch cho mạng lưới tàu này, bao gồm tuyến đường nối giữa Thượng Hải và Hằng Châu.

CR400 Fuxing: 350 km/h (Trung Quốc). Ảnh: Chogo/Xinhua

Tàu CR400 Fuxing của Trung Quốc chạy ở tốc độ thương mại tối đa 350 km/h nhưng đã đạt vận tốc 420 km/h trong thử nghiệm. Dòng tàu Fuxing được phát triển từ các thế hệ tàu cao tốc trước đây, dựa trên công nghệ nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản.

Bao gồm 16 toa với sức chứa tối đa 1.200 hành khách, dòng tàu ấn tượng này trang bị nhiều tiện nghi mới bao gồm hệ thống giải trí tại chỗ ngồi, màn hình kính thông minh, sạc không dây. Tàu Fuxing cũng có nhiều phiên bản thiết kế tùy theo điều kiện thời tiết và vận hành tự động. Phiên bản tàu CR400 Fuxing nhanh nhất đang chạy trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải - Hong Kong và Bắc Kinh - Cáp Nhĩ Tân.

ICE3: 330 km/h (Đức). Ảnh: Philipp von Ditfurth/picture alliance/dpa

Thành viên nhanh nhất trong dòng tàu CR400 Fuxing của công ty InterCity Express (ICE) ở Đức là tàu ICE3 (330 km/h), hoạt động từ năm 1999. Cỗ máy được chế tạo cho tuyến đường sắt cao tốc Cologne-Frankfurt dài 180 km và rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 2,5 giờ xuống 62 phút từ năm 2002.

Tốc độ vận hành thông thường là 300 km/h nhưng ICE3 được cấp phép di chuyển ở 330 km/h khi chạy muộn. Tàu đạt tốc độ tối đa 368 km/h trong các thử nghiệm. Hiệu suất của ICE3 đến từ 16 motor điện phân bố dọc đoàn tàu 8 toa, cung cấp 11.000 mã lực. Tàu ICE3 chạy trên khắp nước Đức, bao gồm các tuyến quốc tế, nối những thành phố lớn ở Đức với Paris, Amsterdam và Brussels.

TGV: 320 km/h (Pháp). Ảnh: Thomas Coex/AFP

Pháp giữa kỷ lục tốc độ nhanh nhất thế giới đối với tàu hỏa truyền thống trong thời gian dài, đạt mức 357 km/h vào ngày 3/4/2007. Tương đương 150 m/s, tốc độ đó gần gấp đôi tốc độ tối đa theo lịch trình bình thường của tàu Train a Grand Vitesse (TGV). Ngành công nghiệp đường sắt của Pháp lần lượt vượt qua những ranh giới với tàu hỏa truyền thống từ Thế chiến II, xô đổ kỷ lục hiện hành vào các năm 1955 (331 km/h), 1981 (380 km/h) và 1990 (515,3 km/h).

Hiện nay, tuyến đường sắt cao tốc tỏa đi từ Paris tới Lyon, Marseille, Bordeaux, Nantes, Strasbourg, Lille, Brussels và London với một số tàu TGV chạy ở 320 km/h. Trong đó, phiên bản cao cấp hơn tên "Duplex" có thể chạy tới các nước láng giềng bao gồm Đức, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Thế hệ tàu hai tầng TGV-M mới nhất đang chạy thử nghiệm và sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2024.

JR East E5: 320 km/h (Nhật Bản). Ảnh: Kiyoshi Ota/Bloomberg

Nhật Bản giới thiệu thiết kế đường sắt cao tốc mới vào năm 1964 và tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ, công suất và độ an toàn với dòng tàu Shinkansen. Trong khi phần lớn tàu Shinkansen hiện nay vận hành ở tốc độ tối đa 300 km/h, tàu viên đạn E5 của công ty đường sắt Japan Railways East (JR East) chạy ở 320 km/h trên tuyến Tohoku Shinkansen từ Tokyo tới Shin-Aomori.

Mỗi tàu có 731 ghế ngồi và 32 motor điện cảm ứng cung cấp công suất 12.900 mã lực. Cấu tạo từ hợp kim nhôm nhẹ, E5 trang bị hệ thống treo chủ động, cho phép tàu cua ở tốc độ cao. Phần mũi tàu đặc biệt dài được thiết kế để giảm tiếng nổ siêu thanh sinh ra khi tàu tiến vào đường hầm. Giới thiệu vào năm 2011, 59 tàu E5 đã được chế tạo. Từ năm 2016, chúng được dùng trên tuyến Hokkaido Shinkansen, nối với đảo chính Honshu của Nhật Bản qua đường hầm dưới nước Seikan dài 54 km ở eo biển Tsugaru.

Al Boraq: 320 km/h (Morocco). Ảnh: Duffour/Andia/Universal Images Group Editorial

Đường sắt cao tốc đầu tiên và duy nhất ở châu Phi hiện nay mở cửa vào tháng 11/2018, nối thành phố cảng Tangier với Casablanca ở Morocco. Mang tên Al-Boraq, đường tàu này là giai đoạn đầu tiên trong mạng lưới cao tốc dài 1.500 km của Morocco. Mẫu tàu điện hai tầng cải tiến từ tàu TGV Euroduplex do Pháp chế tạo vận hành ở 320 km/h trên tuyến đường mới dài 186 km/h nối giữa Tangier và Kenitra.

Al-Boraq cũng giữ kỷ lục tốc độ đường sắt ở châu Phi. Trong thử nghiệm vào năm 2017, một trong 12 chiếc tàu của công ty Alstom đạt tốc độ 357 km/h, gấp đôi bất kỳ tàu nhanh thứ hai nào đang chạy trên lục địa đen.

Tây Ban Nha gia nhập cuộc đua tàu cao tốc năm 1992, sử dụng công nghệ TGV nhập khẩu từ Pháp. Từ sau đó, nước này đã phát triển những con tàu siêu nhanh và xây dựng mạng lưới đường sắt chặng dài lớn nhất châu Âu, tỏa đi từ Madrid tới Seville, Malaga, Valencia, Galicia và Barcelona. AVE, viết tắt của Alta Velocidad Espana (Tàu cao tốc), thường hoạt động ở tốc độ thương mại tối đa 310 km/h. Hai mẫu tàu nổi bật nhất trong dòng này là S-102 Talgo và S-103 Velaro, trong đó tàu S-103 Velaro là phiên bản mạnh hơn của tàu ICE3 ở Đức.

Được cấp phép chạy tối đa ở 350 km/h và sức chứa 404 hành khách, tàu S-103 cung cấp dịch vụ chở khách giữa hai thành phố lớn nhất Tây Ban Nha cùng với tàu Talgo S-102. Hồi tháng 7/2006, tàu S-103 lập kỷ lục tốc độ của đường sắt Tây Ban Nha với 404 km/h. Ảnh: Oriol Paris/Moment Editorial/Flickr Vision