![]() |
Dòng kênh An Hạ đã trở thành con kênh đen. |
Đi dọc đường xuyên Á (đoạn khu vực chân cầu An Hạ), bất kể ai cũng có thể cảm nhận được mùi hôi thối và một màu nước đen đặc trưng chảy cuồn cuộn liên tục suốt ngày đêm. Những dòng nước đen này tống thẳng ra chân cầu kênh An Hạ. Anh Nguyễn Văn Út - đội trưởng đội bảo vệ công trình Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP HCM - nói trong nỗi thất vọng: “Màu nước đen này không phải chỉ mới đây mà đã có từ lâu lắm rồi, từ ngày mấy ông nhà máy đóng quân trên đây, đâm thẳng ống xả nước thải vào kênh".
Cứ chạy vài trăm mét anh Út lại dừng xe, rồi lội xuống bờ kênh, vạch từng đám cỏ và chỉ cho mọi người coi các mánh khóe xả nước của các cơ sở sản xuất thải ra môi trường. Có nhà máy sản xuất chứa chất thải vào bể để khi vắng vẻ rồi xả ồ ạt; có cơ sở chôn ống thật sâu trong lòng đất rồi dẫn chất thải ra gần giữa dòng kênh... Có nơi nước thải sản xuất cứ trào bựng bựng từ đáy kênh, có nơi nước thải nhuộm vải chảy cuồn cuộn từ các ống ngầm, có nơi nước thải từ tái chế giấy chảy lênh láng ra các ruộng hoang rồi từ từ đổ vào kênh rạch...
Bà Nguyễn Thị Khiêm (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) cho biết con kênh nhỏ trước nhà bà cách đây mấy năm còn câu cá được, nhưng bây giờ đã bị lấp hẳn, chất thải muốn bằng mặt bờ kênh. Bà bức xúc nói: “Cứ sống với hôi thối, khói bụi mãi thế này làm sao dân chúng tôi chịu cho nổi”. Còn anh Bùi Quang Hải, sống cạnh nhà bà Khiêm, nói hồi trước môi trường sống ở vùng ven này rất trong lành, nhưng từ hồi mấy “ông” sản xuất cồn, giấy tái sinh... đến đây làm ăn thì phát ra mùi hôi thối không sao chịu được, mùa mưa còn ác chiến hơn nữa!
Chính Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi cũng “kêu” suốt mấy năm nay. Từ giữa tháng 1/2002, công ty báo động tình hình ô nhiễm nguồn nước kênh Thầy Cai, An Hạ. Đến tháng 8/2003 công ty lại tiếp tục báo động đỏ tình hình ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước đầu nguồn sông Sài Gòn...
Mới đây, Nông trường Lê Minh Xuân “kêu cứu” vì nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất của hàng nghìn hecta đất. Nông trường này cho biết nguồn nước tưới tiêu trên các dòng kênh chính như kênh B và kênh C đang bị ô nhiễm nặng, nước có màu đen đậm và bốc mùi hôi thối. Hiện nông trường chưa biết cách xử lý ra sao.
Lật tấm bản đồ quản lý hệ thống các tuyến kênh thủy lợi, ông Nguyễn Văn Đam - Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM - khoanh từng điểm nóng và cho rằng thủ phạm chính là: Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, các cơ sở sản xuất nhỏ thuộc địa bàn huyện Hóc Môn...
Tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung tập trung khoảng 45 cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ yếu hoạt động những ngành nghề mà UBND TP HCM xếp vào diện gây ô nhiễm, hạn chế cấp phép, thậm chí không cấp phép ở một số nơi. Trong số này có đến 31 cơ sở sản xuất được coi là gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Hầu hết cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý vào các tuyến kênh thủy lợi TC18A, TC18, TC17, kênh Thầy Cai.
Tương tự, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân có xây dựng hệ thống xử lý nước thải hẳn hoi nhưng không hiểu sao nước đổ ra vẫn còn màu đen thui và hôi thối. Hiện ở khu công nghiệp này có khoảng 100 cơ sở sản xuất hoạt động, nguồn nước thải chủ yếu xả ra các kênh C16, C14 rồi đổ ra kênh C và kênh B.
Các nhà quản lý cho rằng hoặc nhà máy xử lý nước thải không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng việc xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn nên mới có hiện tượng ô nhiễm nặng các tuyến kênh chung quanh khu công nghiệp này.
Ông Nguyễn Văn Đam cho rằng từ khi thành phố có chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm ở quận nội thành vào khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm dạt lên phía đầu nguồn này để tiếp tục hoạt động. Rõ ràng chẳng khác nào di chuyển ô nhiễm từ nơi này đi nơi khác, nhưng trớ trêu hơn là di dời ô nhiễm lên đầu nguồn sông Sài Gòn.
(Theo Tuổi Trẻ)