Trong vài thập niên gần đây, truyện Tây du lại được chuyển thể thành truyện tranh, phim hoạt hình và cả phim truyện. Tôn Ngộ Không còn được xếp hạng trong 108 hồng danh của chư Phật để các tín đồ khấn bái tụng niệm với pháp hiệu Đấu Chiến Thắng Phật. Như vậy, ông Tề chắc chắn là nhân vật nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất trong thế giới loài khỉ.
Theo ý nghĩa Phật giáo, Ngộ Không là sự giác ngộ từ những cái không: không có cha mẹ, vợ con, gia đình, tài sản... Hình như ông Tề cũng không có giới tính đực cái, nên không có nguy cơ bị nữ sắc cám dỗ. Theo ý nghĩa Lão giáo, Ngộ Không là con khỉ đá sinh ra từ khoảng trống không có sức chứa và sức mạnh vô cùng của vũ trụ. Vị tổ sư Bồ Đề chỉ cần hướng dẫn cho con khỉ biết cách điều động nguồn năng lượng tự có ấy thành 72 phép biến hoá. Còn sư phụ Đường Tam Tạng thì hướng dẫn cho Ngộ Không biết sử dụng 72 phép ấy vào mục đích cao quý là đi thỉnh kinh. Còn nói theo ngôn ngữ kinh điển của Karl Marx thì Ngộ Không là một dạng tích cực của giải cấp vô sản có quan điểm đấu tranh triệt để - một khi đã đứng lên với cây Như Ý bổng trên tay - hễ được là được tất cả. Nếu mất, chỉ là mất cái vòng kim cô mà Phật bà Quan Âm tròng lên đầu.
Cuối cùng, Ngộ Không đã thắng, đã được và cái được ngoài dự kiến là nhân vật Tôn Ngộ Không của Ngô Thừa Ân đã trở thành hình ảnh thân mến trong đời sống văn hoá của nhiều thế hệ nhân loại.
Hắc hầu vương Hãnuman
Hanuman. |
Hãnuman là con khỉ lừng danh qua sử thi Ramâyana của Ấn Độ và rất được tôn sùng ở những nước có người theo đạo Bà la môn. Theo truyền thuyết, Hãnuman là con khỉ màu đen, có tài di sơn đảo hải và có tinh thần nghĩa hiệp, cứu khốn phò nguy. Hãnuman là tướng tiên phong của Hoàng tử Rama, cầm đầu đạo quân khỉ tấn công vào kinh thành Lanka, giết quỷ vương Ravana và giải cứu được người đẹp Sita là vợ của Rama.
Sử thi Ramâyana là bản anh hùng ca được xem là nền tảng đạo lý của Ấn Độ và là thánh thư của người theo Ấn giáo (Hindu). Ở một số nước Đông Nam Á, người ta có thể bắt gặp hình ảnh Hãnuman ở khắp nơi, trong sách vở, đền chùa, tranh tượng, đặc biệt là trong các tranh phù điêu chạm trổ ở đền Angkor. Trước đây, nhà nước Campuchia thời Sihanouk và Longnol đã lấy logo hình con khỉ Hãnuman làm biểu tượng của quân đội.
Tác giả anh hùng ca Ramâyana theo truyền thuyết là giáo sĩ Bà la môn Valmiki sống vào khoảng thế kỷ 6-5 trước Công nguyên. Như vậy, Hắc hầu vương ra đời trước Tôn Ngộ Không cả nghìn năm. Tuy nhiên, văn hoá Bà la môn không phát triển bằng Phật giáo nên ở Việt Nam, ít người biết đến nhân vật Hãnuman. Theo học giả Trung Quốc Hồ Thích, con khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây du ký là hình bóng của con khỉ Hãnuman được Đường Tam Tạng du nhập vào sau chuyến đi thỉnh kinh. Hồi ấy, đạo Bà la môn rất thịnh ở Ấn Độ và cạnh tranh thế lực với Phật giáo. Người theo Phật giáo đại thừa ở Trung Quốc có lẽ đã mô phỏng theo hình ảnh Hãnuman để tạo ra Tôn Ngộ Không của mình.
Kinh Tây hầu vương King Kong
King Kong. |
Hình ảnh con khỉ trong nền văn hoá phương tây khá mờ nhạt bên cạnh các con vật thần thoại như nhân mã, nhân sư, mỹ nhân ngư... Mãi đến khoảng giữa thế kỷ 20, một con khỉ có tầm cỡ mới xuất hiện. Đó là King Kong - con khỉ khổng lồ trong bộ phim khoa học giả tưởng pha chút tình cảm lãng mạn theo kiểu chuyện đường rừng của đạo diễn Mỹ Ernest B. Schoedsack. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng Kinh Tây hầu vương (tước hiệu mới do tác giả bài viết đặt ra để gọi King Kong) vẫn nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới. King Kong đi vào lịch sử điện ảnh như một thành công đầu tiên của loại phim kỹ xảo.
Với thân hình khổng lồ và sức mạnh tàn phá khủng khiếp, King Kong vẫn không đánh mất "tính bản thiện" khi nó cố bảo toàn tính mạng cho một sinh vật nhỏ bé vô tội là cô gái xinh đẹp trong lòng bàn tay lông lá của nó. Những năm gần đây, nền điện ảnh kỹ thuật số đã dễ dàng tạo ra nhiều con vật khổng lồ tương tự như: người tuyết, khủng long, người khổng lồ xanh... nhưng cho đến nay, King Kong vẫn là một "ngôi vua" không thể bị lật đổ trong tình cảm của người xem phim.
Tam hầu và triết lý ba không
Trong các gian hàng thủ công mỹ nghệ đồ gỗ, đồ gốm ở hầu hết các nước Đông Nam Á, du khách thường bắt gặp những sản phẩm có hình 3 con khỉ ngồi kề nhau. Con thì 2 tay tự bịt mắt, con thì bịt tai, con thì bịt miệng - ý là không thấy, không nghe và không nói. Đó là triết lý ba không xuất xứ từ túi khôn của người từng trải việc đời.
Có người cho rằng đây là thái độ sống tiêu cực. Tuy nhiên, nếu ta hiểu rằng khỉ là giống vật hiếu động mà chịu ép mình vào kỷ luật ba không, thì hình tượng Tam hầu mang ý nghĩa chữ NHẪN - một đức tính đòi hỏi công phu hàm dưỡng không phải tầm thường. Lại nghĩ giả sử có lúc nào đó, những ông Tôn Ngộ Không, Hanũman và King Kong mà phải chịu ngồi bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trước mọi nỗi bất bình trên đời thì đúng là bi kịch.
Hoàng Phủ Ngọc Phan (Thanh Niên)