Đà Lạt nằm giữa đồi núi trập trùng, bởi thế những con đường đến với thành phố tình yêu này cũng trùng trùng điệp điệp
Ngoạn Mục, con đèo có độ dốc lớn nhất các tỉnh phía Nam
Nằm trên quốc lộ 27 nối Ninh Thuận và Lâm Đồng, đèo Ngoạn Mục hay đèo Sông Pha một thời là tuyến giao thông huyết mạch giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Đèo dài 18,5 km, có độ dốc trên 9 độ, từ trên đỉnh cao nhất nhìn xuống thung lũng Ninh Sơn thấy những con đường đèo ngoằn ngoèo len lỏi trong rừng cây xanh hoang lạnh.
Sau khi đèo Long Lanh từ Nha Trang lên Đà Lạt được thông xe, người qua lại trên đèo Ngoạn Mục thưa vắng dần. Ít xe dám qua lại con đường này vì đường đã hoang phế. Với những tay lái thích chinh phục, việc vượt đèo Ngoạn Mục, đi xuyên qua những cánh rừng, trên con đường gập ghềnh khúc khuỷu, thấp thoáng cảnh núi rừng hùng vĩ là cách để thử thách tay lái.
Mây trắng bồng bềnh trên đỉnh đèo Dran
Đèo Dran là con đèo tiếp nối với đèo Ngoạn Mục để vào Đà Lạt. Dran cũng là tên của một thị trấn thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đèo Dran nằm cao hơn thành phố Đà Lạt và cũng là nơi lạnh nhất thung lũng, quanh năm sương mù bao phủ.
Giống đèo Ngoạn Mục, đèo Dran vắng vẻ và thưa người qua. Chỉ dài khoảng 10 km nhưng con đèo quanh co uốn lượn với cảnh quan thay đổi sau mỗi khúc quanh. Suốt con đường vắng vẻ là thiên nhiên hữu tình, những rừng thông trùng điệp, những đồi chè xanh mướt và hoa dại mọc suốt hai bên đường. Đi trên đèo Dran vào tháng 12, người đi đường sẽ mất cả tiếng đồng hồ vì say trong màu cam của hoa dã quỳ. Mùa đông, rất nhiều du khách đến Dran để thưởng thức thời tiết giá lạnh, đứng giữa biển mây và sương trắng bồng bềnh.
Đèo Long Lanh nối hoa và biển
Đèo Long Lanh nối Nha Trang và Đà Lạt theo tỉnh lộ 723 là cung đường thay thế cho đèo Ngoạn Mục. Con đèo dài hơn 30 km này được coi là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam. Cung đường quanh co uốn lượn qua những đồi thông và cánh rừng bạt ngàn. Bình minh là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày, nắng dịu dàng, sương vương vấn chưa tan, làm nao lòng biết bao người đã từng đặt chân đến nơi đây.
Đèo Bảo Lộc giữa Đồng Nai với Lâm Đồng
Là con đèo nằm trên quốc lộ 20, nối TP. HCM với cao nguyên Lang Bian, cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Muốn đến phố hoa Đà Lạt, đầu tiên phải đi qua đèo Bảo Lộc (còn gọi là đèo B,Lao theo tiếng K,ho), dài 10 km. Đèo Bảo Lộc là ranh giới giữa địa phận thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai.
Con đèo được xây năm 1973 một thời là nỗi kinh hoàng của cánh xe tải khi đi qua những đoạn dốc sạt lở núi nguy hiểm. Quốc lộ 20 nay đã được xây dựng lại, con đường rộng đi qua nhiều cánh rừng cao su, rừng thông, những đồi chè xanh mướt và những vườn cà phê bạt ngàn trĩu quả.
Đèo Prenn giữa thung lũng thông xanh
Đèo Prenn dài 11 km, nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, bất cứ ai đi từ sân bay Liên Khương đều qua con đèo này. Đường đèo quanh co uốn lượn quanh những rừng thông xanh mướt rì rào. Prenn bắt nguồn từ tiếng Chăm nghĩa là xâm chiếm, từ này phát sinh do đèo Prenn uốn lượn qua một thác rất đẹp mang tên thác Prenn.
Qua mỗi khúc quanh, mỗi lần xuống dốc, con đèo dù không dài nhưng đông xe cộ qua lại và là cửa ngõ chính để tiến vào thành phố. Cảnh quan hai bên đường làm nao lòng những vị khách phương xa. Trời đã bắt đầu lạnh hơn, người đi xe đã phải khoác thêm tấm áo ấm. Vượt qua những rừng thông bạt ngàn, thác Drenn đã ở trước mặt.
Mimosa, đèo dẫn lối vào thành phố hoa Đà Lạt
Sau đèo Prenn là đèo Mimosa (còn gọi là Prenn 2), con đèo nối thêm chiều dài 10 km để vào trung tâm thành phố Đà Lạt, cũng là nơi loài hoa đặc biệt này được trồng nhiều nhất.
Bắt đầu từ thác Prenn, con đường lượn xuống một vùng lũng thấp rồi vắt mình qua những đồi thông xanh trùng điệp. So với đèo Prenn, Mimosa hiền hòa hơn, không có những khúc cua hiểm trở để du khách có thể phóng tầm mắt xuống phía thung lũng dưới chân đèo chập chờn sương trắng và thỏa sức ngắm sắc vàng mê mải của những hàng cây mimosa bung nở hai bên đường. Hầu hết khách đến Đà Lạt sẽ chinh phục lại đèo Mimosa để đến với thác Prenn xinh đẹp.
Bài và ảnh: Lam Linh