Chuyện Kim Long (35 tuổi, ở TP HCM) được mẹ chồng yêu quý "hơn cả con gái" nổi tiếng đến nỗi hàng xóm, anh chị em bảo chị "chắc tu 10 kiếp mới được làm dâu bà Kim Hương". "Nhưng tôi thấy mình tu 1.000 kiếp mới đúng", chị nói.
Cách đây mấy năm, bà Kim Hương bệnh nặng. Bữa cơm, thấy mẹ chồng ngồi nhai rất lâu, chị lại gần mới phát hiện mẹ chỉ ăn gân, dành thịt mềm cho vợ chồng mình. Cô con dâu khóc, trách mẹ "thương mà làm con mang tội" nên giành việc đi chợ để mua đồ ngon cho bà.
Sau này mẹ chồng khỏe, hai con của Kim Long đều được bà nội lo tắm rửa, cho ăn. Con dâu thích món gì mẹ chồng cũng sẵn lòng mua về nấu, mang đến tận nơi.

Kim Long và mẹ chồng chụp ảnh chung trong ngày sinh nhật của chị năm 2019. Ảnh nhân vật cung cấp
Ở Thanh Hóa, chị Nguyễn Ngọc (30 tuổi) cũng được mẹ chồng "nâng như nâng trứng". Ngày chị sinh con, mẹ đẻ ở gần nhưng không phải giặt cho con gái một lần, vì mẹ chồng đều giành làm hết. "Tôi sinh thường, nhưng sức yếu nên buổi đêm phải đi vệ sinh trong nhà, sáng nào mẹ cũng tự tay bưng bô, đổ phế thải giúp", chị kể.
Biết con dâu thích ăn bưởi, bà đạp xe đi mua cả bao tải về cho ăn dần. Những việc cuốc đất, trồng rau, Ngọc cứ định làm mẹ chồng đều gạt ra. "Lỡ lấm lem bế con truyền vi khuẩn sang cho nó", bà nói.
Sau này, khi Ngọc đi làm xa, muốn ăn gì lại gọi điện, mẹ chồng tìm mua, gửi ra. "Ở phố không thiếu, nhưng mẹ làm từng con gà, mua từng trái cà, củ hành, củ sả đóng gói. Tôi còn chưa bao giờ được bố mẹ đẻ chăm sóc như thế", người phụ nữ làm dâu hơn 5 năm kể.
Tết năm ngoái, chị Tường Vân (30 tuổi, ở Thủ Đức, TP HCM) được mẹ chồng gọi thợ đến để hai mẹ con xăm môi. Chuyện chị kể trên mạng xã hội khiến nhiều người trầm trồ nhưng lại rất bình thường trong gia đình Vân. Sống chung với mẹ chồng 7 năm, mẹ chồng như một người bạn lớn gần gũi và thân thiết của chị. "Mẹ biết tôi vụng nên hay ủi đồ giúp, giúp dỗ con ngủ để tôi có nhiều thời gian ra ngoài chơi, hẹn hò riêng với ông xã", chị nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM cho rằng, ngày nay, quan niệm mẹ chồng - nàng dâu đã thay đổi theo hướng tích cực. Những nàng dâu được yêu thương như Ngọc, Tường Vân hay Kim Long không ít.
Nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Lan (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) năm 2021, thực hiện ở 202 mẹ chồng và 400 nàng dâu cho thấy, chỉ có 9,5% mẹ chồng cho biết không hợp tính con dâu, giảm mạnh từ mức khoảng 30% trong nghiên cứu tương tự năm 2013.
Theo tiến sĩ Minh, một lý do khiến mối quan hệ mẹ chồng - con dâu ngày ngay bớt căng thẳng hơn bởi các nàng dâu hiện đại tham gia vào công việc xã hội, mang lại thu nhập cho gia đình nên nhận được sự tôn trọng nhất định từ mẹ chồng.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng cho thấy, địa vị kinh tế của con dâu cao hơn địa vị kinh tế của mẹ chồng ở đa số các gia đình hiện nay. Các mẹ chồng đánh giá mức độ đóng góp vào quỹ chi tiêu gia đình của con dâu là 38%, còn mình là 22%. Trong khi theo nàng dâu, họ đóng góp 45%, mẹ chồng chỉ 19%.
Ngoài ra, bà Minh cho rằng các gia đình hiện nay sống theo mô hình hạt nhân, thay vì tứ đại đồng đường như trước đây nên nàng dâu ít phải sống chung với mẹ chồng, từ đó ít xảy ra va chạm hơn. Ngoài ra, phụ nữ thời đại mới hiểu biết hơn, biết cách ứng xử và có nhiều kênh để học hỏi hơn.
Đồng quan điểm, nhà văn Hoàng Anh Tú, admin một diễn đàn tâm sự chuyện hôn nhân gia đình hơn 100 nghìn thành viên cho rằng mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thời hiện đại đang tốt lên mỗi ngày, đặc biệt ở khu vực thành thị, nơi mà phụ nữ đã có quyền bình đẳng nhiều hơn.

Chị Tường Vân và mẹ chồng, năm 2022. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhưng sự thay đổi không đến tự nhiên mà vẫn có sự cố gắng của cả hai phía. Chị Tường Vân cho biết, ban đầu chị cũng không tránh được những bất đồng với mẹ chồng. Hai người thường không hợp nhau về việc dạy con, cháu. Bà chiều cháu trong khi chị muốn nuôi dạy con nghiêm khắc, nên đôi khi khó chịu, dẫn đến tranh cãi. Nhưng khi nhận ra sự khó xử của chồng, Tường Vân nghĩ cần phải thay đổi để dung hòa gia đình.
Chị hiểu mẹ chồng ly hôn, có mỗi chồng mình nên cố gắng để sự xuất hiện của mình giúp gia đình vui hơn, không phải khiến mẹ lạc lõng. Có lần, chồng và mẹ chồng to tiếng, Tường Vân nói thẳng trước mặt hai người "dù mẹ có thế nào cũng không được lớn tiếng".
Sau đó, chị nhắn tin riêng cho mẹ, giải thích hành động của chồng, xin lỗi mẹ thay anh. Nhờ vậy, ba người vui vẻ với nhau. Khi mua gì, làm gì, chị cũng hỏi ý kiến mẹ, đưa bà đi xem rồi cùng chọn, để mẹ thấy mình được tôn trọng.
Mẹ chồng đôi lúc nói những câu làm Tường Vân buồn lòng, nhưng chị nghiệm ra "vô nhân thập toàn" nên chỉ nghĩ đến những điểm tốt của mẹ chồng, hiểu bà thương mình mà không để bụng những điều vặt vãnh.
"Tôi luôn nghĩ có mẹ mới có chồng mình nên luôn để ý xem mẹ thích ăn gì, mặc gì, kiểu giày, kiểu túi mẹ thích để chiều", chị kể. Đôi khi, không nhân dịp gì chị cũng mua quà tặng mẹ, nhỏ thôi, nhưng đủ làm bà vui cả ngày.
Sở dĩ chị Tường Vân từ bất đồng trở nên thân thiết với mẹ chồng, theo bà Minh, là do chị hiểu được tâm lý, sở thích và nhu cầu của bà. "Nếu một người đến với người khác bằng sự hiểu biết, sẽ dễ sống hơn rất nhiều", bà nói.
Bà Minh cho hay, người Việt trước đây khi cưới xin thường cho rất nhiều lễ (đám nói, dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lại mặt...). Nhiều người sai lầm khi cho rằng các lễ này rườm rà, phức tạp. Thực ra, thông qua lễ đó, cô dâu có cơ hội tìm hiểu về nhà chồng xem văn hóa thế nào, lối sống ra sao...
"Lễ lại mặt diễn ra ba ngày sau khi cưới. Trong ba ngày đầu làm dâu, nếu thấy không hợp, cô dâu được trả lễ, coi như không cưới", bà Minh nói, để thấy hiểu nhà chồng quan trọng với nàng dâu thế nào.
Chị Ngọc kể, vì hai gia đình gần nhau nên không quá khác biệt về văn hóa với nhà chồng. Tuy nhiên, ở mỗi gia đình đều có cách sống, cách sinh hoạt khác nhau.
"Câu đầu tiên tôi nói khi về làm dâu là 'con mới về chưa quen nên có gì mẹ chỉ dạy con nhé ạ. Con làm sai gì, mẹ đừng nóng nhé, con sẽ học dần'". Mẹ chồng bật cười, kiên nhẫn hướng dẫn chị thói quen sinh hoạt trong gia đình, con dao để đâu, bát chén xếp đặt thế nào, bữa sáng bắt đầu lúc mấy giờ.
Qua chồng và các chị, Ngọc biết mẹ thích những món dân dã như khoai lang, bánh đa, bánh nướng, trong nhà hết, chị lại mua để buổi trưa hai mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện. "Quan trọng nữa là tôi may mắn có được người mẹ chồng thương con. Bà bảo thương con trai thì phải thương con dâu, có vậy các con mới hạnh phúc", chị kể.
Kim Long thì cho hay, bí quyết của chị đến từ tình thương yêu tự nhiên dành cho mẹ chồng. "Tôi quan tâm, chăm sóc mẹ chồng thật lòng chứ không phải lấy lòng để được yêu thương. Với tôi, yêu thương là tự nhiên'', chị nói.
Khi chỉ mới yêu chồng, mẹ chồng chị phát hiện ung thư. Bà có 200 triệu đồng tiết kiệm, nghĩ mình đằng nào cũng chết nên bảo để tiền đó cho con trai chứ không chữa bệnh.
Chính Kim Long là người khuyên bà đi mổ. Chị bỏ việc chăm mẹ chồng những ngày bà nằm viện. Về làm dâu, sức khỏe mẹ chồng suy yếu, nợ nần chồng chất, chị xin mẹ đẻ bán mảnh đất của gia đình lấy tiền chữa trị cho mẹ chồng.
"Về sống chung, chúng tôi không tránh khỏi những bất đồng. Nhưng tôi biết con dâu thương mình nên cũng thương con, bỏ qua hết những mâu thuẫn nhỏ nhặt", bà Kim Hương nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng một gia đình giống như một tổ chức thu nhỏ. Nàng dâu mới về nhà chồng cũng như một nhân sự mới vào công ty. Người mẹ chồng phải giống như nhà quản lý, vừa có nguyên tắc nhưng cần mềm mại, giống như mẹ chồng của Ngọc.
"Hãy chỉ dạy cho nàng dâu hiểu văn hóa nhà chồng để cô ấy biết cách cư xử. Lớn tuổi hơn phải mẫu mực, hướng dẫn, hỗ trợ, thường xuyên trao đổi để hiểu con dâu, cho cô ấy thời gian hòa nhập", bà nói.
Ngoài ra, theo bà Minh, khi đã xem gia đình là một tổ chức, thì phải điều khiển tổ chức đó, công bằng với mọi thành viên. Không thể xem con trai là vàng, nàng dâu là osin. Nếu trong một tổ chức, người chơi, người làm không hết việc là bất ổn.
Phạm Nga