Kết quả cuộc khảo sát nhà ở kéo dài hai thập niên được Nhật Bản công bố vào ngày 26/4 cho thấy số căn hộ không có người ở năm 2018 đạt mức kỷ lục 8,46 triệu, tăng 260.000 căn kể từ lần khảo sát gần nhất năm 2013. Khi phá dỡ những ngôi nhà không có người ở này, cơ quan chức năng tìm thấy những cọc tiền mặt được cất giấu cẩn thận, dấu hiệu cho thấy cuộc sống cô đơn của người cao tuổi ở Nhật.
Cọc tiền 200.000 USD từng được tìm thấy tại một ngôi nhà bị phá dỡ ở Tokyo năm 2018. "Có lẽ một phần là do nhiều người già sống một mình. Số tiền có khả năng là khoản tiết kiệm bí mật mà các thành viên khác gia đình thậm chí không biết đến", Hideto Kone, phó giám đốc cơ quan cấp phép cho các chuyên gia dọn dẹp đồ đạc của người quá cố, giải thích.
Nếu không thể tìm được chủ sở hữu của những khoản tiền được cất giấu bí mật này và những người tìm thấy không đòi nhận nó, cọc tiền sẽ được gửi đến chính quyền địa phương. Chính quyền thành phố Tokyo năm 2018 nhận được khoảng 560 triệu yên (5 triệu USD) theo cách này.
Sau khi Nhật Bản thông qua luật năm 2015 để ngăn chặn sự gia tăng của những ngôi nhà bỏ hoang, chính quyền các đô thị trên cả nước đã kêu gọi chủ sở hữu sửa chữa hoặc phá hủy 708 bất động sản vào tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, việc phá dỡ không đơn giản vì vừa tốn kém chi phí vừa gây nguy hiểm, nên một số doanh nghiệp tìm cách tận dụng cơ hội kinh doanh từ chúng. Trong khi nhiều công ty khởi nghiệp tìm cách biến các căn nhà không người ở thành văn phòng, các tổ chức phi lợi nhuận đã biến chúng thành quán cà phê hoặc nhà nghỉ.
An Hồng (Theo Nikkei Asian Review)