VN-Index khởi đầu năm 2020 ở ngưỡng 960 điểm, tăng lên hơn 990 điểm trong chưa tới một tháng. Nhưng con số này cũng là mức cao nhất trong nửa đầu năm, bởi sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nỗi lo về khả năng suy thoái kinh tế, những tác động trực tiếp tới bộ phận doanh nghiệp và người lao động khiến dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường. Hai tháng sau, Vn-Index giảm hơn 30%, lùi về ngưỡng 660 điểm, xóa thành quả tăng trong gần ba năm.
Thị trường rơi vào trạng thái bi quan, nhưng nhìn từ góc độ khác, nhịp giảm sâu khiến mức định giá của nhiều ngành trở nên hấp dẫn. Dòng tiền bắt đầu trở lại, nhưng phân hóa và chọn lọc hơn, tập trung vào những ngành được dự báo ít ảnh hưởng hoặc phục hồi nhanh.
Ngân hàng
Ví như "mạch máu" của nền kinh tế, ngành ngân hàng từ đầu năm được dự báo kém tích cực khi kinh tế chịu đòn giáng từ đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các nhà băng lại cho thấy kết quả ngược lại. Trong khi kinh tế tăng thấp nhất thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao kỷ lục, nhiều ngân hàng vẫn báo lãi tăng hai chữ số nhờ đẩy mạnh các khoản thu ngoài lãi, bán bảo hiểm. Kết quả này khiến cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm đến của dòng tiền.
Đà tăng của nhóm này là động lực để thị trường phục hồi từ cuối quý I đến hết quý II. Tính đến phiên 21/12, VN-Index tăng gần 12% so với đầu năm, tuy nhiên nhiều mã ngân hàng đã tăng hơn 60%
Ngoài kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận, nhiều mã ngân hàng cũng được hỗ trợ bởi thông tin chuyển sàn và tăng vốn.
Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng lên sàn chứng khoán, theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020. Ngoài làn sóng đăng ký giao dịch lần đầu lên UPCoM hoặc niêm yết thẳng, còn một xu hướng khác là các ngân hàng không chịu áp lực pháp lý nhưng cũng có kế hoạch chuyển sàn. ACB, LPB, SHB hay VIB là những cái tên đáng chú ý, với biên độ tăng hai con số trước khi chuyển niêm yết sang HoSE.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, sức bật có phần chậm hơn do độ trễ của yếu tố hỗ trợ là câu chuyện tăng vốn. CTG đến cuối tháng 8 vẫn quanh ngưỡng 21.000-22.000 đồng, nhưng chỉ trong ba tháng đã tăng gần gấp đôi. Tương tự với BID và VCB, hai mã này cũng chỉ thực sự nhập cuộc trong một tháng gần đây.
Chứng khoán
Cùng trong nhóm tài chính nhưng cổ phiếu chứng khoán chỉ thực sự bùng nổ trong hai tháng gần đây khi VN-Index chinh phục ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và ghi nhận những phiên thanh khoản kỷ lục. Động lực cho nhóm này nhờ kỳ vọng vào sự trở lại của thị trường mang lại kết quả kinh doanh tích cực cả về mảng môi giới và đầu tư. Trước đó, trong nửa đầu năm, nhiều công ty chứng khoán lớn đã báo lãi giảm sâu, thậm chí lỗ do diễn biến tiêu cực.
Giao dịch trong biên độ 16.000-18.000 đồng tới giữa tháng 10, chỉ hơn hai tháng, SSI - công ty giữ thị phần top đầu về môi giới - đã tăng gần 70% lên 28.650 đồng. Những cái tên còn lại trong nhóm này như HCM, VCI, VND, BSI, BVS, FTS cũng liên tục chốt phiên ở mức giá trần.
Thép
Nếu cổ phiếu chứng khoán đi lên nhờ thị trường thì nhóm cổ phiếu thép được chú ý một phần nhờ chính sách và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Quyết tâm đẩy nhanh chi tiêu công của Chính phủ để bù đắp một phần ảnh hưởng của đại dịch giúp nhóm này được kỳ vọng sẽ hưởng lợi về kinh doanh.
Ở mức đáy cuối tháng 3, cổ phiếu HPG giao dịch chỉ 13.000-14.000 đồng. Đến cuối quý II, thị giá mã này phục hồi lên trên 20.000 đồng và đi ngang trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, nhờ kết quả đột biến trong quý III và cuối năm, cổ phiếu của "vua thép" ghi nhận chuỗi tăng kỷ lục dù khối ngoại liên tục bán ròng. Lợi nhuận quý III của Hòa Phát gấp đôi cùng kỳ năm trước khi đạt 3.785 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước tới nay. Nhờ đó, cổ phiếu của HPG tăng gần gấp đôi lên hơn 38.000 đồng.
So với HPG, đà tăng của HSG cũng không kém cạnh. Mã này khởi đầu năm nay ở ngưỡng 12.000 đồng, giảm về dưới mệnh giá khi thị trường chạm đáy cuối tháng 3. Nhưng đến nay, thị giá của HSG đang giao dịch trên 21.000 đồng.
Tương tự hai cổ phiếu đầu ngành, các mã khác như NKG, POM, TLH cũng tăng gần đôi so với mức đáy.
Bất động sản khu công nghiệp
Không quá ồn ào nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng ghi dấu là một trong những ngành có mức tăng ấn tượng.
Hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp nhóm này là bán đất và cho thuê dịch vụ khu công nghiệp. Mảng bán đất thường mang lại biên lợi nhuận cao trong ngắn hạn, còn mảng dịch vụ mang lại dòng tiền ổn định hơn. Điểm sáng về chống dịch, xu hướng chuyển đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc giúp nới rộng nhịp tăng của nhóm cổ phiếu này, chủ yếu trong giai đoạn cuối quý III.
Những công ty có vốn Nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM), Tổng Công ty phát triển khu công nghiệp (SNZ) hay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đều tăng 30-50% trong nửa cuối tháng 8. Những mã khác như SZL, SZC, SIP cũng không nằm ngoài con sóng này.
Ngoài những nhóm cổ phiếu trên, dược phẩm, y tế hay bất động sản cũng có sự phục hồi. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, dòng tiền sẽ tập trung vào một nhóm nhất định, đà tăng có sự phân hóa rõ rệt. Diễn biến này, theo các chuyên gia, cũng là lý do giúp nhịp phục hồi của thị trường kéo dài và không quá phụ thuộc vào một số mã lớn như giai đoạn trước.
Minh Sơn