1. Cỗ máy Antikythera
Một trong những cỗ máy cổ xưa khó lý giải nhất là "cỗ máy Antikythera", được phát hiện vào năm 1901 trong xác tàu chở hàng thời La Mã bởi thợ lặn tìm bọt biển gần đảo Antikythera, theo Interesting Engineering. Thiết bị có niên đại từ năm 87 đến năm 205 trước Công nguyên và mục đích chính xác của người tạo ra nó vẫn là đề tài khiến các nhà khoa học bối rối.
Một số lý giải khả thi về cỗ máy cho rằng đây là công cụ tính toán thiên văn học hoặc mô hình cơ học của hệ Mặt Trời, dùng để theo dõi chu kỳ của thiên thể như Mặt Trăng và Trái Đất cũng như các hành tinh khác. Cỗ máy Antikythera cũng được mô tả như máy tính analog cổ nhất thế giới, sử dụng cho những dự đoán thiên văn như thời gian diễn ra nhật thực trong tương lai.
Khi tìm thấy, thiết bị nằm bên trong một hộp gỗ. Công tác bảo tồn xác định 82 mảnh riêng biệt của cỗ máy, cơ cấu lớn nhất có đường kính 13 cm và ban đầu có 223 bánh răng. Mặt trước của cỗ máy có một đĩa tròn cố định mô phỏng đĩa mặt phẳng của Trái Đất quanh Mặt Trời và 12 cung hoàng đạo, sắp xếp theo khoảng cách 30 độ. Mặt ngoài của đĩa có một vòng tròn khác xoay được, ký hiệu ngày và tháng theo lịch Ai Cập. Khi xoay, vòng tròn có lịch Ai Cập có thể khớp với cung hoàng đạo. Cỗ máy vận hành bằng một tay quay nhỏ nối với cơ cấu lớn nhất thông qua vòng bánh răng. Điều này có thể làm dịch chuyển kim chỉ ngày ở đĩa trước. Bất kể mục đích tạo ra là gì, Antikythera là cỗ máy phức tạp nhất thời đó.
2. Cỗ máy động đất của Tesla
Nhà phát minh thiên tài Nikola Tesla tạo ra rất nhiều thiết kế và máy móc. Ban đầu, ông tạo ra một bộ dao động để sản xuất điện. Sau này, một phiên bản của cỗ máy có thể tạo ra động đất. Bộ dao động ban đầu mà Tesla phát minh sử dụng hơi nước. Hơi nước đưa vào bộ dao động thoát ra qua các cổng trong khi đẩy piston dịch chuyển lên xuống. Piston nối liền với phần quay trong động cơ điện, làm nó rung ở tốc độ cao và sản xuất điện.
Tesla tạo ra những phiên bản khác nhau của thiết bị, tìm cách thay thế động cơ hơi nước dùng trong kém hiệu quả trong máy phát điện. Tuy nhiên, trong một bữa tiệc năm 1935, nhà phát minh cho biết một phiên bản bộ dao động có thể sản sinh rung động dữ dội, thậm chí gây ra động đất ở trung tâm thành phố New York. Theo bản tin thời đó, cỗ máy gây động đất gần phòng thí nghiệm của Tesla ở Manhattan, dẫn tới sự xuất hiện của cảnh sát và lực lượng phản ứng nhanh.
Tesla chia sẻ khi ông thử nghiệm với rung động, cỗ máy kết hợp với rung động của tòa nhà và gây ra "âm thanh nứt vỡ kỳ quặc". Trong lúc hỗn loạn, Tesla đã chộp lấy cây búa và đập vào cỗ máy. Theo ông, thiết bị này có thể làm sập tòa nhà Empire State nếu gắn vào dầm nhà.
3. Dynasphere
Cỗ xe một bánh Dynasphere là phát minh của kỹ sư điện người Anh John Archibald Purves. Xin cấp bằng sáng chế vào năm 1930. Phương tiện lấy cảm hứng từ một phác thảo của Leonardo da Vinci. Bánh xe có cabin bên trong chu vi của nó, đủ chỗ cho người lái và một hành khách. Tờ "Modern Mechanics" vào tháng 6/1932 mô tả chi tiết cơ chế bên trong của nó. Cả hai mặt bên trong bánh xe đều có đường rãnh có thể chạy theo mọi hướng. Một motor nối liền hộp số giúp bánh xe di chuyển. Cỗ xe không bị đổ do trọng tâm của nó đủ thấp để ngăn điều đó xảy ra.
Dynasphere có thể đạt tốc độ 48 km/h. Điều thú vị là hành trình trên Dynasphere chắc chắn cung cấp tầm nhìn độc đáo. Sau khi chế tạo hai nguyên mẫu của cỗ xe, Purves phát triển phiên bản xe buýt có thể chứa nhiều người hơn nhưng không khả thi do khó lái và phanh.
5. Ornihopter
Ornithopter là cỗ máy khác thường cho phép con người bay giống chim hoặc côn trùng. Phương tiện ở trên không bằng cách vỗ cánh. Một số ornithopter có người lái và hoạt động bằng động cơ, nhưng phiên bản quy mô nhỏ chỉ dành cho một người. Lịch sử thiết kế ornithopter bắt nguồn ít nhất từ 1.000 năm trước, trong đó nhà thơ, kỹ sư, nhà thiên văn học và nhà phát minh người Andalusia ở thế kỷ 9 Abbas Ibn Ferns từng thí nghiệm chuyến bay có động cơ. Leonardo da Vinci cũng từng thiết kế ornithopter dựa trên nghiên cứu cách bay của chim và phác thảo cỗ máy với hành khách nằm sấp trong khi điều khiển cặp cánh lớn bằng đòn bẩy tay, bàn đạp ở chân và ròng rọc.
An Khang (Theo Interesting Engineering)