Cơn mưa hơn hai tiếng đã khiến sân trường, ba lớp học của điểm bản Hú Trù Lìn, thuộc trường mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải chìm trong biển nước.
"Nước ngập hơn 30 cm, tất cả học sinh ngồi co chân lên ghế, khóc vì sợ nên tôi và các giáo viên vừa dỗ dành các em vừa nhanh chóng tát nước ra ngoài", cô Giang, giáo viên chủ nhiệm lớp 3-4 tuổi nói.
Tình trạng cứ mưa là toàn trường ngập lụt bắt đầu từ năm 2021, khi điểm trường di dời xuống bãi đất thấp, dốc hơn, nằm sát mặt đường dân qua lại, cách điểm cũ vài chục mét. Các lớp học và phần đường đi lại của dân chỉ được ngăn cách bởi tấm hàng rào sắt.
Nhớ lại những ngày đầu chứng kiến cảnh ngập lụt, trời tối sầm, trường không có điện, cô Giang và học trò đều lo sợ, hoang mang, chỉ biết lấy giẻ lau thấm vùng nông, vùng nước sâu dùng dụng cụ gạt nước ra. Nước mưa dột từ mái tôn các lớp xuống, phía ngoài, dòng nước kèm đất đỏ, đá cuốn vào khiến sách vở, đồ chơi, thiết bị dạy học bị cuốn trôi.
"Phần cơm trắng, ngô, khoai, các em đem theo ăn trưa được bọc trong túi nilon để ngoài hành lang cũng bị ướt, trôi đi hết, chúng tôi không kịp ứng phó", cô Giang kể.
Vào mùa mưa, thường từ tháng 5 đến tháng 8, những trận mưa kéo dài cả ngày khiến cô Giang cùng các giáo viên khác phải tạm dừng việc dạy để đảm bảo an toàn cho học trò. Nước chảy mạnh, càng gạt ra nước càng cuốn vào.
Sau này các cô rút kinh nghiệm khi bắt đầu mưa, mọi người chia nhau chạy lên thượng nguồn cách điểm trường gần một km để đào rãnh "lái" nước chảy sang phía khác. Người ở lại kê đồ đạc lên cao rồi vận động phụ huynh, dân bản cùng chung tay dùng xô, chậu tát nước, dùng xẻng gạt đất đá.
"Dù có những ngày ngập nặng nhưng chúng tôi vẫn cố dọn dẹp, khắc phục để ngày hôm sau học trò vẫn có thể tới trường, chỉ lo học trò bị ốm vì ngấm mưa dột", cô Giang tâm sự.
Theo cô Nguyễn Thị Hiền Trang, hiệu phó trường mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, trường có hơn 450 học sinh, chia làm bốn điểm lẻ, một điểm chính. Hơn 90% học sinh là người Mông, khoảng 70% là con em các hộ nghèo. Điểm bản Hú Trù Lìn có 91 em chia làm ba lớp với ba giáo viên chủ nhiệm. Trước đây học sinh chen chúc học tạm ở hai lớp dựng tạm bằng gỗ, không bếp, không chỗ ngủ, không có sân chơi.
"Được hỗ trợ xây tạm ba phòng lợp tôn nhưng lại ở vị trí thấp, giờ muốn hết ngập chỉ có cách khắc phục duy nhất là di dời điểm trường", cô Trang nói.
Năm 2018, trường từng có một điểm trường ở bản Tà Ghênh, xã Lao Chải bị lũ cuốn trôi do nằm ở địa hình thấp, dựng tạm bợ bằng tôn, gỗ. "Chỉ mong sau kì nghỉ hè, điểm Hú Trù Lìn vẫn còn nguyên vẹn, năm nay nhiều cơn mưa lớn bất chợt nên rất sợ", cô Trang lo lắng.
Không chỉ sống chung với cảnh ngập lụt, cô Giang nói suốt hơn chục năm qua, điểm bản Hú Trù Lìn vẫn chưa có điện, sóng wifi. Đem theo máy tính xách tay, cô cho biết chỉ để học sinh xem giờ ra chơi hoặc những tiết kể chuyện khó dùng hình minh họa. Mỗi tháng cô phải trích vài trăm nghìn đồng để dùng Internet, mong muốn các em được xem thế giới động vật, được ngắm khung cảnh đẹp của đất nước dù chỉ qua màn hình điện thoại, máy tính.
"Tuần hai lần, chúng tôi cũng nấu cho các em những bữa ăn dinh dưỡng đủ thịt, cá, rau để bù đắp cho học trò vì phải chịu nhiều thiệt thòi nơi vùng cao", cô giáo 34 tuổi nói.
Sau một trận mưa cuối tháng 5, lớp học tan hoang, đầy đất bùn. Lờ A Chiu, 4 tuổi, ở bản Trống Khua, xã Lao Chải dường như đã quen với cảnh này, chỉ ngồi im đợi cô Giang tát nước ra ngoài. Mẹ Chiu nghe tin cũng tức tốc vượt hơn 10 km từ nhà tới hỗ trợ. Bà mẹ 30 tuổi cho biết trận mưa nào cũng tới giúp và mua thêm bánh, kẹo dỗ trẻ trong lớp ngừng khóc.
"Về nhà con tôi nói sợ trời mưa nhưng vẫn muốn tới trường, đi học thấy vui vì có bạn bè, thầy cô, được cô nấu cho những món ngon", mẹ Chiu kể.
Nhằm cải thiện điều kiện học tập cho các em nhỏ ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, Quỹ Hy vọng – báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Thanh Nga