Căn nhà gỗ khoảng 30 m2, lợp mái tôn, không có tài sản gì đáng giá ngoài vài cái xoong nồi để nấu ăn là nơi Hồ Thị Hoa (17 tuổi), xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) sống chung cùng bố mẹ và anh chị.
Ba năm trước, đang học lớp 8 thì Hoa yêu anh Hồ Văn Tiến (20 tuổi) cùng thôn rồi mang bầu. Hoa nghỉ học và được hai bên gia đình tổ chức đám cưới nhưng cô gái 14 tuổi này không có kiến thức, kỹ năng chăm sóc con và cuộc sống nghèo khổ nên đứa con sinh ra được ba tháng đã qua đời. Mỗi ngày trôi qua, Hoa lầm lũi trong căn nhà nhỏ, đến bữa thì nấu cơm chờ chồng và người thân trong gia đình về ăn.
"Em hối hận vì lấy chồng sớm. Em muốn được đi học lại nhưng không còn cơ hội nữa", Hoa nói và thú nhận việc trót yêu và lấy chồng quá sớm đã để lại hậu quả rất lớn.
Nhưng ở vùng cao này cha mẹ, anh chị và mọi người trong thôn của Hoa đa số đều lấy chồng trước tuổi. "Em lấy chồng sớm là điều bình thường, cha mẹ không ai cấm hết", Hoa chia sẻ và thông tin có một số bạn ở xã cũng đã lấy chồng sinh con như mình.
Hồ Thị Vân (15 tuổi, xã Phước Năng) có hoàn cảnh tương tự Hoa. Kỳ nghỉ hè năm 2018, Vân thường đi chơi với mấy thanh niên trong làng và nảy sinh tình cảm với anh Hùng (20 tuổi). Cũng không lâu sau đó, Vân mang bầu nhưng vì gia cảnh anh Hùng nghèo khó nên hai người về sống chung không tổ chức lễ cưới. Hàng ngày, anh Hùng đi làm thuê còn cô vợ trẻ ở nhà chăm sóc đứa con đầu lòng.
Ông Hồ Văn Phức, Phó chủ tịch xã Phước Thành cho biết, năm 2018 toàn xã có đến 13 trường hợp tảo hôn, trong đó có một trường hợp kết hôn cận huyết thống.
"Cứ vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ Tết Nguyên đán các em học sinh nghỉ học (trường dân tộc nội trú) về nhà là lại có thêm một số trường hợp lấy chồng", ông Phức nói và cho biết nguyên nhân do người lớn tuổi trong gia đình phó mặc cho con em, trong khi các em chưa nhận thức được việc lấy chồng sớm. "Hai cái này cộng lại dẫn đến tảo hôn", ông Phức kết luận.
Theo ông Chủ tịch xã, chính quyền địa phương rất "đau đầu" về nạn tảo hôn. Nếu xã dùng các biện pháp hành chính như không cho đăng ký kết hôn, không cho khai sinh thì những gia đình có con cái tảo hôn lại nghĩ ra cách lách luật là ông bà đứng ra làm giấy khai sinh với cách thức nhận con nuôi để em bé có giấy tờ, được cấp thẻ bảo hiểm và hưởng các chính sách khác. "Khi bố mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn, họ sẽ ra xã làm đăng ký, làm hộ khẩu cho gia đình và chuyển tên con nhưng thủ tục cũng nhiều rắc rối", ông Phức nói.
Ông Hồ Quang Hương - Phó Chủ tịch huyện Phước Sơn cho biết, huyện đã ban hành đề án "giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020". Mục tiêu chung là đến năm 2020 phấn đấu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
"Khi nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mới giảm xuống. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức cho người dân không phải một sớm một chiều", ông Hương nói.
Theo thống kế của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phước Sơn, trong năm năm trở lại đây tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn đã giảm xuống từ 27-28%. Cụ thể, năm 2015 toàn huyện có đến 143 trường hợp; 2016 có 64 trường hợp; năm 2017 có 48; năm 2018 giảm xuống còn 40 và 6 tháng đầu năm 2019 có 17 trường hợp.
* Tên nhân vật đã thay đổi.