Nói về cái tên rất nam tính của mình, chị Trần Tuấn Anh say sưa kể về cả loạt giai thoại. Chị nói thẻ bảo hiểm y tế của chị suốt thời đi học thường xuyên bị ghi nhầm giới tính. Chị cũng 2 lần bị phường gọi đi khám nghĩa vụ quân sự.
"Triệu tập vài lần không thấy đâu, công an phường vào tận nhà tôi để hỏi tại sao lại không đi khám sức khỏe, làm thủ tục nhập ngũ. Khi vừa nhìn thấy tôi, chú công an đã hỏi 'Anh cháu đâu? Trốn ở đâu rồi'", chị Tuấn Anh kể lại.
Ngày chị cưới, họ hàng nhà chồng chị khi đọc tên dán trên phông đỏ Tuấn Anh - Anh Tuấn, còn nhầm tưởng là bên phông rạp chưa bóc tên cũ ra, hay dán nhầm thứ tự tên anh. Thậm chí có người còn tưởng chồng chị kết hôn với người cùng giới tính.
Chị Đức Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng rơi vào những tình huống bi hài không kém. Chị kể hồi làm thủ tục nhập ký túc xá đại học, chị đỏ mắt đi tìm hai khu nhà 5 tầng nhưng không thấy tên mình đâu. Chị đâu ngờ rằng tên mình đang được dán ở ký túc xá nam, cùng phòng với 7 bạn trai cao to khác.
"Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm ngày 8/3 năm học cấp 3. Thầy giáo môn Sử nói hôm nay sẽ ưu tiên các bạn nữ, chỉ gọi bạn nam lên bảng. Tôi yên trí ngồi buôn dưa lê với đứa ngồi cạnh. Và thầy chọn đúng tên tôi. Khi tôi đứng lên, thầy bảo thôi đã gọi rồi mời em lên luôn. Đó lại đúng hôm tôi không học bài", chị Hải nhớ lại.
Cũng vì cái tên đặc sệt con trai này mà khi đi làm, mọi email, thư từ chị nhận được đều bắt đầu bằng "Gửi anh Hải"... "Cám ơn anh"; hay "Mr Hải"... Biệt danh "đại ca Hải" mọi người đặt cho chị ở công ty cũng bắt nguồn từ đó.
Nhắc đến chuyện những cái tên dễ bị hiểu lầm về giới tính, chị Lan (Văn Phú, Hà Đông) cho biết, mẹ chị, tên Quốc Toàn, thường xuyên bị nhầm là nam. Giọng mẹ chị lại hơi khàn nên khi gọi điện, hầu hết mọi người đều nghĩ là đàn ông.
"Tôi hồi đi học hay nói chuyện, điểm kém nên cô giáo gọi điện về nhà báo phụ huynh. Mẹ tôi nhấc máy, cô cứ một câu 'anh', hai câu 'anh', 'mời anh đến trường'... khiến tôi ở ngoài cứ bụm miệng cười mãi", chị Lan kể lại.
Những người đàn ông có cái tên đọc qua nghe giống phụ nữ cũng gặp kha khá rắc rối, nhưng thường bị trêu chọc nhiều hơn. Anh Thanh Tú (Đống Đa, Hà Nội) từng nằng nặc xin bố mẹ đổi tên khi bạn bè ở lớp thường xuyên gọi là "chị Tú".
"Hồi mới vào lớp 10, cô giáo nói từng người đứng lên giới thiệu tên. Khi tôi vừa nói đến tên mình thì cả lớp cười rũ rượi. Hồi đó, mặt tôi đầy mụn, cân nặng lại lên tới 80 kg, tóc tai rẽ ngôi giữa theo kiểu Đan Trường, nói chung đối nghịch hoàn toàn với cái tên mang đầy vẻ nhẹ nhàng, tinh tế. Hình ảnh đầu tiên đó đã đi vào 'huyền thoại' trong suốt thời học sinh", anh Tú chia sẻ.
Anh Ngọc Anh (Hòa Bình) cũng bao lần rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì bị nhầm giới tính. Đỗ Đại học Xây dựng, ngày dán danh sách lớp, cả lớp cứ nghĩ Ngọc Anh sẽ là cô gái duy nhất trong lớp, nhưng đến khi anh xuất hiện, tất cả đều thở dài ngao ngán vì cuối cùng vẫn 100% là con trai.
"Ngày diễn văn nghệ, cả lớp cứ bắt tôi phải giả gái, với lý do không thể chối cãi là 'ai bảo mày tên giống con gái'. Cơ mà cũng chính vì cái tên nữ tính này, tôi đã làm quen và cưới được vợ vì lúc đầu cô ấy tưởng tôi là nữ (hình đại diện tôi để là phong cảnh nên không biết là nam hay nữ)", anh Ngọc Anh kể lại.
Mộc Miên