Nhiều đàn ông Hàn Quốc không bao giờ quan tâm đến việc bếp núc, họ coi đó là việc của đàn bà, nuôi dạy con cái cũng là việc của đàn bà. Một người vợ Hàn Quốc một ngày phải làm đủ mọi thứ: chăm sóc gia đình nhà chồng, chăm sóc con và gia đình, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, rồi các công việc bên ngoài như đi ngân hàng nộp tiền thuế, đi họp phụ huynh cho con, đi thuê nhà mới...
Nhiều đàn ông Hàn khi lấy vợ về thường không muốn cho vợ đi làm, mặc dù vợ muốn đi làm. Thế hệ tuổi 20-30 gần đây có thể khác, nhưng thế hệ đàn ông trên 40 tuổi thì quan niệm đàn bà tề gia nội trợ đã ăn sâu trong máu nên không chia sẻ việc nhà cùng với vợ. Một số bà mẹ chồng nếu thấy con trai lo lắng giúp việc nhà cho con dâu thì chắc chắn con dâu ấy sẽ bị mắng mỏ. Chính vì vậy mà cô D. ở quê nhà được tiếng làm việc giỏi, nói tiếng Hàn hay thì sang Hàn Quốc chỉ là một bà nội trợ.
Gặp tôi lúc nào cô cũng than thở: "Không bao giờ tôi tin được rằng một ngày đẹp trời trên xứ sở kim chi tôi lại phải nấu cơm ngày ba bữa, rửa chén đến năm lần". Cô nói: "Đổi đời ở Hàn Quốc là một giấc mơ không có thật".
Cô muốn đưa ra lời khuyên cho cô gái nào ngấp nghé lấy chồng Hàn Quốc: "Nếu các cô có đủ can đảm nấu cơm ngày ba bữa, rửa chén ba lần và lau nhà cho sạch bóng mà không mệt mỏi hay chán đời thì cứ lấy. Nếu không đủ can đảm thì nên rút đơn đăng ký kết hôn".
Các cô dâu Việt và bố mẹ chồng Hàn ngày càng phải nhờ đến dịch vụ phiên dịch nhiều hơn. Bình thường, họ nói chuyện với nhau bằng từ điển, nhưng không phải lúc nào cũng mang từ điển ra để nói chuyện được, nhất là những lúc giận dữ.
Cô A. năm nay 28 tuổi, quê ở Cần Thơ, mới sang Hàn Quốc được một tháng. Nhà chồng cô ở quận Yongdongpo (Seoul). A. làm việc trong xưởng may của mẹ chồng. Cả nhà trông vào cái xưởng may khẩu trang ấy để kiếm sống. Mỗi cuối tháng mẹ chồng trả cho cô 200 USD, trong khi công nhân khác được 600 USD. Cô thắc mắc hỏi mẹ chồng, bà bối rối vì cô không biết tiếng Hàn, bà không nói được tiếng Việt.
Bà tâm sự: "Tôi có hai con trai, thằng lớn là chồng em nó đây, bị tai nạn từ năm 10 tuổi, phẫu thuật não đến bốn lần, như người chết đi sống lại. Em trai nó giờ đang du học tận bên Mỹ, có con gái lớn đã lấy chồng. Tôi lấy vợ cho thằng con lớn này chỉ mong có cháu nội để bế bồng, mong con dâu chịu khó học tập cho quen với phong tục Hàn Quốc, chịu khó học nấu món ăn Hàn Quốc, chăm sóc chồng. Con tôi tật nguyền như vậy nên cũng không thể đòi hỏi gì ở con dâu cả, chỉ mong nó cố gắng sinh lấy một đứa con. Nhưng không thấy".
A. thì kể: "Em nói thật nhé. Trước khi lấy chồng em cũng biết chồng em bị tai nạn rồi. Cứ tưởng chồng em mới bị tai nạn đây thôi, ai ngờ đã 20 năm nay. Đấy, chị thấy đấy". Cô chỉ tay ra phía chồng: "Chồng em có biết gì đâu. Em buồn lắm".
Rồi cô sụt sịt: "Nhà em ở quê là nhà lá, dột hết rồi, em muốn đi làm gom tiền gửi về cho mẹ để cất căn nhà ở cho đỡ khổ. Em không muốn ngửa tay xin mẹ chồng, tự tay em sẽ kiếm tiền. Em cũng làm bằng người ta sao lại trả cho em ít hơn vậy?".
Mẹ chồng A. nói: "Nếu muốn xây nhà thì tôi sẽ xây cho, chứ em nó kiếm như vậy đến khi nào mới có tiền gửi về cho mẹ xây nhà. Xây cái nhà cũng phải mất những 5.000-7.000 USD phải không? Tôi có thể làm ngay được, nhưng đưa tiền rồi em bỏ đi thì sao?" .
"Tôi chỉ muốn em chịu khó sinh con cái, rồi em muốn thế nào tôi cũng chiều như vậy. Thật ra con dâu làm ở nhà chồng không được lĩnh lương đâu, bởi việc của nhà mình mà. Nhưng em muốn lĩnh lương thì tôi trả với khả năng của em, chứ không có tiếc gì đâu".
Sau khi được hòa giải, A. hứa: "Chị nói với mẹ chồng em là cứ từ từ rồi em sẽ hòa nhập được thôi".
Thế rồi mấy tuần sau, bà mẹ chồng gọi điện đến phiên dịch viên để hỏi rằng A. có liên lạc gì không. Bà nói A. đi học tiếng Hàn rồi đi mất. Bà nói đã gửi tiền về VN cho A. rồi, sao A. còn bỏ đi! Vài ngày sau, chị chồng cô lên diễn đàn dành cho những người đàn ông lấy vợ VN viết rằng đã cho cô 4.000 USD gửi về VN, vậy mà cô còn nỡ lòng bỏ đi. Nhưng biết giải thích làm sao khi cuộc hôn nhân này chỉ dựa trên ảo tưởng.
Cô tên N., 20 tuổi, mới sang Hàn Quốc được khoảng sáu tháng với hai cô bạn khác cùng quê Định Quán, Đồng Nai. Họ cùng cưới chồng một ngày, trong cùng một đám cưới và sang Hàn Quốc cùng đợt với nhau.
Chồng cô hơn 40 tuổi, ốm yếu và gầy guộc trông như một ông già 60 tuổi, không hiểu nghe lời ai mà chi ra hơn 10.000 USD sang VN để cưới N. chỉ đáng tuổi con gái, rồi đi làm tối ngày để N. ở nhà một mình ở Namchondong - Namgu (Inchoen). Buồn, N. hẹn hò với mấy người đàn ông lao động người Việt. Ngày đầu gặp cô, tôi hỏi: "Chồng em đi làm mấy giờ về? Em có phải nấu cơm đợi chồng không?". Cô nói: "Ông ấy đi làm 10 giờ khuya mới về. Nhưng ông ta càng về muộn càng tốt".
Một thời gian sau, nghe mọi người trong khu nhà nói cô thường đi ra ngoài mấy ngày sau mới về. Mấy người già đi phơi nắng buổi sáng còn nói: "Cô ta có bạn trai đấy. Chúng tôi hỏi chồng cô có nói gì không, cô ta bảo là chồng nghèo, lại bất lực".
Được hỏi khi nào định sinh em bé, cô thản nhiên đáp có thai đã hai tháng, nhưng không phải con của chồng cô và chồng cô đã đồng ý nuôi con. Mấy tháng sau nghe tin cô phá thai, lý do là gia đình chồng không chấp nhận. Giờ thì N. vẫn sống bên ông chồng và chưa biết tương lai sẽ ra sao.
(Theo Tuổi Trẻ)