Hằng 24 tuổi, quê ở Thốt Nốt Cần Thơ, lấy chồng Hàn Quốc được hơn một năm. Giữa năm 2006, cô tìm tới Trung tâm hỗ trợ kết hôn - Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM (Trung tâm) xin tư vấn và nhờ mai mối lấy chồng. Sau khi được một người đàn ông họ Chang, sống tại tỉnh Chung Cheong nam -do, Hàn Quốc ưng chọn, Hằng kết hôn cùng chồng xuất cảnh về làm dâu xứ người.
Trong thư gửi về Trung tâm, Hằng cho biết chồng cô làm công nhân tại một xí nghiệp sản xuất da giày. Hằng không đi làm, vì chồng muốn cô chỉ ở nhà lo quán xuyến nhà cửa, chăm sóc mẹ chồng hơn 80 tuổi. Mỗi ngày cô phải thức dậy từ 5 giờ để nấu cơm cho chồng mang đến công ty ăn cả ngày, rồi phục vụ bữa sáng cho mẹ chồng.
Một cô dâu Việt may mắn tìm được hạnh phúc trên đất Hàn. Ảnh: S.T. |
Hằng nói, đã cố gắng hết cách nhưng vẫn chưa được mẹ chồng yêu quý. Cô cho biết đi đâu cũng mua quà dành mẹ chồng, thậm chí phần quà chồng tặng, cô cũng nhường tặng mẹ, nhưng bà vẫn không thân thiện. Đến bữa, bà không ăn đồ Hằng nấu và chuẩn bị sẵn, mà lấy nước lạnh chan với cơm, để tỏ thái độ ghét bỏ.
"Hồi đầu, anh Chang không hiểu, bênh vực mẹ chồng, nên tụi con cự cãi tối ngày. Thời gian đó, con buồn lắm, đêm nào cũng dầm mưa và khóc hàng tiếng đồng hồ, nhưng bề ngoài vẫn cố gắng tỏ vẻ hạnh phúc. Bây giờ có thai rồi, chồng cũng thương yêu nên con bớt tủi thân", Hằng viết.
Còn thư của Liên, quê Giồng Riềng - Kiên Giang, lấy người chồng họ Park, sống tại tỉnh Gangwondo, cho biết, gia đình chồng cô làm nông nghiệp. Mỗi ngày cô phải ra ngoài ruộng làm việc tới 6 giờ tối mới xong việc. Liên kể, do cô chăm chỉ, biết tiếng Hàn, nấu được đồ ăn Hàn, làm kim chi giỏi, nên được mẹ chồng rất yêu thương.
"Thời tiết ở đây rất lạnh, mấy hôm nay con phải mang ớt ra ruộng trồng, tháng sau là lại đến kỳ gieo mạ rồi. Ở đây cũng làm ruộng như Việt Nam mình. Nhưng ruộng nhỏ hơn, lại có máy móc hỗ trợ nên cũng đỡ cực", cô dâu này viết.
Cô Miến, quê Hậu Giang, cũng lấy chồng Hàn Quốc qua mai mối của Trung tâm Hỗ trợ kết hôn TP HCM, viết thư về khoe được gia đình chồng yêu quý. Các anh chồng mua sách về dạy cô tiếng và phong tục tập quán của nước Hàn. Còn mẹ chồng mua chỉ và vải về cho cô thêu gối mỗi ngày.
Miến hiện sống cùng gia đình chồng tại tỉnh Jeolabuk - do, Hàn Quốc. Tâm sự với những người đã giúp cô xây dựng hạnh phúc, cô viết: "Cho con gửi lới khuyên tới những cô dâu Việt Nam sắp sang Hàn Quốc, cố gắng học tiếng Hàn cho giỏi, và biết nấu đồ ăn Hàn mới mong được gia đình chồng thương yêu".
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kết hôn TP HCM Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Trung ương Hội LHPN VN, Bộ Tư pháp nên sớm ban hành quy chế hoạt động, tạo hành lang pháp lý để các Trung tâm hỗ trợ kết hôn được quảng bá hoạt động để các cô gái biết tìm đến đúng chỗ.
"Chúng ta không cổ súy chuyện lấy chồng ngoại, nhưng phải thừa nhận đó là nhu cầu có thật. Các trung tâm cần được trao thêm chức năng môi giới, để có điều kiện giúp các hợp pháp, tránh rủi ro cho các em", bà Tuyết nêu.
Hằng, Liên, Miến là những cô gái đã may mắn tìm được những người chồng như ý, và có cuộc sống tương đối hạnh phúc trên đất Hàn, nhờ hiểu biết phong tục tập quán, ngôn ngữ và ẩm thực của xứ sở này, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kết hôn TP HCM, Lê Thanh Xuân cho biết.Theo bà Xuân, cả nước hiện có 9 trung tâm hỗ trợ kết hôn - thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ VN. Tuy nhiên, trung tâm của các tỉnh, thành, hoạt động kém hiệu quả, vì không có đối tác bên Hàn Quốc và thiếu cơ sở vật chất cần thiết như phiên dịch tiếng Hàn, Internet, webcam... Hơn nữa, hầu hết các cô đều không biết đến sự tồn tại của những nơi này. Trong khi đó, các cò môi giới lần về tận nhà để lôi kéo vào những đường dây bất hợp pháp.
Năm 2007, trung tâm giới thiệu chỉ vài chục cô dâu, trong khi Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM cấp tới 4.000 visa kết hôn cho các cô gái. "Lấy chồng qua những đường dây môi giới kết hôn chui, đôi khi phải trả giá cho sự rủi ro bằng sinh mạng của mình", bà Xuân bày tỏ.
Các cô gái Việt được trung tâm giới thiệu tập làm kim chi trong thời gian chờ chồng bảo lãnh. Ảnh: S.T |
Cũng theo Phó giám đốc trung tâm, các cô dâu Việt thường xuất thân trong các gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn dưới mức trung bình, nên coi chuyện lấy chồng Hàn Quốc như một cơ hội đổi đời. Còn đàn ông Hàn tìm vợ là những người cứng tuổi, học vấn thấp, khuyết tật ngoại hình, đã từng đổ vỡ hôn nhân, hoặc góa vợ. Họ làm đủ nghề, công nhân, nông dân, phần lớn là nghèo, không đủ tiền cưới, nên mới phải qua đây chọn vợ để có người đẻ con, quán xuyến gia đình, chăm lo đồng áng.
"Có nhiều lý do khiến các cô gái thích lấy chồng Hàn Quốc, nhưng mục đích phổ biến nhất là nhằm xóa đói giảm nghèo", bà Xuân nhìn nhận.
Ghi nhận của VnExpress, hầu hết cô dâu Việt sống chủ yếu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hoặc một vài địa phương khác như Tây Ninh, Bình Phước, Vũng Tàu, Đắc Lắc. Còn tại TP HCM mỗi năm cũng có 3-4 cô gái ở huyện ngoại thành, đã từng đi xuất khẩu lao động, muốn quay lại Hàn Quốc, nên chọn con đường kết hôn. Đa phần các cô gái biết và tìm đến Trung tâm theo chỉ dẫn của các cô dâu đi trước, hoặc qua sự giới thiệu của Hội phụ nữ trên địa bàn.
Trung tâm Hỗ trợ kết hôn TP HCM chỉ nhận môi giới cho những cô gái đã được tư vấn kỹ, từ 20 tuổi trở lên. Theo quy trình, sau khi được tư vấn nhưng vẫn muốn lấy chồng Hàn, các cô phải đăng ký kết bạn và nộp 20.000 đồng lệ phí. Cán bộ tư vấn của Trung tâm sẽ giúp họ xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân. Sau khi trung tâm và đối tác Hàn Quốc trao đổi sẽ bố trí các đối tác tìm hiểu nhau qua mạng trước vài tháng. Sau thời gian kết bạn qua mạng, nếu chọn được ý trung nhân, trung tâm sẽ bố trí cho họ gặp mặt trực tiếp tại Việt Nam. Đồng ý thì đám cưới sẽ được tổ chức. Trong thời gian chờ các chú rể về nước làm thủ tục bảo lãnh sau kết hôn, các cô dâu sẽ học ngoại ngữ, nấu ăn, phong tục, tập quán của xứ chồng. Chi phí do gia đình chú rể chi trả. Trong số hơn 200 đôi được trung tâm giới thiệu, chỉ có 4 cặp ly hôn vì nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình chung sống. |
Lan Hương
*Tên nhân vật đã được thay đổi.