Một năm qua, chị Mai Thị Thành đã đi và về hơn 20 chuyến xe trong đêm giữa huyện Bắc Bình, Bình Thuận và Sài Gòn để điều trị ung thư tủy cho con trai như thế. Dù đã quen với những chuyến xe, đường sá vào bệnh viện, hành trình của chị luôn có sự đồng hành của ba chồng đã ngoài 60 tuổi. Chồng chị Thành là anh Đặng Hồng Sĩ, 47 tuổi còn phải đi làm mướn, kiếm tiền chữa bệnh cho con nên không thể đi theo.
"Tôi bị say xe, vừa ngồi lên xe là mệt lả, chặng đường gần 300 km vào Sài Gòn ói không biết bao nhiêu lần. Tôi chậm chạp, không biết chữ, sợ vào viện có gì khẩn cấp không xoay xở kịp để lo cho con được", bà mẹ người Chăm, 43 tuổi nói.
Hơn một năm trước, cậu con út Hoàng Phương lúc bấy giờ đang học lớp 2. Một ngày, chân em bỗng dưng xuất hiện những vết bầm tím, vài ngày thì biến mất. Sau đó, em than đau ở hậu môn, đến nỗi không thể tự bước đi. Chị Thành đưa con lên bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ cho thuốc uống nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng, họ khuyên chị nên đưa con vào Sài Gòn khám bệnh.
Nghĩ đến sức khỏe của con, người mẹ gật đầu ngay. Nhưng vài giây sau, chị mới sực nhớ ra trong túi chỉ còn non một triệu đồng. Về nhà, chị chạy khắp xóm mượn được hai triệu nữa. Nhưng vợ chồng chị quanh năm đi làm mướn, chưa một lần vào Sài Gòn nên rất lo lắng. Gia đình bàn và cử mẹ chồng đi cùng vì bà từng chăm một người cháu ở bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngay trong đêm, ba mẹ con bà cháu bắt xe vào thành phố. Số tiền ba triệu đồng được chia làm hai, chị giữ một nửa, mẹ chồng giữ một nửa, đề phòng nhỡ bị rạch túi cũng không mất hết. Sau hơn 5 tiếng chống chọi với cơn say xe, người mẹ Chăm đặt chân xuống Sài Gòn với trận ói trút sạch hết những gì có trong bao tử.
Chuyến đi tưởng chừng chỉ chữa bệnh ở hậu môn cho con, chị Thành bất ngờ nhận thêm hung tin. Bác sĩ bảo Phương thiếu máu nhiều, phải truyền máu ngay lập tức. Bấy giờ chị mới vỡ lẽ lý do bấy lâu nước da của con luôn trắng bệch.
"Kim truyền máu luồn qua da, con khóc vì đau mà tôi không biết phải làm gì. Các mẹ trong phòng khuyên tôi phải ngồi bên cạnh, xoa và vuốt ve tay con", người mẹ khóc, kể lại. Nhưng tin dữ vẫn chưa dừng lại ở đó. Bác sĩ nghi ngờ Hoàng Phương mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, một dạng ung thư của các tế bào máu và tủy xương, cần phải điều trị ngay.
Vì phải chuyển mẫu sang Bệnh viện Truyền máu - Huyết học để làm xét nghiệm, bác sĩ gọi chị Thành vào phòng giải thích tình trạng bệnh của con và thông báo thêm về khoản chi phí cần chuẩn bị, khoảng 12 triệu đồng.
"Tôi có 5 đứa con, tuy hai đứa lớn đã nghỉ học đi làm nhưng trước giờ cũng phụ cha mẹ nuôi em nên không có dư. Vợ chồng tôi làm mướn, ngày được ngày không. Giờ chỉ con nước bán hai chiếc xe máy cũ trong nhà mới có tiền, nhưng e không đủ", chị Thành kể.
Mẹ chồng chị Thành liều gọi điện hỏi mượn một người bà con đang làm thuê ở Sài Gòn. Nửa ngày sau, họ mang đến cho mượn 15 triệu đồng. Cầm tiền trên tay, bà mẹ nghĩ không biết bao giờ mới trả đủ.
Nhập viện 5 ngày, Phương được truyền hóa chất. Cũng từ hôm đó, tóc em bắt đầu rụng từng mảng, miệng lở loét không ăn được cơm, một mực đòi mẹ đưa về nhà. Con không ăn, mẹ cũng chẳng nuốt nổi, đêm nào chị cũng ôm con khóc rồi thủ thỉ: "Bác sĩ nói con bị bệnh, phải ở lại chữa hết mới về được". Vậy là cậu bé xuôi tai, ngủ thiếp trên tay mẹ.
Sau toa thuốc đầu tiên kéo dài suốt một tháng, Phương được cho về nhà. Nhưng chỉ được hai hôm, chị Thành phải thuê xe cấp cứu đưa con vào Sài Gòn trong đêm vì em lên cơn sốt. Ngoài tiền xe ba triệu đồng, chi phí sinh hoạt ở bệnh viện suốt một tháng vào hóa chất mất thêm khoảng 4 -5 triệu.
"Miễn là bác sĩ còn nhận chữa trị, không trả con về như nhiều đứa trẻ khác mà tui đã thấy trong khoa là tui biết con mình con may mắn, còn cơ hội", bà mẹ chia sẻ.
Các bác sĩ ở khoa Huyết học bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay Phương đã xong phác đồ. Cứ 28 ngày, em lại được mẹ đưa vào viện tái khám, làm một số xét nghiệm để theo dõi.
Nửa năm nay, khi sức khỏe con ổn hơn, chị Thành thường cùng con vào Sài Gòn bằng xe khách. Người mẹ chọn đi chuyến xe cuối cùng trong ngày vào buổi tối để tiết kiệm thời gian. Sau khoảng 5 tiếng trên xe, mẹ con chị sẽ có mặt ở bệnh viện vào khoảng 3-4 giờ sáng, rồi chờ tới giờ để được vào khám sớm nhất. Sau khi bác sĩ trả kết quả cho Phương, chị vội đặt vé để về lại vào đầu giờ chiều.
Chi phí mỗi đợt di chuyển tái khám mất gần 2 triệu đồng, chị Thành được hai đứa con lớn phụ giúp từ tiền làm thuê. Các em cũng giúp mẹ trả bớt khoản nợ 15 triệu đồng đã vay ngày Phương nhập viện.
Chị Thành cho biết, chị chỉ đóng viện phí 12 triệu hôm đầu nhập viện, sau này được chương trình Mặt trời Hy vọng hỗ trợ chi phí điều trị nên gia đình không phải đóng thêm khoản nào. "Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, tôi nghĩ chắc mình không có khả năng cứu con", chị xúc động nói lời cám ơn.
Gần 9 giờ sáng, trong khi ông nội Phương đi bộ ra cổng mua đồ ăn sáng, mẹ con chị Thành ngồi trước phòng khám chờ bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của con. Người mẹ không rành tiếng Kinh, lóng ngóng hồi hộp chờ nghe loa kêu tên. Còn bé Phương thì mở điện thoại lục xem những tấm hình với cái đầu trọc của mình hơn một năm trước.
"Giờ con mọc tóc lại rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ ngày đầu nhập viện", cậu bé nói. Con vừa dứt lời, chị Thành tiếp lời ngay: "Thằng bé kêu tui chụp hình, nói để giữ làm kỷ niệm", rồi bật khóc, mắt nhìn xa xăm vì chợt nghĩ đến chuyện "con sẽ bỏ mình".
Chỉ khi được bác sĩ gọi tên, thông báo tình hình sức khỏe của con trai ổn định, không có những dấu hiệu bất thường, mắt chị Thành mới sáng lên, nở nụ cười đầu tiên sau cả đêm thức trắng.
Hà Vy
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.