Trinh rời TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, nơi cô làm công nhân ba năm qua chỉ chưa đầy nửa ngày sau khi đọc tin nhắn rủ về quê trên nhóm đồng hương. Cô và 9 người cùng quê Thanh Hóa, cả nam lẫn nữ, đi trên 5 xe máy, lèn chặt valy phía sau, treo đầy bánh mì, nước uống phía trước, rời khỏi Bình Dương lúc 18h ngày 25/7. Chuyến đi không ai biết, ngoài bà chủ trọ nhận được tin báo "Cháu về quê đây, bao giờ hết dịch cháu lại vào".
Sáu tiếng trước, Trinh vẫn còn nằm trong phòng trọ, lướt mạng xã hội, nghe ngóng xe cộ về quê. Xóm trọ cửa tôn đóng kín khi công nhân lũ lượt trả phòng, hoặc đang tự cách ly. Cô sốt ruột, muốn về nhưng tàu xe đều ngừng hoạt động.
Trinh đã quanh quẩn trong phòng trọ suốt 20 ngày, từ khi công ty có ca nhiễm và tạm ngừng hoạt động. TP Thuận An đã có khoảng 200 ca nhiễm là công nhân, toàn tỉnh Bình Dương gần 8.000 ca và đang áp dụng Chỉ thị 16. Trinh chỉ dám ra ngoài khi đi mua đồ ăn, ba ngày một lần, hoặc có khi ăn mì tôm qua bữa.
"Ai từ Bình Dương muốn về Thanh Hóa không, rủ nhau đi chung xe máy cho an toàn", ngón tay cô dừng lại trước một bài đăng. Chỉ sau vài bình luận, Trinh quyết định phải về.
Quê Trinh là vùng bán sơn địa của Thanh Hóa, người dân trồng lúa hai vụ mỗi năm và không có nhà máy. Ba năm trước, cô gửi con trai cho bố mẹ nuôi, rồi vào Bình Dương xin làm công nhân may. Lương công nhân tăng ca mỗi tháng 8 triệu đồng, cô gửi về nhà một nửa cho con đi học, còn lại thuê phòng trọ và chi tiêu.
Biết tin tỉnh nhà sẽ đón người từ miền Nam về, nhưng chỉ người ở TP HCM và ưu tiên 5 nhóm khó khăn, người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ... "Tôi ở Bình Dương, lại không thuộc nhóm được đón về, chờ đợi không biết bao giờ đến lượt", Trinh nói về quyết định của mình và cam kết "sẽ khai báo y tế, xin cách ly tập trung chứ nhỡ lây lan dịch bệnh thì không sống nổi với xóm làng".
Cô tới Bệnh viện Đa khoa TP Thuận An, chi 400.000 đồng xin test nhanh để lấy giấy thông hành qua các chốt kiểm soát. Lục ví đếm đi đếm lại còn 1,1 triệu cho quãng đường 1.500 km về nhà, Trinh gói ghém bốn bộ quần áo, mua thêm ít bánh mì, nước lọc và gọi điện cho chủ nhà báo tin rồi đi.
"Như một cuộc trốn chạy vậy đó", Trinh nói. Bình Dương là nơi kiếm tiền. Công việc là thứ duy nhất níu cô ở lại đã không còn. Ở quê còn cội, còn nhà, còn con cái, nên cô về.
10 người men theo quốc lộ 1A trở về quê. Qua các chốt kiểm soát, họ phải trình giấy xét nghiệm âm tính, khai báo y tế và cam kết không dừng đỗ dọc đường thuộc địa phương có chốt. Họ thay nhau cầm lái, sáng dậy thật sớm và chỉ dừng lúc nửa đêm. Giờ ăn hoặc tạm nghỉ, họ ngồi ven đường gặm bánh mì, uống nước lọc. Tối, đoàn người ngả tấm nylon ven đường, nằm bờ bụi, hoặc cứ thể ngả lưng mà ngủ vì kiệt sức.
"Mình ở vùng dịch về nên đâu dám thuê nhà nghỉ hay phòng trọ dọc đường", Trinh kể. Đêm đầu tiên, cô tủi thân trào nước mắt. Hơn 30 tuổi, trải qua nhiều biến cố, mất người thân, kiệt quệ vì công việc, cũng chưa bao giờ cô phải "nằm bờ bụi" thế này. Nhưng rồi biết con trai, bố mẹ đang chờ, cộng thêm thần kinh căng thẳng không để cho Trinh nghĩ lâu. Sáng sớm, họ lục tục kéo nhau dậy, rửa mặt sơ qua bằng chai nước, lót dạ cái bánh mì, rồi lại lên đường.
Trên quốc lộ 1A, những đoàn xe mang biển số 35, 36, 37, 38, 73, 74, 75, lác đác 24, 21 nối đuôi nhau chạy về hướng bắc. Trinh không biết họ ở tỉnh nào, chỉ chắc "họ cũng về quê như mình". Đoàn người khăn mũ kín mít, không ai hỏi han, không bắt chuyện, chỉ cố gắng bám nhau.
Trưa 27/7, đoàn của Trinh dừng chân tại trạm chốt Lăng Cô, Thừa Thiên Huế. Hàng trăm xe máy tập trung dưới chân đèo Hải Vân. Nhiều gia đình có con nhỏ trải bạt nằm ngủ ngay trên nền bê tông, hoặc ngồi trong lều lán quây tạm. Cảnh sát giao thông tiếp sức bằng nước lọc, bánh mì, sữa hộp. Họ được dặn chờ thêm những người khác để cảnh sát giao thông dẫn đường cho di chuyển tiếp.
Rời Bình Dương cùng ngày với Trinh còn có vợ chồng Bình, quê Nghệ An. Họ ngừng việc phục vụ nhà hàng khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 16. Trên thực tế, công việc đã bị ngưng trệ từ khi Thuận An giãn cách hôm 9/7. Bó gối trong phòng trọ, cả hai quyết định về, vì không biết ngày nào mới hết cách ly xã hội.
Nhóm của Bình có sáu người về quê với một hành trình dài tương tự. Cách đây một tuần, Nghệ An đã lên kế hoạch đón công dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam trở về song chưa triển khai. Đã có hơn 10.000 người dân đăng ký qua website.
Chiều 27/7, vợ chồng Bình về đến TP Vinh. "Cảm giác như mình đã sống", cậu giảm tốc độ xe máy cho đến khi gặp chốt kiểm soát ở Bến Thủy. Cả đoàn đo thân nhiệt, khai báo y tế, để lại thông tin cá nhân, điểm đi, điểm đến.
Trước khi về quê, họ đã gọi điện báo cho gia đình và chính quyền địa phương. Cả hai cách ly tại nhà riêng 14 ngày và sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Bình yên tâm khi hai con đã gửi ông bà nội trước khi vào Nam. Có nhà riêng, nếu không vợ chồng cũng phải xin đi cách ly tập trung, không dám ở chung với người thân.
Bữa cơm đầu tiên sau khi về quê của vợ chồng Bình gồm rau cà, thịt luộc, được người thân nấu giúp rồi mang đến đặt trước cổng nhà. Chờ người ta đi, Bình mới dám mở cổng ra nhận rồi lại khóa kín cửa. Giấc ngủ trở đến lúc 21h, sau hai ngày chạy xe máy 1.200 km và gần hai tháng sống thấp thỏm giữa đại dịch.
Khi vợ chồng Bình đã ngon giấc ở nhà, đoàn xe của Trinh vẫn rong ruổi trên quốc lộ. Thêm một đêm nữa, đoàn người tiếp tục vạ vật ở đâu đó ven đường, cho đến khi về tới quê nhà chiều nay.
Hồng Chiêu
*Tên nhân vật đã được thay đổi.