Hội ngộ đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đại tá Bùi Doãn Độ kể lại trận đánh trên không đêm 29/12/1972. Năm ấy ông 22 tuổi, trẻ nhất Phi đội bay đánh đêm của Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Sao Đỏ).
23h, chiếc MiG-21 xuất kích từ đường ngang sân bay Kép (Bắc Giang), được radar dẫn đường tìm B-52 đánh chặn. Nhưng đêm thứ ba đi săn B-52 vẫn trắng tay, phi công Độ đành quay về. Ông tiếc nuối đêm trước gặp B-52 đã đủ cự ly bắn hạ, nhưng chưa đủ độ cao khiến MiG-21 bị "treo". Đối phương tắt đèn, ông bật radar nhưng nhiễu dày đặc, không thấy tín hiệu nên đành quay đầu.

Phi đội bay trước trận đánh sử dụng máy bay MIG-21 số hiệu 5121 bắn rơi B-52 đêm 27/12/1972. Ảnh tư liệu Bảo tàng Phòng không Không quân
Trên đường về, phi công Độ nhận thông báo của chỉ huy Trần Hanh: "Chú ý không kích. Có địch bay chéo đường, cự ly 8 km". Ở độ cao lớn hơn, bằng mắt thường ông Độ đã nhận ra đối phương qua đèn tín hiệu chớp tắt trên lưng máy bay. Ông bật tăng lực đuổi theo, ép sát, mục tiêu biến mất.
Tới khi ông tắt tăng lực, giảm độ nghiêng thì thấy chiếc F-4 cách một km trong tầm bắn, liền bấm nút phóng hai quả tên lửa rồi xin thoát ly về bên phải. Sở chỉ huy mệnh lệnh "thoát ly bên trái". Lật cánh chiếc MiG-21 theo hướng chỉ thị, ông nhìn thấy chiếc F-4 gần như bay song song, giây sau đã cắm đầu nghiêng 40 độ xuống đất, lửa bao trùm.
Chiếc F-4 rơi xuống đất Phú Thọ cũng là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc trong chiến dịch Linebacker II kéo dài 12 ngày đêm (18-29/12/1972). Sáng hôm sau, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố ngừng ném bom, chấm dứt không kích.
Trong chiến dịch này, tiêm kích không quân đã xuất kích 24 lần, bắn rơi 7 máy bay (2 chiếc B-52, 4 chiếc F-4 và một chiếc RA-5C, chiếm 8,6% tổng số máy bay bị bắn rơi). Một chiếc B-52 do phi công Phạm Tuân bắn đêm 27/12 và chiếc còn lại do liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều.
Phi đội bay đêm thành lập tháng 7/1968 thuộc biên chế Đoàn Sao Đỏ. 16 thành viên ban đầu đều là những phi công xuất sắc từng được đào tạo ở Liên Xô. Đội bay đánh đêm ra đời lúc miền Bắc sắp kết thúc chống chiến tranh phá hoại lần đầu, trước yêu cầu tăng sức chiến đấu cho không quân khi các loại máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc và các tuyến đường huyết mạch chi viện miền Nam.
Từ năm 1970, các phi công bay đêm sau hai năm huấn luyện đã nhận lệnh vào Khu IV, nơi B-52 thường xuyên đánh phá. Những lần xuất kích nhằm bảo vệ tuyến huyết mạch 559, đường 9 Nam Lào và tìm cách đánh chặn B-52, chuẩn bị cho ngày "sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng mang B-52 ra đánh Hà Nội" như lời dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến khi Mỹ đánh phá miền Bắc lần hai, phi đội tách một nửa ở lại Đoàn Sao Đỏ, nửa còn lại chuyển sang Trung đoàn Không quân 927 (cùng Sư đoàn Không quân 371) đóng tại sân bay Kép. Kế hoạch chống tập kích đường không do Bộ Tổng tham mưu phê duyệt ngày 24/11/1972 chỉ định "không quân sử dụng lực lượng nhỏ, bí mật, bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn và chặn đánh máy bay B-52 ngoài vùng hỏa lực của tên lửa và pháo phòng không".

Ông Bùi Doãn Độ chia sẻ tại đêm hội ngộ nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", tháng 12/2022. Ảnh: Giang Huy
Mỹ bắt đầu chiến dịch đêm 18/12/1972 bằng loạt bom B-52 oanh tạc lần lượt các sân bay Nội Bài, Gia Lâm (Hà Nội), Kép, Yên Bái, những nơi tiêm kích của miền Bắc có thể xuất kích. "Mỹ tưởng phá nát hết sân bay rồi thì MiG-21 sẽ nằm im chịu trận. Nhưng không hề", đại tá phi công Hoàng Biểu, nguyên Phi đội trưởng bay đêm, khẳng định và thêm rằng những trận đánh phá của Mỹ thường diễn ra ban đêm, về sáng nhằm hạn chế sự tham chiến của không quân.
Sân bay chính bị đánh hỏng, các phi công cơ động ra sân bay dã chiến vòng ngoài như Miếu Môn (Hà Tây cũ), Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Đại tá Biểu, người từng chuyên đi săn B-52 ở chiến trường khu IV, cho rằng không thể so sánh với lực lượng không quân Mỹ khi huy động gần một nửa số B-52 và cả nghìn máy bay chiến thuật trong biên chế cho chiến dịch. Không quân miền Bắc góp mặt bốn trung đoàn tiêm kích với gần trăm chiếc MiG-21 đủ điều kiện đánh B-52.
Lực lượng mỏng, nhưng phi đội bay đêm với hơn 10 người, từng chiếc MiG-21 cất cánh đơn lẻ vẫn phục kích phía sau bằng tên lửa rồi biến mất trong mây, uy hiếp máy bay Mỹ. Các phi công bay đêm ngoài bắn hạ 2 chiếc B-52 đã nhiều lần quấy nhiễu đội hình bay chiến thuật của Mỹ để tên lửa tìm diệt B-52.
Để hoàn thành nhiệm vụ, những cựu phi công bay đêm cho rằng đã phải vượt lên rất nhiều khó khăn. "Không chiến trên bầu trời chỉ tính bằng giây, nhưng để cất cánh được khi ấy là nỗ lực cực lớn với tâm thế bất cứ giá nào cũng phải đưa được cánh máy bay lên", ông Độ nói.
Trước ngày tập kích, ông Độ cùng đồng đội đã có hàng trăm lần tập luyện cất, hạ cánh trên những đường băng ngắn, đường băng đất, tập bay lên với tên lửa bổ trợ hoặc thùng dầu phụ, tập chặn đánh B-52 bằng mắt thường với radar hỗ trợ...
Huấn luyện kỹ và thành thục bay đêm, nhưng 12 ngày đêm với ba lần xuất kích, ông Độ đều cất cánh bằng tên lửa bổ trợ hoặc từ đường ngang - đoạn dùng để kéo dắt máy bay từ sân đỗ vào trong hầm khi các sân bay chính đã bị đánh nát, lỗ chỗ hố bom, đất đá bê tông ngập đến cổ giày.

Hai liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều (ảnh trên) và liệt sĩ phi công Hoàng Tam Hùng (ảnh dưới) cùng hy sinh ngày 28/12/1972 trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội. Ảnh tư liệu Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam
"Mỗi chuyến cất cánh lao vào trời đêm đều là cảm tử và mỗi lần hạ cánh cũng không theo một giáo trình thông thường", phi công Nguyễn Công Huy kể lại. Đêm 18/12 trực chiến ở sân bay Gia Lâm, suốt đêm ông phải ngồi bó gối tránh bom B-52 dưới hầm đến mức hai chân tê dại. Sáng ra, nhà trực ban chiến đấu, nhà bếp, các công trình bị đánh sập, bới mãi trong đống đổ nát mới lấy được thùng đựng quần áo kháng áp, mũ bay... để đi trực. Nhịn cơm cả ngày trực chiến, nhưng phi công không thấy đói mà chỉ mong xuất kích.
Hầu hết lần cất cánh trong đêm miền Bắc cuối tháng 12 đều có gió mùa đông bắc, trời mây mù, không đèn chiếu sáng, khó liên lạc với chỉ huy vì máy bay Mỹ thả nhiễu. Phi công bay ngày có thể tổ chức biên đội hai chiếc, bốn chiếc, cơ động để phát hiện mục tiêu bằng mắt thường. Bay đêm phi công như kẻ độc hành, cất cánh cần radar dẫn đường và khi phát hiện đối phương, được lệnh công kích là tự mình xoay trở.
Cất cánh khó một thì hạ cánh khó gấp mười. Đã có chuyến trở về không thể hạ cánh, phi công phải bỏ máy bay và nhảy dù hoặc lao vào hố bom vì đường băng quá ngắn. Ông Huy kể đêm đầu chiến dịch có hai chuyến xuất kích và trở về đều trục trặc. Trong đó có chuyến của phi công Phạm Tuân sau khi quần thảo với dàn F-4 trên vùng trời Hòa Bình quay về sân bay Đa Phúc hạ cánh thì không liên lạc được vì đài chỉ huy bị đánh hỏng. Chiếc MiG-21 đáp đất, lao vào hố bom, lật ngửa. Phi công phải đạp lên mảnh nắp buồng lái đã vỡ mới chui được ra ngoài.
Họ cũng từng trải qua những đêm nặng nề suốt giai đoạn đầu chiến dịch khi chưa tìm diệt được B-52. "Nặng nề vì phải đứng nhìn lửa đạn, hết đợt này đến đợt khác máy bay địch rải xuống Hà Nội", như tâm sự trong lá thư viết dở đêm 21/12/1972 của thượng úy liệt sĩ Vũ Xuân Thiều.
Kết thúc chiến dịch, ông Huy kể ngồi trực chiến ở đầu đường băng sân bay Gia Lâm, lòng trống trải, nhìn lên bầu trời rồi bật khóc như trẻ thơ. Từng gương mặt bạn học, đồng đội phi công đã hy sinh như Trần Hóa, Phạm Thành Nam, Vũ Xuân Thiều... lần lượt lướt qua, rồi nhòa dần. Tuổi đôi mươi, họ đã lăn lộn qua lò lửa chiến tranh để cứng cáp trưởng thành.
Hoàng Phương