Ông Nguyễn Đức Ý, tổ trưởng dân phố 103, C1 khu tập thể Thành Công cho biết, mỗi khi trời mưa, tầng 5 nước dột như ở ngoài sân. Nhiều đoạn ống thoát nước bị vỡ nên nước thải chảy ra, bốc mùi nồng nặc. "Nhà bị lún nên tường và khung cửa bị lệch. Muốn khép được cửa, cứ vài tháng chúng tôi phải thuê thợ về bào một lần".
Những vết nứt tại khu tập thể Thành Công đang đe dọa an toàn của người dân. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo ông Ý, nhà C1 được hoàn thành từ trước năm 1980. Sau vài năm sử dụng nhà bị lún, hiện không ai dám ở phòng 101 vì đã lún gần hết. Ngày 11/1, các hộ dân đã viết đơn yêu cầu các cơ quan lãnh đạo thành phố quan tâm sớm xây dựng lại dãy nhà.
"Khu nhà quá xuống cấp, không thể cải tạo, nhà nào cũng có vài vết nứt lớn. Trong các cuộc họp với chính quyền, tôi đã nói rằng, đừng để khi xảy ra sự cố đáng tiếc chính quyền mới vào cuộc", ông Ý bức xúc.
Tường vỡ nứt, rêu xanh mọc đầy là hình ảnh bên ngoài dãy nhà C4, khu tập thể Kim Liên. Nhiều căn hộ, tường bong tróc, vữa rơi lả tả, nước từ các ống vệ sinh rò rỉ loang lổ. Bà Dung cho biết, dãy nhà C4 được xây dựng từ trước năm 1970. Trước đây, cơ quan quản lý nhà Hà Nội có đến quét vôi nhưng gần đây thì ngừng hẳn.
"Người dân ở đây toàn phải đội nón đứng nấu cơm. Những hôm trời mưa nước tràn vào nhà. Các hộ cãi vã nhau vì nước thải nhà này chảy xuống nhà kia, gây mất đoàn kết", bà Dung nói.
Người dân lo lắng tình trạng xuống cấp khu tập thể Kim Liên. Ảnh: T.A. |
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Tổ trưởng tổ dân phố tập thể C4 Kim Liên cho biết, cả dãy có 96 phòng với hơn 300 dân, người dân đã kiến nghị chính quyền từ nhiều năm nay, mong mỏi cải tạo dãy nhà thành khu chung cư mới nhưng đến nay vẫn không có hồi âm.
Mới 3 giờ chiều, hành lang tập thể C4 Vĩnh Hồ tối đen như mực. Phòng 402 của ông Hà Minh Khoa, chỉ cần chạm mạnh vào tường, các lớp vữa bong hàng mảng, cột bê tông trơ thép, nứt toác.
Ông Khoa cho hay, sau 25 năm sử dụng, khu nhà được liệt vào danh sách trở thành những khu chung cư nguy hiểm. Việc các hộ gia đình đua nhau làm chuồng cọp cũng khiến thiết kế tòa nhà bị phá vỡ. "Có hộ gia đình còn làm hẳn "chuồng cọp" dài 3 mét, khiến nhiều phòng nứt toác và có hiện tượng lún", ông Khoa cho biết
Nhiều hộ dân sống tại đây cho biết, từ năm 2000 đến nay, khu tập thể này mới được xí nghiệp kinh doanh nhà Đống Đa xuống chắp vá, quét vôi một lần.
Hà Nội hiện có khoảng 1 triệu m2 sàn nhà ở thuộc các chung cư cũ, là nơi cư trú của hơn 27.500 hộ dân, 137.000 nhân khẩu. Từ năm 2005, Hội đồng nhân dân Hà Nội đã ra nghị quyết chương trình cải tạo chung cư cũ, song đến nay, chưa có chung cư nào được cải tạo do thiếu quy chế đầu tư cải tạo. Dự thảo quy chế đã được chỉnh sửa nhiều lần, lấy ý kiến người dân song hiện vẫn chưa được ban hành. Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 06 hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà chung cư. Theo đó, nhà nguy hiểm là nhà kết cấu đã bị hư hỏng nghiêm trọng, hoặc có nhiều cấu kiện chịu lực thuộc loại nguy hiểm, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị mất ổn định và mất khả năng chịu lực, không bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. |
Xuân Tùng - Tuấn Anh