Nhóm của TS Võ Gia Lộc đang phát triển dự án Apicoo Robotics - công nghệ về tay kẹp robot thế hệ mới với thiết kế đa năng, linh hoạt, ứng dụng trong các nhà máy vừa và nhỏ nhằm tiết kiệm thời gian điều khiển, vận hành.
Tại buổi tổng kết giai đoạn một của Chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường Lab2Market mùa 2022 chiều ngày 4/11, TS Lộc đã chia sẻ câu chuyện về làn sóng robot thế hệ mới trên thế giới, nơi các nhà máy vừa và nhỏ bắt đầu tìm cách đưa ứng dụng robot vào hoạt động. Tuy nhiên các bàn tay kẹp máy robot đòi hỏi cần phải đa năng, thông minh, trên thị trường hiện chưa có nhiều nhà cung cấp. Đây là lý do anh Lộc kỳ vọng có thể phát triển sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Sau 4 năm nghiên cứu, hiện nhóm đã hoàn toàn làm chủ công nghệ với thiết kế bàn tay, cánh tay robot nhiều tính năng độc đáo, ứng dụng trong các nhà máy như gắp nhả linh kiện, robot đóng gói hàng hóa. Tuy nhiên kinh nghiệm trong việc thương mại hoá ra thị trường TS Lộc thừa nhận "còn thiếu".
Trải qua những bước đầu ở Lab2Market, TS Lộc được tham gia nhiều hoạt động trong 6 tuần với 50 phiên cố vấn, 6 bootcamp chuyên đề đào tạo chủ đề thương mại hoá. "Dự án được kết nối với chuyên gia, nhất là chuyên gia tài chính, để làm rõ điểm yếu mô hình kinh doanh", TS Lộc nói và mong muốn học hỏi được thêm kinh nghiệm trong triển khai sản phẩm.
Thương mại hoá nghiên cứu ra thị trường là điều nhiều nhà khoa học như GS.TS Lê Minh Thắng, Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mong đợi. Vì vậy bà tham gia chương trình để kiểm chứng những kết quả và thành công mà dự án Cleancat có thể gặt hái được.
Bà chia sẻ về sáng chế bộ chuyển đổi xúc tác khí thải sử dụng trong các nhà máy và khu công nghiệp. Đây là nghiên cứu về xúc tác hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải. GS Thắng cùng cộng sự tìm cách phát triển công nghệ nội địa, sử dụng lõi gốm Cordierit và các chất xúc tác từ hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp: Mn, Co, Ce, Zr, Ba. Các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm (khí thải chứa hydrocarbon, VOCs, CO, NOx, SOx và bụi sinh ra trong quá trình sản xuất công nghiệp), đồng thời ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao. Kết quả nghiên cứu được thử nghiệm và ứng dụng hiệu quả nhất định tại một số nhà máy nhiệt phân cao su phế thải ở tỉnh Hải Dương và trên một số dòng xe máy cao cấp.
Qua các buổi đào tạo, GS Thắng nhận được hỗ trợ từ các cố vấn, đội ngũ tổ chức, trao đổi kiến thức, hoàn thiện mô hình kinh doanh.
TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings, cho biết, trong lần ươm tạo này có 8 nhóm vượt qua tuyển chọn (gồm 7 dự án trong nước và một startup từ Singapore). Đây là các dự án chọn lọc từ hơn 30 nghiên cứu khoa công nghệ sau giai đoạn ươm tạo đầu tiên. Các nhóm được lựa chọn sẽ trải qua 12 tháng ươm tạo, hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Ông Dũng kỳ vọng sự đồng hành và hỗ trợ đào tạo từ các chuyên gia, đội ngũ mentors, huấn luyện sẽ tiếp tục tạo sân chơi thúc đẩy nhóm nghiên cứu vượt qua khó khăn để tiếp tục chinh phục con đường đưa sáng chế ra thị trường.
Năm 2021, 12 nhóm dự án đến từ 6 trường đại học được hỗ trợ, trong đó hơn 80% đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hơn 50% đã đăng ký doanh nghiệp và gần 50% được ươm tạo thành công. Nhiều sản phẩm được hỗ trợ mở rộng thương mại ra thị trường như công nghệ gia cố nền móng Top Base cho nền đất yếu của Việt Nam của ThS Đỗ Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện công nghệ GFS và cộng sự, hay InnoGenEx với giải pháp test thử mầm bệnh trong thực phẩm, y tế và chăn nuôi...
Lab2Market là chương trình ươm tạo đầu tiên ở Việt Nam với sứ mệnh thương mại hoá các sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học hàng đầu trong các trường Đại học theo chuẩn quốc tế, được tổ chức bởi BK Holdings, phối hợp với NSSC, quỹ đầu tư startup BK Fund và tSwiss EP (tổ chức hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp do chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ). Lab2Market đã trải qua hai mùa và tiếp cận đến các nhóm dự án trên toàn quốc.
Như Quỳnh