Về trang đầu

Cuộn chuột để đọc bài

Những chiến lược tạo
bước ngoặt cho Vinamilk của

bà Mai Kiều Liên

CEO Vinamilk coi sáng tạo là sống còn, nghiên cứu sản phẩm dinh dưỡng thay vì cân nhắc lời lỗ, theo đuổi phát triển bền vững, đưa hãng sữa Việt vào top 10 toàn cầu.

Vuốt để đọc bài

Tổng giám đốc Mai Kiều Liên vừa được vinh danh trong “100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á” (Fortune’s Most Powerful Women Asia 2024). Bà cũng là một trong số ít nữ doanh nhân tại Việt Nam được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Gần 50 năm gắn bó với Vinamilk, tầm nhìn và chiến lược của nữ CEO đã đưa hãng sữa Việt trở thành thương hiệu tỷ USD.

Năm 2013, Vinamilk ghi dấu trong ngành sữa châu Á và thế giới khi cùng lúc đưa hai “siêu nhà máy sữa” đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Sự kiện đánh dấu bước chuyển mình của Vinamilk từ hiện thực hóa “giấc mơ sữa Việt” lên “vươn tầm thế giới” ở khả năng cung ứng lẫn chất lượng sản phẩm.

“Tôi muốn thế giới phải biết đến ngành sữa Việt Nam”, bà thể hiện tham vọng và tầm nhìn chiến lược ở những ngày đầu chèo lái con thuyền.

Từ một quốc gia gần như nhập khẩu sữa hoàn toàn, Vinamilk đưa Việt Nam xuất hiện trên các bảng xếp hạng danh tiếng ở khu vực và thế giới. Giá trị của thương hiệu cũng ngày càng gia tăng để đứng trong Top 10 toàn cầu, tỷ lệ thuận với sự phát triển về quy mô công ty.

Bà Mai Kiều Liên dành cả sự nghiệp để gắn với một công ty, một ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Vượt trên những mục tiêu về kinh doanh trên thương trường, với “nữ tướng” ngành sữa, Vinamilk còn là một sứ mệnh đặc biệt: dinh dưỡng cho trẻ em và sức khỏe cho người Việt.

Thời gian du học tại Nga, bà được phân công học về công nghiệp chế biến sữa - một ngành còn khá xa lạ tại Việt Nam lúc ấy. Phân vân trước quyết định lựa chọn con đường sự nghiệp tương lai, bà viết thư xin ý kiến cha mình. Trong lá thư hồi đáp gửi từ Việt Nam, cha bà viết rằng: “Chỉ có sữa mới giúp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và cải thiện sức khỏe người dân sau chiến tranh”.

Lời tâm tình đó giúp bà thêm quyết tâm theo đuổi ngành học mới mẻ này, cũng là chiếc “la bàn” trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ song hành Vinamilk. Theo đuổi và dấn thân, bà dành toàn bộ tâm huyết để trả lời cho câu hỏi: “Làm sao nâng cao chất lượng dinh dưỡng và sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em?”.

Để giải bài toán nâng cao sức khỏe người dùng, chinh phục thị trường trong và ngoài nước, nữ CEO tập trung vào ba trụ cột: chất lượng, giá cả và dịch vụ. Trong đó, chất lượng phải đi đầu.

“Mình là công ty thực phẩm, sản xuất đồ ăn, thức uống. Phải làm ra những sản phẩm tốt nhất, như đang làm cho người thân, gia đình của mình vậy”, bà luôn nhắc nhở đội ngũ như thế khi bắt tay nghiên cứu và phát triển một sản xuất mới.

Nhờ kiên định với chiến lược sản phẩm, đến nay Vinamilk giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp sở hữu nhiều sản phẩm đi đầu xu hướng dinh dưỡng trên thị trường. Nổi bật có các dòng sữa tươi, sữa bột trẻ em đạt chuẩn organic (hữu cơ) châu Âu đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam; hay sữa tươi đầu tiên trên thế giới đạt chuẩn Clean Label Project về độ an toàn, tinh khiết…

Một dấu ấn khác của bà Mai Kiều Liên được thể hiện đậm nét trong quá trình kinh doanh cũng như các chiến lược của Vinamilk đó là: “Táo bạo, quyết tâm”. Đây cũng những từ khóa nữ CEO miêu tả thương hiệu của mình khi ra mắt công chúng bộ nhận diện mới, kèm lời khẳng định “vẫn như thế, từ 1976”.

Cá tính “táo bạo” của Vinamilk duy trì hơn 5 thập niên, bắt đầu từ năm 1997 - thời điểm đặt viên gạch đầu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu sữa Việt.

Năm đó, để được tham gia chương trình đổi dầu lấy lương thực của Chính phủ Iraq, Vinamilk đã tài trợ hai container sữa bột cho trẻ em nước này. Sau khi kiểm tra chất lượng và trực tiếp sang thăm nhà máy, Chính phủ Iraq đề nghị Vinamilk cung cấp 300 tấn sữa trong ba tháng.

Không mất nhiều thời gian đắn đo, bà Mai Kiều Liên gật đầu để chứng minh khả năng đáp ứng về chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng của Vinamilk. “Ngồi tính toán lời lỗ rồi mới làm chắc chắn không bao giờ xong”, bà nói. Đến nay, sản phẩm của hãng sữa đã đặt chân đến 62 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên mỗi năm, mở rộng mạng lưới phủ sóng của thương hiệu trên toàn cầu.

Thương vụ năm 1997 không phải lần đầu bà Mai Kiều Liên có các quyết định chiến lược, có thể được cho là “liều lĩnh” nhưng đầy “bản lĩnh” của một nữ doanh nhân quyết đoán. Sau chiến tranh, Vinamilk được giao tiếp quản một nhà máy sản xuất sữa bột “ba không”: không bản vẽ kỹ thuật, không vốn đầu tư, không chuyên gia cố vấn. Nhiều người nói việc khôi phục nhà máy lúc bấy giờ gần như là nhiệm vụ bất khả thi khi chi phí tái thiết ước tính lên đến gần 3 triệu USD.

Với cá tính quyết liệt, có khó cũng phải làm bằng được, bà Mai Kiều Liên cùng các cộng sự, kỹ sư trong nước tìm giải pháp sửa chữa máy móc, khôi phục sản xuất. Ngay tại nhà máy đó vào ngày 26/3/1988, Vinamilk thành công cho ra đời mẻ sữa đầu tiên không chỉ của thương hiệu, mà là của cả ngành sữa Việt Nam. Cột mốc này trở thành minh chứng cho câu nói “không có gì là không thể” của bà Mai Kiều Liên.

Cuối thập niên 90, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và việc liên doanh với đối tác ngoại trở thành xu hướng. Trong hầu hết các thương vụ, khối FDI thường nắm giữ 70% cổ phần, chiếm quyền điều hành chi phối. Với suy nghĩ Vinamilk có đầy đủ nguồn lực và am hiểu thị trường trong nước để có thể tự đi trên đôi chân của mình, bà Liên cùng các đồng sự quyết định không liên doanh, giữ thương hiệu Việt. Sau nhiều năm nhìn lại, bà vẫn cho rằng: “Có Vinamilk ngày nay là nhờ quyết định đó”.

Một trong những thành tựu lớn nhất của Vinamilk dưới sự dẫn dắt của nữ CEO là xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại, chuẩn quốc tế. Được khởi xướng từ những năm 1990, “cuộc cách mạng trắng” gắn liền với cái tên Mai Kiều Liên.

Thực hiện “Cuộc cách mạng trắng” tại Việt Nam là một thách thức, bởi trước hết chăn nuôi bò sữa không phải là thế mạnh truyền thống của nước mình, nông dân không có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, hơn nữa, khí hậu Việt Nam không phải là nơi thích hợp chăn nuôi bò sữa – bà bộc bạch.

Bền bỉ hình thành vùng chăn nuôi bò sữa trong nước, đến nay, Vinamilk đang quản lý một hệ thống 14 trang trại bò sữa hiện đại, bên cạnh đó hợp tác với gần 6.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa theo hướng ứng dụng công nghệ, nâng cao sản lượng, chất lượng, cung cấp hơn 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.

“Không có vùng nguyên liệu sữa, thì không có Vinamilk ngày hôm nay”, bà nói.

Để tạo dấu ấn trên thị trường, bà Liên tin rằng “Sáng tạo là sống còn”. Dấu ấn sáng tạo của Vinamilk thể hiện qua những “lần đầu tiên” trên thị trường sữa Việt. Năm 2023, thương hiệu ra mắt bộ nhận diện mới, thu hút sự chú ý, tạo nên xu hướng trên mạng xã hội cho phép người dùng tạo logo cho chính mình theo logo Vinamilk “Est 1976”, phủ xanh khắp các nền tảng mạng xã hội.

Nữ CEO cho biết thương hiệu Vinamilk từ lúc ra đời cho đến nay đã trải qua rất nhiều lần đổi mới chính mình. Lần này cũng không ngoại lệ. “Không chỉ là thương hiệu, Vinamilk đang đổi mới một cách toàn diện”, bà mô tả về một thương hiệu đã U50 nhưng không ngần ngại đổi mới, bắt kịp xu thế.

Từ nền móng vững bền với ý chí kiên định theo đuổi sứ mệnh theo năm tháng, CEO Mai Kiều Liên cùng Vinamilk trải qua nhiều biến chuyển thị trường, dẫn đầu xu hướng, trong đó có phát triển bền vững.

Với người đứng đầu hãng sữa, đây là một chiến lược dài hơi nhưng không đồng nghĩa có thể từ từ, trễ nãi. Ngược lại, Vinamilk lúc nào cũng cần nhanh, để đi tắt đón đầu, đạt được những mục tiêu đề ra.

Khi khái niệm phát triển bền vững còn chưa phổ biến tại Việt Nam, Vinamilk đã có báo cáo độc lập với tài chính về lĩnh vực này vào năm 2012. Đến khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, thương hiệu chính thức trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành. Đến nay, Vinamilk là đơn vị đầu tiên trong ngành có ba đơn vị (hai nhà máy, một trang trại) đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014.

Bên cạnh định giá tỷ USD, Vinamilk còn là thương hiệu sữa có tính bền vững thứ 5 toàn cầu (theo Brand Finance 2023). Kết quả đến từ quá trình xây dựng giá trị thương hiệu liên quan đến cộng đồng, xã hội, nền kinh tế…

Nói về phát triển bền vững, nữ lãnh đạo khẳng định không có sự cạnh tranh mà mỗi cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đều có đóng góp của riêng mình. “Không đơn vị nào có thể đạt phát thải ròng bằng 0 nếu chỉ đi một mình. Phát triển bền vững không có rủi ro, mà chỉ có lợi”, bà nói thêm.

CEO Mai Kiều Liên cũng cho rằng bền bỉ là điều mà mọi doanh nghiệp cần có để thực hiện được những mục tiêu phát triển bền vững như Net Zero. Theo nữ lãnh đạo, dù đã có sự ủng hộ từ chính phủ, Net Zero vẫn có rất nhiều thách thức vì đây vẫn là khái niệm mới với ngành sữa. Cần nhiều thời gian hơn để các doanh nghiệp Việt học hỏi các nước phát triển đã đi trước về mục tiêu giảm phát thải, rồi nghiên cứu theo thực tế để ứng dụng cho doanh nghiệp mình. Tiếp đó, cần có nguồn lực khác như nhân lực, kinh nghiệm, công nghệ… Nhưng điều tiên quyết là phải bắt đầu bước đi, thì mới có thể đến đích.

Bên cạnh yếu tố bền vững, con người và công nghệ cũng là khía cạnh được Vinamilk đặc biệt quan tâm. Dù có tư duy chuyển đổi số toàn diện từ sớm, bà Mai Kiều Liên cho rằng thành công hay lụn bại của một doanh nghiệp đều do con người. Định hướng này giúp Vinamilk liên tục đạt danh hiệu “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”, hấp dẫn với trên thị trường tuyển dụng.

Với định hướng “dưỡng người tài”, Vinamilk được nhiều người ví như cái nôi đào tạo, quy tụ nhiều chuyên gia ngành chế biến sữa, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam. Nhiều cấp quản lý, giám đốc trang trại và nhà máy hiện nay đều xuất thân từ các chương trình đào tạo chuyên sâu hoặc du học do chính Vinamilk tài trợ.

Ảnh: Vinamilk

Nội dung: Thy An

Thiết kế: Ngân Hà

Kỹ thuật: Sơn Bá

Ảnh: Vinamilk- Nội dung: Thy An
Thiết kế: Ngân Hà- Kỹ thuật: Sơn Bá