Từ khi cầu Vĩnh Thịnh được khánh thành hôm 8/6, nhà chờ của bến phà Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) luôn trong cảnh vắng vẻ. Chiếc phà nằm im lìm bên mép sông, phía xa là cầu Vĩnh Thịnh. Bến phà Vĩnh Thịnh từng có nhiều thập kỷ phục vụ người dân từ Vĩnh Phúc qua sông Hồng để sang thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và ngược lại. Chiếc phà từng phục vụ khách qua sông mỗi ngày, giờ nằm im lìm trên bến nước dưới chân cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam. Phà được thiết kế theo công nghệ phà đầu kéo có từ những năm 1980, bề mặt gỉ sét nham nhở sau nhiều năm. Tầm nhìn phía trước khoang lái giờ chỉ là khung cảnh đìu hiu, vắng lặng. Trước khi có cầu Vĩnh Thịnh, bến phà đều đặn đưa hàng nghìn lượt người và phương tiện qua sông, phục vụ người dân của cả một vùng rộng lớn thuộc Vĩnh Phúc và Hà Nội. Chiếc thẻ thuyền trưởng phà còn treo trên vô lăng. Khoang máy ngổn ngang, những vết dầu mới còn loang lổ trên đầu máy cũ kỹ. Bên kia sông, bến Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng trong tình trạng vắng vẻ, phà nằm không trên bến. Nhà chờ vắng hoe, thỉnh thoảng mới có một khách xuất hiện rồi về vì phà không chạy. Trước ô cửa phòng bán vé này từng luôn chật kín người mua vé, giờ chỉ còn người lái xe ôm và những vị khách chưa biết bến phà đã nghỉ. Phà ngừng hoạt động khiến hàng chục hàng quán phục vụ khách đi phà cũng dừng bán. Chiếc xe đạp gắn bó với bà Đinh Thị Mây từ khi bà bắt đầu bán hàng nước ở bến phà 23 năm trước. Bà Mây là người bán hàng phục vụ khách đi phà duy nhất còn cố nán lại trên bến. "Bến phà giúp gia đình tôi đi qua cả một thời kỳ khốn khó. Hơn 20 năm nay, ngày nào tôi cũng ra đây kiếm sống theo những chuyến phà đưa khách qua lại hai bờ sông Hồng. Giờ các con tôi đã trưởng thành, kinh tế gia đình đã khá hơn, nhưng từ hôm phà nghỉ, tôi cảm thấy hụt hẫng. Nếu không bán hàng nữa, tôi cũng buồn vì chẳng biết làm gì", bà Mây tâm sự. Quý ĐoànThông xe cầu vượt sông dài nhất Việt Nam Người dân hân hoan với cầu vượt sông dài nhất Việt Nam