Mùi ẩm mốc sộc lên trong căn phòng nhỏ dưới lòng đất ở một nghĩa trang của thành phố Saitama (Nhật Bản) vào một ngày cuối năm. Nơi đây, gần 600 lọ tro cốt không có người nhận xếp đầy trên kệ.
Chỉ vào chiếc giá còn trống duy nhất trong căn phòng, ông Satoru Shimizu, cán bộ thuộc bộ phận phúc lợi xã hội của thành phố Saitama, cho biết, chẳng bao lâu nữa nơi này sẽ không còn chỗ chứa bởi số lượng các lọ tro cốt không người nhận ngày càng tăng lên vài năm nay.
"Thật buồn khi nghĩ nơi lạnh lẽo này lại là chốn yên nghỉ cuối cùng của bao người", ông Shimizu nói.
Saitama là một trong nhiều thành phố đang phát triển nhanh chóng tại Nhật Bản phải chật vật đối mặt với tình trạng các bộ tro cốt sau khi hỏa táng không ai tới nhận. Trước đây, các bộ tro cốt như thế thường là của những người không xác định được danh tính. Ngày nay hầu hết đó lại là của những người có tên tuổi rõ ràng. Nhiều người chết vẫn còn họ hàng còn sống nhưng người thân từ chối làm hỏa táng hay mang tro cốt về vì lý do không mấy gắn bó, không đủ gần gũi với người đã mất.
Đây là một trong những thực tế tàn nhẫn ở xã hội có nhiều người cao tuổi tại Nhật, khi ngày càng có nhiều người già và sống cô đơn, dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi hay phúc lợi xã hội.
Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An ninh xã hội Nhật Bản ước tính số người chết sẽ tăng lên 1,65 triệu năm 2035 so với 1,29 triệu năm 2015. Thống kê của chính phủ cũng cho thấy 13,3% nam giới và 21,1% phụ nữ tuổi trên 65 đang sống một mình năm 2015, trong khi tỷ lệ này vào năm 1980 chỉ là 4,3% ở nam và 11,2% nữ.
Khi không ai lo cho người chết, chính quyền thành phố sẽ có trách nhiệm tổ chức tang lễ cho họ, với chi phí khoảng 200.000 - 250.000 yên mỗi trường hợp. Các thành thị cũng đối mặt với những khó khăn trong việc tìm nơi lưu trữ những lọ tro cốt này trong vài năm, phòng trường hợp có người tới nhận.
Theo Japantimes, mặc dù chưa có thống kê chính thức về số phần tro cốt không được thừa nhận tại khắp đất nước, riêng thành phố Saitama, trong năm 2003 chỉ có 33 trường hợp thì đến năm 2016 đã lên tới 133. Tổng cộng, tới năm ngoái, thành phố này đang giữ 1.600 bộ tro cốt. Vì dự tính con số này sẽ tiếp tục tăng, Saitama sẽ mở thêm một khu mới vào năm 2020 để chôn những lọ tro bị bỏ quên.
"Chỉ còn cách duy nhất chúng tôi có thể làm là chôn họ cùng nhau sau vài năm lưu trữ", Shimizu nói.
Lâu nay, trông nom người chết vẫn được coi là việc của người thân. Nhưng với sự gia tăng các gia đình hạt nhân, truyền thống này ngày càng mai một khi con người trở nên tự chủ, độc lập hơn.
Midori Kotani, nhà nghiên cứu lâu năm tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, nói rằng sự gắn kết gia đình lỏng lẻo là một lý do phía sau sự gia tăng những lọ tro cốt không ai ngó tới.
Bà cũng chỉ ra rằng tuổi thọ tăng góp thêm phần vào tình trạng này. Theo số liệu từ đơn vị phúc lợi, hơn một nửa số nam giới qua đời năm 2015 ở độ tuổi trên 80, so với chỉ 33% năm 2000. Con số này với phụ nữ là 73%.
"Điều đó có nghĩa là con cái của những người quá cố cũng đã già. Họ thường không có đủ khả năng (về cả tài chính lẫn sức khỏe) để chăm lo cho người thân đã mất. Hệ thống dựa vào gia đình để lo liệu mọi thứ, bao gồm việc hậu sự, không còn phù hợp nữa", bà Kotani nói.
Với những thay đổi này trong xã hội, Kotani cho rằng mọi người nên chuẩn bị sẵn hậu sự để không phải dựa vào người thân, chẳng hạn như đặt sẵn phần mộ cùng khu với những người bạn từ thủa thiếu thời với mình. Bà cũng gợi ý việc tạo ra các khu mộ tập thể chôn cất miễn phí cho những người cần.
Để giảm số phần tro cốt không ai tới nhận lưu trữ tại nghĩa trang, năm 2015, thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa đã phát động chương trình hỗ trợ người già thu nhập thấp không nơi nương tựa tự chuẩn bị cho cái chết của mình.
Những người tham gia chương trình được nhận số tiền 250.000 yên ngay lúc còn sống - bằng khoản mà thành phố phải chi trả để lo hậu sự cho họ, đồng thời đăng ký nơi sẽ hỏa táng và lưu trữ tro cốt của mình, Kazuyuki Kitami, phó phòng phúc lợi tại Yokosuka cho biết.
Từ khi thực hiện, 23 người đã tham gia chương trình, trong đó, ba người đã qua đời và được đưa vào đền an nghỉ.
Kitami cho hay, cũng như ở thành phố Saitama, số phần tro cốt không ai tới nhận tăng thành 60 năm 2014 so với 16 năm 2003. Không đủ nơi lưu trữ, trong thập kỷ qua, thành phố đã phải chôn chung 600 phần tro cốt. "Tôi thực sự cảm thấy buồn và tự hỏi liệu có ổn không khi đưa họ ra khỏi phòng lưu trữ và đưa tất cả xuống cùng một hố", Kitami nói.
Nhưng sau khi thực hiện chương trình chuẩn bị trước cho cái chết, con số tro cốt không ai nhận đã giảm xuống còn 36 năm 2016. Kết quả này cũng một phần nhờ sự kiên trì thuyết phục thân nhân người quá cố đến mang tro cốt về.
"Chúng tôi muốn ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia chương trình và hy vọng sẽ không còn ai cô độc khi về với cát bụi", Kitami nói.
Vương Linh