Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Chủ tịch nước vào tháng 4/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Công an nhiệm kỳ 2011-2016, làm Thứ trưởng từ tháng 4/2006 đến 8/2011. Trong thời gian này, ông ghi dấu ấn khi chỉ đạo phanh phui nhiều vụ án.
Đại án tham nhũng, sai phạm kinh tế xảy ra tại Vinalines phát hiện vào năm 2012 là một trong những vụ án lớn mang dấu ấn của Bộ trưởng Trần Đại Quang. Chủ mưu là Dương Chí Dũng (cựu chủ tịch Vinalines) đang giữ chức Cục trưởng Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) đã bỏ trốn ngay khi vụ án được khởi tố, lệnh bắt được ban hành.
Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu các lực lượng truy bắt bằng được ông Dương Chí Dũng, đẩy nhanh việc điều tra. Hơn ba tháng sau, ông Dũng bị bắt tại Campuchia khi ý định trốn sang Mỹ bất thành.
Trước nghi vấn vì sao ông Dũng nhanh chân bỏ trốn, trả lời chất vấn trước Quốc hội khi đó, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ tại sao ông Dũng bỏ trốn, có lộ lọt thông tin hay không để xử lý theo quy định pháp luật? Cơ quan cảnh sát điều tra cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ".
Ngay sau đó, hàng loạt công an bị phát hiện đã giúp sức cho ông Dũng, trong đó có em ruột của ông này - một cục phó của Bộ Công an.
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng, ông Quang nhiều lần đốc thúc tiến độ điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều đại án khác được phanh phui sau đó như vụ Huỳnh Thị Huyền Như cố ý làm trái với số tiền sai phạm gần 4.000 tỷ đồng; vụ tham nhũng xảy ra ở Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam, vụ án Hà Văn Thắm...
Không chỉ với án tham nhũng, kinh tế, với cương vị người đứng đầu lực lượng công an, đại tướng Trần Đại Quang thường trực tiếp đến hiện trường các vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng để chỉ đạo điều tra và động viên gia đình nạn nhân.
Tháng 7/2015, một ngày sau khi xảy ra vụ thảm án 6 người bị giết hại tại Bình Phước, ông Quang đã tới đây họp với Ban chuyên án. Không lâu sau, hung thủ bị phát hiện và ngày 20/9 vừa qua đã bị thi hành án tử hình.
Cùng tháng 7/2015, Bộ trưởng Công an tiếp tục tới chỉ đạo điều tra vụ thảm án 4 người chết ở huyện Tương Dương, Nghệ An, trực tiếp nghe báo cáo án.
Không chỉ quyết liệt trong chỉ đạo các vụ án lớn, ông Quang có nhiều phát biểu mạnh mẽ tại nghị trường. Ông khẳng định: "Chống tham nhũng không có vùng cấm"....
Với dấu ấn trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Công an, tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ tịch nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá từng đánh giá: "Ông Quang là người bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm cao. Trong những vụ án lớn, ngay khi nắm thông tin, ông thường chỉ đạo làm ngay. Điều này thể hiện tính linh hoạt để giải quyết kịp thời những mong mỏi của người dân".
Sáng 21/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một năm mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông Trần Đại Quang là giáo sư, tiến sĩ luật. Trải qua nhiều vị trí trong ngành an ninh, năm 2000 ông giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Ông làm Thứ trưởng Công an từ tháng 4/2006 đến 8/2011.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an. Tháng 4/2016, ông làm Chủ tịch nước.