Ảnh minh họa. Hoàng Hà |
Trung (26 tuổi, kỹ sư giao thông ở Hà Nội) luôn cho rằng cuộc gặp gỡ cùa mình với Oanh có bàn tay của định mệnh, vì hôm đó cả hai đều tới một nơi mà họ đã định là không đến: một cuộc hội thảo. Vừa nhìn thấy Oanh, Trung đã choáng váng, và mặc dù vẫn hay chỉ trích các cuộc làm quen "ngoài đường", Trung vẫn biết rằng anh sẽ ân hận suốt đời nếu không bắt chuyện và xin số điện thoại của cô.
Suốt thời gian dài quen nhau, Trung vẫn gọi Oanh là chị dù không bao giờ giấu giếm tình yêu nồng nhiệt của mình. Tấn công hơn 1 năm, "chị" nhận lời yêu "em". Hai người chuyển qua xưng tên, rồi sau đó Trung tỉnh queo xưng anh và gọi nàng là "bé", mặc cho bạn bè trêu ghẹo. Họ dự định sẽ cưới vào cuối năm nay, dù trong gia đình vẫn còn sự phản đối.
"Ở cả nhà trai lẫn nhà gái, phe 'bồ câu' đang dần thắng thế so với phe 'diều hâu'. Nhưng cho dù có diều hâu hết thì chúng tớ vẫn cứ cưới" - Trung khoe. Anh khẳng định người con gái vừa đằm thắm, chín chắn lại vừa có nét mong manh yếu đuối như trẻ thơ này sẽ nắm giữ trái tim anh suốt đời, khiến anh vừa là người che chở, lại vừa là người dựa dẫm.
Cũng yêu "chị", nhưng tình cảm của Cường (24 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đối với Loan, 29 tuổi, không phải dạng sét đánh mà đến từ từ. Khi Cường vào công ty, Loan đã là một nhân viên cứng, giúp đỡ anh nhiều trong làm quen với công việc. Sự gần gũi trong công việc kéo theo gần gũi về tình cảm. Hai chị em thường tâm sự, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống và dần dần chia sẻ cả trái tim.
Biết chuyện con mình bị "gái già" bỏ bùa, mẹ Cường rất lo lắng. Ngăn con không được, bà đi gặp Loan để "nói điều hơn lẽ thiệt", rồi tức giận trở về vì Loan lễ phép nghe nhưng vẫn không từ bỏ tình yêu của mình, mặc cho bà đưa ra những viễn cảnh đen tối của cảnh vợ già chồng trẻ. Gia đình Loan biết chuyện, tự ái, cũng cấm tiệt không cho Cường đến chơi.
Thuyết phục gia đình không được, hai người đã đi đăng ký kết hôn và thuê một căn hộ nhỏ để chung sống. Họ vẫn chưa tổ chức cưới vì nghĩ rằng chắc chắn đến một lúc nào đó, bố mẹ hai bên cũng sẽ chấp nhận.
Những đôi lứa nữ nhiều tuổi hơn nam như trên ngày càng phổ biến. Nếu như trước đây, chuyện "lái máy bay bà già" thường tạo ra nhiều chuyện thị phi thì nay ít được xem là khác thường. Các mối tình "chị em" đơm hoa kết trái bằng đám cưới ngày càng nhiều.
Theo một khảo sát của VnExpress với hơn 11.000 người tham gia, chỉ có 11% phản đối chuyện yêu phụ nữ hơn tuổi. Phần lớn độc giả (44%) cho rằng trong thời hiện đại, chuyện nữ nhiều tuổi hơn người yêu không phải là vấn đề. Khoảng 1/3 thừa nhận, sự chênh lệch này sẽ tạo ra một số khó khăn, nhưng nếu thực sự yêu nhau, hai người sẽ vượt qua được.
Thậm chí, có 14% cho rằng "yêu chị" còn tốt hơn là yêu phụ nữ bằng hoặc kém tuổi. Theo các chàng trai tình nguyện làm "phi công trẻ", yêu người hơn tuổi có nhiều điều rất thú vị: Nàng chín chắn hơn nên sẽ tránh được những rắc rối xuất phát từ chuyện không đâu. Chàng sẽ ít cảm thấy mệt mỏi và bất an do phải đoán mò những ý nghĩ bất thường của nàng, hai người dễ hiểu nhau hơn.
Tuy nhiên, chuyện "lái máy bay bà già" không phải là không gặp những bất lợi. Thắng (28 tuổi, lấy vợ lớn hơn 5 tuổi), kể: "Ở tuổi này, tôi vẫn ham đàn đúm bạn bè, trong khi nàng thì ngoài giờ làm chỉ thích quây quần với chồng con". Thắng muốn rủ vợ tham gia các cuộc vui, nhưng chị không thích, và nếu anh đi một mình thì chị lại buồn. Tính vô tâm của đàn ông và của tuổi trẻ nhiều khi làm anh thấy có lỗi với vợ - người luôn chu đáo với chồng và gia đình chồng. Mâu thuẫn phát sinh.
Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà (Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), ngoài vấn đề như ở gia đình anh Thắng, mối tình "chị em" cũng hay gặp những trở ngại như: Người đàn ông có mặc cảm non nớt trước bạn tình, cố gồng mình lên để trở nên già dặn và đôi lúc thấy mệt mỏi. Hoặc người vợ lo lắng vì mình chóng già hơn chồng. Những điều này có thể khắc phục nếu hai bên hiểu nhau và mỗi người cố gắng một ít để thích nghi với người kia.
Chẳng hạn, người vợ nên giữ nét tươi trẻ trước chồng, vì nếu cứ "làm chị" thì cuộc hôn nhân sẽ giảm phần thi vị. "Tôi gần như quên mất là nàng hơn tuổi, vì một mặt, nàng chăm lo cho tôi như chị, mặt khác nàng lại nũng nịu, trẻ trung như một cô bé" - Trung nói về Oanh, vợ chưa cưới.
Nhưng trở ngại lớn nhất đối với các cặp nam trẻ hơn nữ vẫn là định kiến. Theo bà Hồng Hà, với những đôi chênh lệch 5-6 tuổi trở xuống, không có sự khác biệt đáng kể về mặt sinh học và tâm lý. Những trở ngại chủ yếu là do thành kiến mà ra. Khi đã yêu nhau, lấy nhau, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, nhưng một số cặp khi gặp rắc rối lại cho rằng đó là do chênh tuổi, rằng nếu chồng già hơn vợ thì sẽ không có chuyện đó.
"Chính sự ám thị này đã dẫn đến tâm lý và hành động tiêu cực, gây nguy cơ tan vỡ, chứ không phải vì người phụ nữ nhiều tuổi hơn" - bà Hồng Hà khẳng định. Vì vậy khi đã xác định đến với nhau, cần phải "quên" chuyện tuổi đi, không coi đó là nhược điểm.
Còn với những lời dèm pha của người xung quanh, nhà tư vấn cho rằng người trong cuộc cần có đủ bản lĩnh và sự tự tin để lờ đi một cách vui vẻ. Hai người nên bàn với nhau về cách đối đáp khi có người đề cập đến chuyện này.
Với những đôi chênh lệch lớn về tuổi tác, chẳng hạn đến 10 năm, sự lệch pha về hình thức và tình dục sẽ xảy ra khi đến tuổi xế chiều. Với y học hiện đại, điều này phần nào được khắc phục vì người phụ nữ có thể kéo dài tuổi xuân bằng các phương pháp thẩm mỹ, và duy trì đời sống tình dục nhờ liệu pháp hoóc môn.
Tuy nhiên, với những đôi đã quyết tâm đến với nhau như anh Tuân và chị Hằng (Tây Hồ, Hà Nội), 9 năm cách biệt cũng không là vấn đề. Họ đều đã qua một lần đò, và quyết lấy nhau dù nhiều người "bàn ra" rằng chỉ 15 năm sau, khi anh vẫn ở tuổi tráng niên đẹp đẽ thì chị đã là một bà lão.
"Tại sao lại chối bỏ hạnh phúc đang có thật trước mắt mình vì một mối lo nhiều năm nữa mới tới? Mà khi điều đó xảy ra, ít ra chúng tôi cũng đã vui sướng bên nhau 15 năm, thế cũng quý lắm rồi" - Hằng nói.
Cuộc hôn nhân trước đó của Hằng và Tuân đều tan vỡ nhanh dù tuổi rất "đẹp". Vì vậy, họ hiểu rất rõ rằng điều quan trọng nhất của tình cảm lứa đôi không phải là tuổi tác.
Hải Hà