Ở tuổi lên 3, Peggy nặng 35kg và mẹ cô bé vẫn muốn "vỗ béo" con gái để quay video đăng lên mạng xã hội kiếm tiền. Bé gái này đã có một tài khoản riêng với hơn 5.000 người theo dõi nhưng lượng xem cao nhất của một video lại lên tới 55.600 lượt.
Video đầu tiên được bố mẹ Peggy quay lại cảnh cô bé vừa ăn vừa chơi, nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, lúc đó em chỉ mới 1 tuổi rưỡi. Nhưng đến tháng 8/2019, khi Peggy 2,5 tuổi đã 25 kg. Hiện tại, cô bé đã cán mốc 35kg.
Lượng video được đăng lên ngày càng nhiều, với các từ ngữ gây tò mò, chẳng hạn như "vài giây là ăn xong"... Tuy nhiên, thức ăn của Peggy lại gồm toàn những món như bánh mì kẹp thịt, nước ngọt, gà rán, mì gói... Món nào cũng rất nhiều calo nhưng bé vẫn ăn một cách bừa bãi. Không chỉ vậy, lượng thức ăn ai nhìn vào cũng thấy choáng váng.
Lo lắng cho sức khỏe của Peggy, nhiều người đã để lại lời nhắn khuyên nên cho bé ăn theo chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, bố mẹ Peggy đã làm ngơ và tiếp tục cho con ăn thịt nướng, xúc xích, xiên que,... Thậm chí, họ còn hào hứng đăng video tuyên bố Peggy sẽ phá mốc 50 kg. Ăn uống vô độ và tăng cân quá nhiều khiến khung xương non nớt của cô bé không thể chịu được, làm đôi chân của bé bị biến dạng. Trong một đoạn video, Peggy vừa đi vừa lắc lư như sắp ngã nhưng không thể dừng lại. Tuy nhiên, bố mẹ Peggy vẫn chọn cách phớt lờ hoặc trốn tránh trách nhiệm.
Phẫn nộ trước thái độ của ông bố bà mẹ này, cộng đồng mạng đã chung tay nhấn nút report (báo cáo). Hiện tài khoản của Peggy đã bị xóa, tất cả các video đều đã mất hết. Hành vi ngược đãi kiểu này không dễ để mọi người phát hiện ra, nhưng làm trẻ đau lòng hơn là đánh đập, mắng mỏ. Một số người nói rằng bố mẹ Peggy đã sử dụng con gái mình để làm công cụ kiếm tiền, những người như họ hiện nay không phải là hiếm.
Trong bộ phim ăn khách "Lấy danh nghĩa người nhà", mẹ của nhân vật Đường Sán là một người như thế. Để con gái kiếm tiền, bà không ngại hy sinh thời gian học tập của con, kể cả khi cô bé bị điểm kém. Người phụ nữ này cũng nhận mình là người đại diện của con gái và nhận tất cả những chương trình biểu diễn cũng như quảng cáo cho con. Để con trở nên xinh đẹp và ăn ảnh hơn, dù con đang trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển thể chất, cô bé cũng phải ăn salad rau củ trong một tuần. Mỗi khi Đường Sán đòi ăn món gì ngon, người mẹ cũng cương quyết từ chối.
Tưởng là người mẹ như vậy chỉ tồn tại trong phim ảnh, nhưng người mẫu nhí có tên Eun-chae ở Hàn Quốc cũng có tuổi thơ như vậy.
Năm cô bé 6 tuổi, người mẹ đã gửi một bức ảnh cô bé tự hóa trang lên mạng. Ngay lập tức cô bé trở nên nổi tiếng với vẻ đẹp ngọt ngào. Bốn năm sau đó, người mẹ liên tục yêu cầu con gái trang điểm và phát sóng trực tiếp mỗi ngày để thu hút người xem. Với lượng truy cập lớn, lợi ích kinh tế mà mẹ cô bé nhận được là không nhỏ. Nhưng khi Eun-chae 10 tuổi, do tiếp xúc với nhiều mỹ phẩm, quá nhiều estrogen trong cơ thể dẫn đến dậy thì sớm. Chiều cao của cô bé luôn ở mức của một đứa trẻ 10 tuổi và hầu như không thể cao thêm được nữa.
Cha mẹ thực sự yêu con không bao giờ đánh đổi sức khỏe của đứa trẻ vì lợi ích trước mắt.
Chung Mỹ Mỹ, một cậu bé sinh năm 2007 từng làm mưa làm gió trên các diễn đàn tại Trung Quốc khi đóng vai người lớn hết sức tự nhiên. Cậu bé có thể hóa thân thành thầy giáo, lúc thì làm nhạc trưởng với những cử chỉ sống động, gây cười cho người xem. Sau khi nổi tiếng, thậm chí có công ty đã trả 1 triệu tệ (3,3 tỷ đồng) để mời được Chung Mỹ Mỹ làm gương mặt đại diện.
Thế nhưng yêu cầu này bị người mẹ phản đối. Người phụ nữ cho rằng, con trai cô chưa cần phải kiếm tiền vì chưa đủ tuổi. "Hãy đợi khi con trưởng thành vẫn chưa muộn", người mẹ này nói với con trai.
"Thật là thảm họa cho trẻ nếu vắt kiệt sức lao động của chúng khi còn nhỏ. Có thể gia đình sẽ thu được lợi ích kinh tế trước mắt nhưng sẽ có ngày cả đứa trẻ và bố mẹ phải trả giá về hành vi vi phạm quy luật tự nhiên", mẹ của Chung nêu quan điểm.
Điều khiến đứa trẻ cảm thấy mệt mỏi và đau khổ nhưng không thể nói được chính là sự bắt ép trái vô lý của cha mẹ.
"Bố mẹ đi làm mệt mỏi, tất cả là vì con đó..."
"Thật khó khăn để kiếm được đồng tiền, con có xứng đáng với bố mẹ với điểm số như thế này không?"...
Lúc đầu tôi cũng giống như nhiều cha mẹ khác, rất hay nói những điều tương tự với con mình cho đến khi nghe được câu chuyện từ một người bạn. Mười năm trước, bạn tôi đang học đại học và muốn mua một chiếc điện thoại di động. Thời đó, điện thoại đã trở nên phổ biến với sinh viên và đó không phải là một yêu cầu quá đáng. Nhưng khi gọi điện cho mẹ, lời nói của bà khiến cô đau lòng: "Được rồi, nếu con thực sự cần, mẹ sẽ bán máy giặt, thậm chí vay tiền để mua cho con".
Nghe xong, bạn tôi cảm thấy như có kim đâm vào tim, đau đến mức không biết nói gì. Trên thực tế, gia đình bạn tôi thuộc loại khá giả, nhưng mẹ cô ấy luôn thích nói những câu như vậy mỗi khi đưa tiền cho con cái. "Để chúng biết kiếm được đồng tiền khó khăn như nào", bà nói.
Bởi vậy, bạn tôi luôn mang tư tưởng mắc nợ với cha mẹ mình. Cách tốt nhất để kiểm soát một người là khiến anh ta cảm thấy tội lỗi. Nhiều cha mẹ biết được sự thật này và áp dụng nó để dạy dỗ con mình.
Điều tôi ngưỡng mộ ở những bậc cha mẹ đã phải trả giá rất nhiều cho con cái nhưng họ luôn tỏ ra điềm tĩnh trước mặt con trẻ. Cũng trong bộ phim "Lấy danh nghĩa người nhà", Lý Hải Triều rất tốt bụng khi nhận nuôi Hạ Tử Thu và Lăng Tiêu, nhưng ông không bao giờ lấy điều đó ra để đàn áp bọn trẻ. Dì của Hạ Tử Thu luôn cảm thấy cháu trai mình mắc nợ gia đình Lý, bởi vậy mỗi khi cô đến nhà thăm cháu, luôn yêu cầu cháu phải giặt quần áo, lau sàn... nhằm đền đáp công ơn nuôi dưỡng. Biết rằng Tử Thu cảm thấy mắc nợ mình, ông Lý đã nói chuyện riêng với cậu để biết rằng cậu không phải là một gánh nặng mà là một món quà từ thiên đường. Những người bố như Lý luôn đáng để con cái tôn trọng suốt đời.
Không có gì có thể khiến trẻ cảm thấy kinh hãi nếu không đánh đập hay mắng mỏ hơn câu này: "Nếu con không nghe lời, bố mẹ sẽ từ bỏ con!"
Nhiều bậc cha mẹ thích sử dụng câu này vì nó thực sự hiệu quả. Đứa trẻ vẫn còn đang khóc một giây trước có thể im lặng ngay lập tức khi nghe thấy điều này. Tuy nhiên, bố mẹ có biết câu nói này đã gieo vào con mình những hạt giống gì không? "Hóa ra tình yêu của bố mẹ là có điều kiện. Họ có thể từ bỏ tôi bất cứ lúc nào". Những đứa trẻ dù có mạnh mẽ và lạc quan đến đâu cũng không thể cưỡng lại được độ tàn sát của câu nói này.
Cha mẹ là nơi trú ẩn an toàn của tâm hồn con trẻ nhưng câu nói "Cha mẹ không muốn con nữa" lại có mức độ tàn sát ghê gớm. Làm cha mẹ không thể tránh khỏi những lúc chưa hoàn hảo, mắc sai lầm. Nhưng có thể lấy tình yêu thương và sự dịu dàng gieo hạt giống vào trái tim trẻ thơ và kiên nhẫn chờ đợi nó nảy mầm, nở hoa. Đối xử tốt với trẻ, không vì danh lợi, không vì ham muốn ích kỷ mà để trẻ có được khoảng thời gian trong sáng thực sự thuộc về chúng.
"Con yêu, cảm ơn vì con đã là con của mẹ", hãy luôn nói câu này với trẻ mỗi ngày.
Bài viết của tác giả Trương Thư Nguyện được đăng tải trên một diễn đàn dành cho cha mẹ tại Trung Quốc.
Hải Hiền (Theo sohu)