Trang thống kê tài chính 24/7 Wall Street tuần trước tổng hợp dữ liệu tài chính được 100 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC). Ngoài doanh thu tập đoàn và mức lương CEO, tỷ lệ tiền lương giữa CEO và nhân viên bình thường cũng được thống kê với SEC.
Mức lương trung bình hàng năm của các CEO hàng đầu Mỹ trong năm qua vào khoảng 14,5 triệu USD, phần lớn làm việc trong ngành công nghệ hoặc dịch vụ tài chính.
CEO không nhận tiền lương như người bình thường mà được trả công bằng những gói thu nhập với lựa chọn cổ phần trong tập đoàn và nhiều phương án tặng thưởng dựa trên thành tích điều hành. Mức lương cơ bản của những người trong danh sách này không vượt quá 1,5 triệu USD.
6 trong 25 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ năm 2020 làm trong ngành công nghệ, trong đó, ba người nắm giữ vị trí cao nhất danh sách.
1. Mark Zuckerberg (Facebook)
Thu nhập: 23.415.973 USD
Doanh thu công ty: 70,7 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 94 lần nhân viên
Mức lương chính thức của Mark Zuckerberg tại Facebook chỉ là một USD. Tuy nhiên, ông được trả hơn 23,4 triệu USD trong năm qua thông qua nhiều hình thức đền bù. Hiện tại, tiền lương của Zuckerberg chỉ cao gấp 94 lần nhân viên bình thường trong Facebook, trong khi các CEO khác trong danh sách của 24/7 Wall Street cao gấp hàng trăm lần nhân viên của họ.
Zuckerberg đồng sáng lập Facebook năm 2004 và đã lãnh đạo tập đoàn từ đó, biến nó từ nền tảng liên lạc với bạn học ở Harvard thành mạng xã hội khổng lồ toàn cầu với trị giá nhiều tỷ USD. Facebook đang đối mặt với những đơn kiện độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và tổng chưởng lý tại 48 bang, vùng lãnh thổ đưa ra. Đơn kiện đặt mục tiêu là chia tách Facebook, cho rằng tập đoàn này đã lợi dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực mạng xã hội và thực hiện những động thái chống cạnh tranh, gây hại cho người dùng.
2. Charles Robbins (Cisco Systems)
Thu nhập: 25.829.833 USD
Doanh thu công ty: 49,3 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 182 lần nhân viên
Robbins đã gắn bó với Cisco System từ tháng 7/2015. Mức lương của ông tăng trong năm 2020, nhưng lại giảm hơn 50% về tiền thưởng trong bối cảnh doanh thu Cisco giảm 5% so với một năm trước đó.
3. Brian Roberts (Comcast)
Thu nhập: 28.809.952 USD
Doanh thu công ty: 108,9 tỷ USD
Tỷ lệ lương: gấp 461 lần nhân viên
Comcast được sáng lập bởi cha của Roberts. Bản thân ông bắt đầu thực tập tại đây từ năm 15 tuổi. Tập đoàn này đã lớn mạnh đáng kể dưới thời Brian L. Roberts thông qua các thương vụ mua lại NBCUniversal, DreamWorks và Sky.
3. Satya Nadella (Microsoft)
Thu nhập: 42.910.215 USD
Doanh thu công ty: 143 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 249 lần nhân viên
Nadella gia nhập Microsoft năm 1992 và được bổ nhiệm làm CEO năm 2014. Mức lương của ông đã tăng 66% so với năm trước và xếp thứ 3 trong số 100 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Phần lớn con số này nằm ở cổ phần, cổ phiếu Microsoft đã tăng giá gấp đôi trong vòng hai năm qua.
2. Robert Swan (Intel)
- Thu nhập: 66.935.100 USD
- Doanh thu công ty: 72 tỷ USD
- Tỷ lệ lương: Gấp 695 lần nhân viên
Robert Swan là CEO được trả lương cao thứ hai tại Mỹ. Ngoài mức lương cơ bản 1,2 triệu USD, ông còn được trả cổ phần trị giá 62 triệu USD và 3,7 triệu USD thưởng.
Swan trở thành giám đốc điều hành Intel vào tháng 1/2019, sau 7 tháng làm CEO lâm thời và trước đó là giám đốc tài chính tập đoàn. Giá cổ phiếu của Intel dưới thời Swan khá biến động, dù giá trị công ty đã tăng 4% và liên tục đạt hoặc vượt dự báo về doanh thu.
1. Sundar Pichai (Alphabet)
- Thu nhập: 280.621.552 USD
- Doanh thu công ty: 161,9 tỷ USD
- Tỷ lệ lương: Gấp 1.085 lần nhân viên
Với tư cách là CEO tập đoàn mẹ của Google, Sundar Pichai là CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Phần lớn số tiền này nằm ở cổ phiếu liên quan tới đợt thăng chức gần đây của ông.
Pichai giữ chức CEO Google từ năm 2015 và được bổ nhiệm làm CEO Alphabet vào tháng 12/2019. Mức lương cơ bản của ông là 650.000 USD, so với mức một USD của Larry Page, CEO tiền nhiệm và cũng là người sáng lập tập đoàn. Google cũng đang đối mặt hàng loạt vụ kiện chống độc quyền, trong đó một vụ kiện đến từ hơn 40 bang và vùng lãnh thổ, cáo buộc tập đoàn này chiếm thế độc quyền trái phép về tìm kiếm trên mạng Internet.
Điệp Anh (theo USA Today)