Khác với những cây bonsai phổ biến như sanh, khế, thông, si - bộ rễ vốn đã tự nhiên trồi lên mặt đất - quất là loài nhạy cảm, vốn phải giấu kín rễ trong đất, không chịu được nắng, gió, mưa.
Do vậy, khi hoàn tất công đoạn tạo dáng, những cây quất cảnh lộ rễ trong vườn anh Nguyễn Xuân Lộc (50 tuổi, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) gần như đã trải qua những trạng thái khắc nghiệt nhất.
"Khoảng năm 2005, tôi đã nghiên cứu trồng quất rễ lộ thiên, nhưng đặt dưới đất thấy không đẹp nên đã dành thêm 3 năm để bứng cây lên chậu", anh Lộc - người chuyên thiết kế cảnh quan cho những khu đô thị ở Hà Nội - chia sẻ.
Có những cây tuổi đời hơn 30 năm, anh Lộc mất nửa thời gian đó để chăm sóc cho ra rễ nổi. Hầu hết các cây đều chỉ cao 50 cm, rễ to tới nỗi khó phân biệt được đâu là rễ, đâu là thân cây, có cây rễ dài đến 70-80 cm.
Trồng càng lâu, những khóm rễ dần nở to ra, như những cây cổ thụ bonsai.
Cây nuôi hơn 5 năm đã có thể bán cho khách, nhưng chỉ một tuần vắng chủ, cây đã chết vì "thiếu ăn", nên anh Lộc rút kinh nghiệm chỉ bán những cây đã rất khỏe mạnh.
"Đến đây là tôi mua rễ cây chứ không phải mua cây. Rễ cây này trồi lên mặt đất thể hiện sự nỗ lực rất lớn, rất có ý nghĩa mà còn chơi được lâu. Chắc chắn khách vào nhà sẽ không thể không tò mò", chị Nguyễn Thị Hậu, người đi từ Lào Cai xuống mua cây với giá 10 triệu, cho biết.
Hiện tại, một cây quất có rễ lộ thiên với kích thước để bàn có giá thấp nhất một triệu đồng, gấp 10 lần so với những cây quất thường. Anh Lộc đã tự tay chăm được gần 100 chậu.
Anh cho biết, "trong tương lai, tôi sẽ cho ra mắt nhiều tác phẩm độc đáo hơn. Không dừng lại ở việc cây đẹp, mà còn phù hợp với đại đa số người tiêu dùng".
Trọng Nghĩa