Chiều 25/3, VnExpress có mặt tại cầu Dậu, hàng chục xe tải từ đường Kim Giang nườm nượm nối đuôi nhau rẽ sang Linh Đàm. Mỗi lần bánh xe chạm mặt, cây cầu rung lên bần bật, từng mảng bê tông nứt nẻ.
Chị Nguyễn Thị Bích Thùy, tổ 12, Kim Giang nhận xét, chưa có con đường nào như ở đây. Người dân ở khu vực này rất ngại mỗi khi đi qua cầu, chỉ sợ không may cầu sập xuống.
![]() |
Cầu Dậu gồng mình gánh xe tải hạng nặng. Ảnh: Tuấn Anh. |
Cách cầu Dậu một km là cầu Tó. Nằm giữa ngã ba Phan Trọng Tuệ - Kim Giang dài khoảng 20 m, rộng chưa đầy 2 m, bắc qua sông Tô Lịch, đây là nỗi kinh hoàng của cánh lái xe.
Mặc dù không phải là tuyến huyết mạch nhưng qua đây có thể đến Văn Điển và thành phố Hà Đông cho nên dù nhỏ, ọp ẹp vẫn luôn có hàng chục ôtô, xe tải xếp hàng chờ qua. Lòng cầu hẹp chỉ đủ cho một ôtô đi qua, cảnh tắc đường vì thế cũng xảy ra thường xuyên.
Để tăng sức chịu tải cho cầu Dậu, người ta đã kê lên trên bề mặt những tấm thép. Mỗi lần ôtô hay xe máy chạm mặt cầu đều phát ra những âm thanh chói tai. Phần đường dành cho xe máy võng xuống thành hình cung tên, khiến cho nhiều người tay lái yếu không dám qua.
Anh Văn Toàn, tài xế xe tải, cho biết, từ Văn Điển sang Hà Đông nếu qua tuyến đường này sẽ giảm được gần 10 km đường cho nên biết là cầu xập xệ, hay tắc đường nhưng nhiều tài xế vẫn chấp nhận.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 - đơn vị quản lý cầu Tó, trung bình mỗi ngày có 3.000-4.000 lượt ôtô chạy qua. Đơn vị này đã phân luồng cấm xe có tải trọng trên 3,5 tấn, xe khách (trừ xe buýt) không được qua cầu Tó theo hướng Văn Điển - Hà Đông, buộc các phương tiện này phải đi qua cầu Dậu. Nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm xe tải trọng trên 5 tấn đi qua cây cầu này.
Một cán bộ Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 cho biết, ý thức chấp hành của lái xe rất kém. Trong khi đó, việc xử phạt lại do các đơn vị thanh tra giao thông công chính và công an cho nên không phải lúc nào biển cấm cũng được tôn trọng. Đơn vị đã nhiều lần báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về trình trạng xuống cấp của cầu nhưng chưa được giải quyết.
![]() |
Cầu Tó có thể sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Tuấn Anh. |
Tình trạng những cây cầu "lên lão" khá phổ biến ở Hà Nội. Hiện toàn thành phố có 32 cây cầu hư hỏng nặng. Trong đó, hơn 10 cầu nằm trong diện cần cải tạo gấp. Tuy nhiên, trong kế hoạch bảo đảm trật tự, ùn tắc giao thông 2008 của thành phố chỉ dừng lại ở việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp cầu Tó, Bươu. Các cầu khác sẽ tiếp tục kiểm định đánh giá hiện trạng.
Trao đổi với VnExpress, một cán bộ Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị Sở Giao thông công chính, cho biết, trong số hơn 70 cây cầu đơn vị đang trực tiếp quản lý có hơn 30 phải cắm biển hạn chế tải trọng. Trước đây khi thiết kế cầu chỉ cho phép cho xe có tải trọng 10 tấn nhưng trên thực tế nhiều xe có tải trọng lớn hơn vẫn đi qua.
Theo vị cán bộ này, trước tình trạng một số cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng, thành phố đã giao Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị trong năm 2008 phải lập dự án xây dựng mới một số cây cầu yếu.
"Để xây dựng một cây cầu mới phải có khảo sát, điều tra, lập kế hoạch, ứng vốn... Vì thế mới có chuyện có nhiều công trình phải nhiều năm mới làm được", vị cán bộ này nói.
Danh sách những cây cầu yếu ở Hà Nội Khương Đình, Lủ, Khỉ (Hoàng Mai), Dậu, Tó, Bươu (Thanh Trì), Triền, Ngà, Đăm, Trại Gà, Xuân Đỉnh, Thủy Lợi (Từ Liêm), Vàng, Kiêu Kỵ, Thủy Lợi (Gia Lâm), Phương Trạch (Đông Anh), Tú Tạo (Sóc Sơn), Mọc, Trắng, Thái Thịnh, Thái Hà (Đống Đa), Đôi, Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy), Lạc Trung (Hai Bà Trưng). |
Xuân Tùng - Tuấn Anh