Mai Sơn -
Có lẽ đã lâu lắm rồi mới có một tâp thơ lạ lẫm và... khó hiểu như thế này xuất hiện tại Việt Nam. Gần trọn tập thơ 50 bài là một khối ngôn từ văn xuôi tráng lệ và đầy ẩn mật. Rất ít bài có thể đi thẳng vào vùng cảm thụ của người đọc một cách tự nhiên mà không cần đến lý giải. Rõ ràng nó thách thức lối đọc thơ truyền thống.
Bìa tập thơ của Như Huy, NXB Hội Nhà Văn & Công ty sách Bách Việt, 2008. |
Trên tất cả, Những câu phức là những mảnh bi kịch của kẻ bị đè bẹp bởi việc nắm giữ ngôn ngữ và sự bất lực của ngôn ngữ. Trong bài thơ Cá nhân, sự từ chối ngôn ngữ và chức năng của nó đã gần như là chủ đề của tập thơ: ngôn ngữ, thay vì nắm bắt, chỉ là hư vô hóa hay làm nhoè đi một sự vật gì đó. Anh không phải là một nhà cách tân / Anh không phải... / Anh không phải...
Như người ta thường nói, nếu con rít mà cứ lo đếm chân của mình, nó không đời nào bò đi được. Ngôn ngữ của nhà thơ cũng có thể coi là "chân của con rít", hay nói cách khác, ngôn ngữ là yếu tính của thơ, là xung động của thơ. Nhà thơ thường không hề truy vấn nó, vì mặc nhiên thấy nó là một với mình trong những lúc có thi hứng, trong những lúc ý tưởng hình ảnh ùa về làm thành câu thơ, bài thơ; nếu truy vấn cặn kẽ ngôn ngữ chắc thơ anh ta không thể tiến lên được... một câu. Vậy mà ở đây, trong Những câu phức, Như Huy đã làm công việc lạ lùng và nguy hiểm đó, tức là truy vấn bản chất của ngôn ngữ, truy vấn yếu tính của thơ. Tuy nhiên cùng lúc đó, thơ vẫn xuất hiện, vẫn trôi chảy. Đó là thành công của Như Huy.
Dĩ nhiên, đã động đến cốt lõi của ngôn ngữ, là động đến triết học. Như Huy diễn đạt điều đó một cách khái quát: Không thể nói (về tình yêu) được, nhưng im lặng cũng không xong (Thơ tình 2) vì ngôn ngữ là sự mong manh và hiểm nguy của tồn tại nơi lề giữa... (Ngôn ngữ là...)
Hắn sợ những từ đã không còn thuần khiết nữa, những từ bị tầng tầng lớp lớp hiện thực làm cho cũ mèm đi, không còn đủ năng lực trình hiện (represent) một thực tại trinh bạch nào, vì : ngôn ngữ là những lát cắt chéo vào hiện thực.../ là một thùng sơn sánh đổ từ từ lên lụa phẳng / là những tiếp cận gián tiếp vào chủ đề... Hắn đi tìm những chữ thuần túy (Chữ thuần túy và 9 từ) và chính trong hành trình ngược đời này, hắn trở thành thi sĩ. Khi tìm ra chữ "Nhẫu" hắn đồng thời tìm ra một bóng soi, một vò nát,một cũ kỹ đã qua, một tiếng khẽ trong khuya, một chiếc tai của ai đang nhai; với chữ "Mênh", hắn thấy: Đó là một âm, một loang lổ xa, một khe khép giữa hai bờ múi, một nhẹ hẫng nổi nênh và luênh luênh, một phiêu mênh mang.
Nhưng không chỉ trong động thái ngoảnh mặt với thực tại bị ngôn ngữ vây bủa hắn tìm ra niềm an ủi của kẻ làm thơ, mà trong khi chiêm nghiệm "sự bất lực của ngôn ngữ", hắn cũng "vô tình" để lại một nỗi niềm thật thi sĩ qua một bài thơ thật hay:
Một trong những sự bất lực của ngôn ngữ là việc nó không thể nào - giống như bầu trời xanh thẳm kia, mặt gương trong veo kia, các đồ vật ngổn ngang kia, bóng đêm rậm đặc kia, tiếng hát khan đục kia, giọng chim hót xôn xao kia, chuỗi cười giòn tan kia, ban mai mưa âm u kia, đôi môi đang vươn lên kia...
Đột-Nhiên-Im-Lặng-Không-Để-Lại-Dấu-Vết.
(Sự bất lực của ngôn ngữ)
Không thể nói rằng Như Huy không có tham vọng đặt vấn đề về một khía cạnh thiết yếu của thơ như một nhà lý thuyết. Và sự mạch lạc, khúc chiết trong lý tính của tác giả đủ để quyến rũ những trí óc tò mò. Nhưng song song đó, như đã nói trên, đây là một tập thơ có giá trị xét như, khi "bàn" đến những vấn đề triết học- tư tưởng, nó vẫn chăm chút vẽ được những hình tượng nghệ thuật làm rung động tâm hồn. Và như thế, theo thiển ý, là một đóng góp mới cho thơ Việt Nam đương đại.
Như Huy (tức Nguyễn Như Huy) sinh năm 1971 ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM năm 1997. Với tư cách nghệ sĩ thị giác, Như Huy có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong vài ngoài nước. Anh là tác giả của nhiều bài viết và dịch thuật về các vấn đề của nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại... trên nhiều báo, tạp chí uy tín trong nước. Như Huy còn là một nhạc sĩ. |