1. "Lờ nó đi là được"
Câu nói này khiến con cảm thấy bị bỏ rơi và cô lập, không có ai để nương tựa. Nếu chỉ cần quay mặt đi là có thể ngăn chặn được kẻ bắt nạt thì sẽ chẳng có cuộc nói chuyện nào về vấn đề này giữa bố mẹ và con cái.
Bố mẹ có thể khuyến khích con tìm cách giảm thiểu việc tiếp xúc với kẻ bắt nạt nhưng về lâu dài đây không phải là giải pháp tốt. Cố gắng bỏ qua những lời chế nhạo và tấn công không ngừng có thể khiến con bạn tiếp nhận một cách vô thức những thông điệp thóa mạ của kẻ bắt nạt.
Thay vì câu nói gây tổn thương kia, bạn nên nói: "Bố mẹ luôn ở đây để bảo vệ con". Câu nói này sẽ khiến con cảm thấy an tâm và được che chở.
2. "Cứng rắn lên"
Khi con bị bắt nạt, nhiều bố mẹ thường bảo phải "cứng rắn lên", trấn áp nỗi sợ hãi và các cảm xúc tiêu cực xuống. Tuy nhiên, câu nói này không chỉ vô tích sự mà còn có thể thúc đẩy bạo lực, gây ảnh hưởng đến cảm xúc của con.
Bắt con trấn áp cảm xúc xuống có thể khiến chúng rơi vào trạng thái lo lắng hoặc trầm cảm.
3. "Con nhạy cảm quá rồi đấy"
Trẻ thường khó mở lòng với bố mẹ về chuyện bắt nạt. Và khi chúng cố hết sức để kể lại trải nghiệm tồi tệ của mình mà bố mẹ lại nói vậy thì chẳng khác nào tạt một gáo nước lạnh. Khi bạn nói con quá nhạy cảm, hoặc đang phóng đại sự việc, chắc chắn lần sau chúng sẽ không kể bất kỳ vấn đề tương tự nào cho bạn nữa.
4. "Con nên tự giải quyết"
Nhiều cha mẹ muốn nuôi dạy con theo cách trưởng thành và tự lập. Vì vậy khi con bị bắt nạt, họ muốn con tự giải quyết. Nhưng nếu chúng có thể tự giải quyết được thì đã làm rồi và không nói với bạn.
Một khi con đã nói chuyện với bố mẹ về việc bắt nạt nghĩa là chúng đang thật sự cần giúp đỡ. Bạn hãy quên tư tưởng tự lập đi và giúp con vượt qua trải nghiệm đen tối này.
5. "Ở tuổi con đều sẽ trải qua chuyện này"
Chuyện bắt nạt ở trường học có thể phổ biến, nhưng không có nghĩa phải chấp nhận và coi đó là một phần tất yếu của sự trưởng thành.
Sự bắt nạt gây tổn thương cả về thể xác và tâm lý. Khi nhún vai cho đó là chuyện thông thường, bạn đã bỏ qua cảm giác con bạn phải chịu đựng và chỉ khiến con tồi tệ hơn.
6. "Hãy đứng lên vì bản thân con"
Sự quyết đoán là kỹ năng mạnh mẽ mà nhiều phụ huynh muốn dạy con, dù cho chúng có bị bắt nạt hay không. Nhưng thực tế ngay cả đứa trẻ quyết đoán cũng phải vật lộn để đối đầu với một kẻ bắt nạt. Vậy nên, câu nói này là không đủ.
Những kẻ bắt nạt luôn có đồng minh và việc đứng lên vì bản thân sẽ khó khăn. Trường hợp này, bắt con đối mặt với kẻ bắt nạt mà không có sự chuẩn bị nào có thể gây hại nhiều hơn lợi.
7. "Đánh lại nó"
Không phải lúc nào bạo lực cũng giải quyết được vấn đề và một kẻ bắt nạt chẳng dại gì lại đi gây sự với kẻ mạnh hơn mình về thể chất. Không chỉ vậy, kẻ bắt nạt thường luôn có phe cánh, đồng minh. Một khi con bạn đánh trả và thua cuộc, sẽ có thêm những kẻ bắt nạt khác dòm ngó chúng.
Thay vì khuyên con dùng bạo lực, bố mẹ nên cùng ngồi xuống với con để nghĩ ra cách giải quyết hợp lý nhất.
Thanh Hương (Theo Huffpost)