7 mẫu câu nên nói
1. Con nghĩ thế nào? Quyền được quyết định là rất quan trọng, đặc biệt đối với một đứa trẻ vị thành niên. Việc được bố mẹ hỏi ý kiến khiến trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và quan tâm, kể cả khi bố mẹ không làm theo tất cả những gì trẻ nói.
2. Bố mẹ rất vui vì có con. Phụ huynh hãy nhớ rằng trẻ em lớn lên thông qua sự bao bọc, bảo vệ của người lớn cho đến khi trưởng thành. Trong thời thơ ấu, hãy để cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Cha mẹ nên đánh giá cao những thành tích mà trẻ đạt được, dù là lớn hay nhỏ.
3. Con có muốn bố/mẹ ôm không? Trong quá trình trưởng thành của mình, trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn và đôi khi có cả những đau buồn khiến chúng khóc hết nước mắt (ví như khi làm vỡ chiếc iPad). Đó là những thời điểm mà trẻ dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm. Trong những thời điểm đó, thậm chí bạn không cần hỏi điều gì mà hãy ôm con vào lòng.
4. Bố mẹ tin con. Sự tin tưởng không phải là để nói chơi. Một khi bạn đã hướng dẫn hay giao cho trẻ làm một việc gì đó, hãy nói ra 3 tiếng này để khích lệ trẻ.
5. Bố mẹ tự hào về con. Việc khuyến khích trẻ có thể giúp thắt chặt hơn mối liên kết giữa con cái và cha mẹ. Hãy để trẻ biết bạn tự hào về con người mà bé đang cố gắng trở thành như thế nào.
6. Con thật dễ thương/đáng yêu. Dễ thương là từ rất có ý nghĩa với tất cả trẻ em, nó sẽ thúc đẩy sự tự tin của trẻ, giúp trẻ dễ dàng cởi mở với bố mẹ hơn, nghe lời bố mẹ hơn…
7. Mẹ yêu con. Yêu là một từ có quyền lực vô hạn đối với người bạn đời của bạn nhưng bạn cũng có thể dùng nó để nói với con cái của mình trong những trường hợp đặc biệt. Nó khiến con bạn hạnh phúc hơn và gần gũi với bạn hơn.
7 mẫu câu không nên nói
1. Tại sao con không thể giống bạn A, B, C…? Rất nhiều trường hợp trẻ em tự tử do áp lực từ bạn bè và cha mẹ. Cha mẹ hãy ngừng ngay những câu so sánh như thế này.
2. Con luôn làm như thế. Điều bạn cần làm ngay bây giờ là hãy dừng việc la mắng con vì những lỗi nhỏ nhặt. Đừng quá cầu toàn, dù sao con bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ.
3. Mẹ đã nói với con rồi mà… Khi bé gặp rắc rối do cố tình làm một việc gì mà trước đó bạn đã không đồng ý, bạn tưởng “Mẹ đã nói rồi mà” là câu tuyệt vời để bé “tỉnh ngộ” và nhận ra sai lầm của mình, thực tế nó chỉ khiến tình hình xấu hơn mà thôi. Bé có thể tiếp tục vẫn làm những điều bị cấm đoán hoặc chẳng dám làm gì cả và trở nên nhút nhát.
4. Bởi vì mẹ đã nói thế (nên con phải nghe mẹ). Câu này đã cướp của con bạn nhiều quyền tự chủ cần thiết và có thể để đẩy đứa trẻ làm những việc tồi tệ hơn trong sự tức giận và chống đối.
5. Đừng lo lắng. Điều này có vẻ không hợp lý nhưng đây chính là một sai lầm lớn nhất của phụ huynh. Nghe câu “Đừng lo lắng” khiến trẻ có cảm giác rằng cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc và những lo lắng của trẻ. Trong những tình huống như thế này, cha mẹ hãy tỏ ra quan tâm đến trẻ hơn và có cách tiếp cận tích cực hơn.
6. Đừng làm như thế. Mỗi cá nhân có một phong cách làm việc hay xử lý tình huống khác nhau. Vì vậy nếu trẻ làm một việc theo cách khác bạn vẫn làm nhưng vẫn đảm bảo an toàn thì bạn cứ để cho trẻ làm.
7. Đừng chơi với bạn A, B, C... Bạn bè có ý nghĩa rất quan trọng đối với trẻ vị thành niên. Buộc trẻ phải kết bạn với một nhóm nhất định có thể khiến suy nghĩ của trẻ bị thu hẹp và hoặc khiến trẻ ngày càng rời xa những lời bạn nói. Tuy nhiên, nếu bạn chắc chắn trẻ đã sai lầm khi kết bạn với một ai đó, cần nói rõ việc kết bạn với những người như thế có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ như thế nào. Có thể lấy một vài trường hợp cụ thể làm ví dụ.
Kim Kim (Theo Medindia.net)