Chiều 19/1, người Hà Nội phát hiện xác rùa hồ Gươm nổi phía đường Lê Thái Tổ, sau đó rùa được đưa về Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam để làm tiêu bản. Không chỉ có ý nghĩa khoa học, rùa Hồ Gươm trở thành biểu tượng trong đời sống tinh thần của người Hà Nội và đến nay nhiều câu hỏi về loài này vẫn chưa có lời giải đáp.
Rùa hồ Gươm đến từ đâu
Nhiều nhà khoa học cho rằng, trước đây hồ Gươm và hồ Tây là nhánh của sông Hồng - nơi phân bố của loài rùa Hoàn Kiếm. Sau này do quá trình đô thị, con người lấp đường chảy ra sông Hồng nên mới có hồ như ngày nay. Vì vậy, theo các chuyên gia có thể tìm kiếm cá thể cùng loài ở khu vực sông hồ Thanh Hóa, các tỉnh miền Trung và vùng núi trung du phía Bắc.
Trong khi đó, theo ông Hà Đình Đức, rùa hồ Gươm có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh (Thanh Hóa), quê hương của Lê Lợi và được vua Lê thả vào hồ Gươm. Vì vậy rùa hồ Gươm gắn với truyền thuyết và mang ý nghĩa tâm linh lớn.
Rùa hồ Gươm có họ hàng không
Theo tài liệu của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, thế giới ghi nhận còn 4 con rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học là Rafetus swinhoei). Trong đó, Việt Nam có 2 cá thể, một sống ở hồ Gươm và một ở hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), hai con còn lại ở Trung Quốc. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cũng xác định con rùa mai mềm lớn ở Đồng Mô thuộc loài rùa Hoàn Kiếm.
Một nhóm nghiên cứu của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng đưa ra kết luận trên. Nhóm này cho biết, loài Rafetus swinhoei được phân bố tại Phú Thọ (Hạ Hòa), Hà Nội (hồ Gươm), Hà Tây (Bằng Tạ), Hòa Bình (Lương Sơn), Thanh Hóa (sông Mã) với trọng lượng từ 24 đến 175 kg.
Còn PGS Hà Đình Đức, người có hơn 20 năm nghiên cứu rùa ở hồ Gươm khẳng định đây là loài hoàn toàn mới (Rafetus leloii), không giống bất cứ rùa nào đã được biết đến.
Có bao nhiêu cá thể rùa
Năm 2011, thời điểm nạo vét hồ Gươm và chữa bệnh cho rùa, thông tin trong hồ còn nhiều cá thể khiến người dân vui mừng về khả năng nhân giống cũng như tìm hậu duệ cho loài rùa mai mềm khổng lồ này. Thầy giáo về hưu Lưu Đức Ngò, người theo dõi rùa hồ Gươm gần 10 năm cho biết trong hồ có tới 5 cá thể.
Còn thành viên đội lai dắt rùa lên cạn để dưỡng thương trong đợt khám bệnh kéo dài ba tháng cho biết đã thấy cá thể rùa thứ hai trong hồ.
Tuy nhiên, PGS Hà Đình Đức khẳng định, trong hồ Gươm chỉ có một con rùa và hiện đã chết. "Hồ Gươm từng có 4 con sinh sống, trong đó 3 con chết được trưng bày tiêu bản ở đền Ngọc Sơn, một bộ xương lưu giữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một con khác đã mất năm 1967", ông Đức nói.
Tuổi và giới tính của rùa hồ Gươm
Rùa hồ Gươm đến nay bao nhiêu tuổi vẫn đang là câu hỏi băn khoăn của nhiều nhà khoa học và người dân. Có người cho rằng rùa đã 700 tuổi, nhưng có thông tin chỉ hơn 100.
Trong lần đưa rùa lên chữa bệnh năm 2011, lần đầu tiên tổ y tế đã xác định trọng lượng của rùa là 169 kg, dài 2,08 m, rộng 1,08 m. Theo TS Bùi Quang Tề, thành viên nhóm chữa bệnh ước tính, rùa trên dưới 200 tuổi.
"Rùa hồ Gươm có thể được xếp là một trong cá thể rùa sống lâu nhất thế giới. Hiện con sống lâu nhất được ghi nhận là 180 năm", tiến sĩ Tề nói. Một số chuyên gia khác cho rằng, rùa hồ Gươm khoảng 160-170 tuổi.
Về giới tính, các nhà khoa học chưa công bố chính xác rùa hồ Gươm là đực hay cái. Căn cứ vào đặc điểm đuôi, màu da, kết quả ADN, nhóm nghiên cứu từng khẳng định rùa hồ Gươm là giống cái.
Rùa hồ Gươm trong lần nổi lên vào năm 2012
Phạm Hương