Vận tốc tàu bao nhiêu?
Một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn là vận tốc con tàu có vượt quá thiết kế hay không. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết tàu cao tốc Phương Đông 05 có tốc độ thiết kế 37 km/h, tương đương 20 hải lý/h.
Do thiết bị ghi nhận tốc độ AIS trên tàu bị tắt từ tháng 12/2020 nên cơ quan chức năng chưa thể công bố chính xác vận tốc tàu lúc gặp nạn. Tuy nhiên, căn cứ giấy phép rời bến, thời điểm tàu lật và quãng đường tàu đã đi, vận tốc trung bình tàu có thể tính được. Đây là cách tương đối để xem xét tàu chạy nhanh chậm thế nào.
Giấy phép do Ban quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm cấp ghi rõ tàu Phương Đông 05 rời bến lúc 13h45 ngày 26/2. Thời điểm tàu gặp nạn theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là 14h05, tức tàu chạy được 20 phút thì lật.
Cù Lao Chàm cách Cửa Đại 15,7 km, tàu phải đi theo luồng lạch nên tổng quãng đường khoảng 18 km. Lúc bị lật, tàu cách cảng Cửa Đại chừng 3 km, tức quãng đường đã đi là khoảng 16 km. Như vậy, trong 20 phút trên biển, tàu đã chạy với vận tốc trung bình 48 km/h (16:1/3).
Vận tốc này có phần phù hợp với lý giải của thuyền trưởng Lê Sen. Ông nói trước khi lật, tàu Phương Đông 05 chạy khoảng 40-45 km/h, vào gần bờ ông giảm còn 30 km/h.
Trao đổi với VnExpress ngày 3/3, đại diện Công an tỉnh Quảng Nam cho biết tàu chạy khoảng 32 km/h. Vậy chính xác tàu chạy với vận tốc bao nhiêu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Đăng kiểm có bỏ lọt thiết bị AIS?
Tàu Phương Đông 05 được đóng mới năm 2016, tiêu chuẩn SI, là tàu composit mui hở, công suất chứa 35 khách, hoạt động ở vùng IV (sông, hồ, đầm, vịnh kín). Năm 2019, tàu được nâng cấp thành tiêu chuẩn SB với khoang chứa khách kín, sức chở tối đa 35 khách và 3 thuyền viên, công suất máy chính 400 CV, hoạt động ở vùng sông biển cách bờ không quá 12 hải lý.
Tàu được trang bị AIS và các thiết bị vô tuyến điện. Đây là các thiết bị quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, xác định vị trí, hướng đi, tốc độ của tàu khi xảy ra tai nạn.
Theo cơ quan đăng kiểm, tàu Phương Đông 05 hoàn toàn đủ điều kiện hoạt động trong vùng biển SB. Lần đăng kiểm gần nhất vào ngày 19/1/2022, có hạn kiểm định đến ngày 19/1/2023.
Sau tai nạn, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xác định tàu Phương Đông 05 đã tắt thiết bị ghi nhận tốc độ AIS từ ngày 4/12/2020, từ đó tới lúc nay không có thông tin. Điều này là trái quy định bởi Thông tư 17/2018 nêu rõ chủ tàu, chủ phương tiện và thuyền trưởng có trách nhiệm duy trì hoạt động của thiết bị AIS theo chế độ 24h/7 để truyền phát bản tin AIS.
Câu hỏi đặt ra tại sao thiết bị AIS không hoạt động nhưng tàu vẫn được đăng kiểm?
Cấp độ gió cấp 2 hay cấp 5-6?
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam lúc 4h ngày 26/2 phát cảnh báo trong 24 giờ tới, vùng biển Quảng Nam gió đông bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp trên cấp 6. Tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống 4-10 km trong mưa, sóng biển cao 1,5-2,5 m, biển động. Cơ quan khí tượng đề nghị thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển này có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.
Căn cứ theo dự báo này, tàu Phương Đông 05 không được xuất bến, bởi tàu tiêu chuẩn SB chỉ được hoạt động trong điều kiện gió không quá cấp 5. Với điều kiện thời tiết được dự báo có nơi gió cấp 6, giật trên cấp 6, đơn vị quản lý bến cần dừng cấp phép hoạt động cho tàu để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, tàu vẫn được xuất bến. "Hậu quả là sóng lớn đập vào mạn trái gây vỡ tàu, nước tràn vào làm lật úp khiến 17 du khách tử vong", theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra.
Giải thích cho việc này, trong cuộc họp báo chiều 1/3, đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, nói việc cấp phép căn cứ dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh. "Theo dự báo, ngày 25-26/2 biển Hội An có gió đông bắc cường độ 2-3 m/s (gió cấp 2). Với cường độ này thì gió nhẹ, không ảnh hưởng tàu thuyền trên biển. Ở mức 8-10 m/s mới gọi là biển động nhẹ", ông Nam nói.
Như vậy dự báo cơ quan khí tượng và phát biểu của ông Nam chênh nhau về cấp độ gió. Sự mâu thuẫn này chưa được cơ quan chức năng lý giải.
Trách nhiệm quản lý bến cảng
Quá trình tìm nguyên nhân vụ tai nạn, cơ quan chức năng chỉ ra năm 2009 Bộ Giao thông Vận tải ủy quyền cho Quảng Nam quản lý bến Cửa Đại và Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, Quảng Nam chưa có tổ chức cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc để thực hiện công tác quản lý cảng, bến.
Hiện Đội Quản lý bến thủy nội địa, thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, cấp phép cho tàu rời bến Cửa Đại; ở đầu bến Cù Lao Chàm được thực hiện bởi Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm (thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An).
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam có chức năng kiểm tra, giám sát, nay lại thêm việc cấp phép rời bến, việc này theo đánh giá của giới chuyên môn là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Việc cấp phép tàu cao tốc chuẩn SB xuất bến ở Cù Lao Chàm được giao cho một đơn vị cấp xã cũng được cho là không đủ thẩm quyền cũng như khả năng chuyên môn.
Thiết kế tàu cao tốc liệu đã phù hợp?
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An, cho biết trước đây tàu tiêu chuẩn SI mui hở chở khách ra Cù Lao Chàm xảy ra một số vụ tai nạn nhưng không chết người. Từ khi cải hoán sang chuẩn SB, tàu chạy nhanh hơn, khách không bị ướt, nhưng lại khó khăn trong cứu hộ. Chưa bao giờ Quảng Nam xảy ra vụ tàu cao tốc chìm với số người tử vong cao như lần này.
Giải thích việc này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, tàu khách cao tốc hoạt động trên biển phải kín, bởi nếu hở thì trong điều kiện sóng, gió, nước tạt mạnh sẽ tràn vào khoang khách gây mất ổn định, có thể dẫn đến chìm tàu, đe dọa an toàn của hành khách. Tàu cần có kính kín để bảo vệ cho hành khách và nước không tràn vào khoang khách.
Tại cuộc họp báo chiều 1/3, ông Sơn nói: "Cục Đăng kiểm có trả lời chính thức nhưng xét về phía địa phương, chúng tôi sẽ mời chuyên gia và kiến nghị cụ thể về thiết kế tàu. Nếu tàu SB gây khó khăn cho cứu hộ cứu nạn thì chúng tôi sẽ kiến nghị thay đổi".
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói sẽ kiến nghị với các ban ngành Trung ương, các cơ quan thẩm quyền phân tích nguyên nhân tai nạn, từ đó có giải pháp phù hợp đảm bảo an toàn cho du khách. Ông Thanh giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức kiểm tra, tổng rà soát, đánh giá lại các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ, các địa điểm vui chơi, giải trí, cơ sở đón khách, phục vụ cho du lịch trên địa bàn để có giải pháp khắc phục kịp thời.
Theo đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cơ quan điều tra đang khẩn trương thu thập chứng cứ để tìm ra trách nhiệm của các cá nhân cũng như tổ chức liên quan trong vụ tai nạn. "Chúng tôi sẽ tìm ra vấn đề khách quan hay chủ quan trong công tác điều hành; nguyên nhân tai nạn do con người, do chất lượng phương tiện hay do kiểm định", ông nói.
Trước đó khoảng 14h ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, tàu cao tốc lật làm 17 người chết, còn lại được cứu sống.
Đắc Thành - Nguyễn Đông