Các bản thảo của Hippocrate thế kỷ 5 trước công nguyên đã ghi chép về việc ly trích máu bằng cách cắt hoặc mở tĩnh mạch nhằm loại bỏ tình trạng thừa dịch trong cơ thể, thay vì bắt người bệnh nhịn ăn, vừa mất nhiều thời gian vừa bất tiện. Đỉa đã sớm tỏ ra là công cụ đắc lực trong việc trích bớt máu của bệnh nhân, giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng thừa dịch.
Đỉa cũng được sử dụng điều trị cho những trường hợp chấn thương. Sau trận Waterloo ở Bỉ năm 1885 (trận chiến quyết định vận mệnh của vua Napoléon), vị tướng Anh Simmons bị một vết thương ở bụng do đạn súng trường. Ông đã được chữa trị bằng cách cho đỉa gây chảy máu ở vết thương.
Đỉa phát triển mạnh trong ao hồ, đầm lầy. Trên thế giới có khoảng 650 loài đỉa. Đây là sinh vật lưỡng tính nhưng lại không thể tự thụ tinh. Đa số đỉa có vòi hút ở cả hai đầu; một vài giống có răng nhưng đa số chỉ có vòi dùng để hút dịch.
Nước bọt của đỉa chứa chất gây tê, kháng đông máu và một hóa chất thúc đẩy sự thẩm thấu các thành phần cần thiết qua mô, được gọi là yếu tố lan truyền. Trong cơ thể nó có vi khuẩn Aeromonan hydrophila, giúp tiêu hóa máu và tạo ra một kháng sinh để tiêu diệt những vi khuẩn khác có thể gây thối rữa. Đại học Monash ở Australia đã phát hiện một giống đỉa có tên khoa học là Halobdella papillornata. Chúng sống theo bầy, có khả năng chăm sóc con cái cho đến khi trưởng thành, bảo vệ và di chuyển đỉa con đến những nơi an toàn. Đặc tính này vốn chỉ thấy ở động vật có xương sống.
Các đơn thuốc viết tay ở châu Âu thời Trung cổ đã minh họa những công dụng của đỉa trong việc điều trị nhiều căn bệnh khác nhau. Nhà độc tài Heraclet đã được thầy thuốc điều trị chứng béo phì bằng những ứng dụng đa năng của đỉa.
Nửa sau thế kỷ 19, châu Âu đã chứng kiến những thành tựu khoa học được khám phá từ đỉa. Kỹ nghệ nuôi đỉa dùng trong y học phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng. Đỉa từng là một đề tài nổi cộm tại Pháp trong năm 1833, khi người ta phải nhập khẩu 4.500.000 con đỉa từ châu Mỹ do "nạn" khan hiếm sinh vật này ở Pháp.
Người đề xướng phong trào dùng đỉa một cách rộng rãi trong bệnh viện là bác sĩ Francois Broussai (Pháp). Ông đã tự chữa bệnh cho mình với 15 ứng dụng từ đỉa và sử dụng 50-60 con đỉa cho mỗi ứng dụng. Nhu cầu dùng đỉa mạnh đến nỗi có lúc nó gần như tuyệt chủng tại châu Âu và đã được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Pháp và Hy Lạp - hai nước nuôi đỉa nhiều nhất tại châu Âu thời kỳ đó - thu hoạch khoảng 2.500 con đỉa mỗi ngày. Để cung cấp thức ăn cho chúng, những con ngựa già được dắt xuống đầm lầy để nhận cái chết sau khi đã bị hút cạn máu.
Tuy nhiên, sự lạm dụng đỉa trong trị liệu cũng đã gây nhiều tai tiếng. Trong những ngày hấp hối của mình, nhà văn Nga Gogol đã phải chịu đựng sự hoành hành của những con đỉa nằm trong mũi. Nhiều người cho rằng chính đỉa đã làm cho ông chết sớm hơn. Người ta phỏng đoán rằng Tổng thống Mỹ George Washington bị tử vong do lạm dụng đỉa để trích máu. Ông đã dùng đỉa gây chảy máu 4 lần/ngày để điều trị một cơn viêm họng nghiêm trọng.
Đông y cũng dùng đỉa để chữa bệnh sau khi phơi khô. Vị thuốc này vị mặn đắng, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít kinh... Một số tài liệu cho biết đỉa có tác dụng trị nhọt độc, phong lở, bế kinh... Trong "Nam Dược Thần Hiệu" của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...
Ngày nay, đỉa được dùng trong vi phẫu nhằm hỗ trợ việc nối các mạch máu nhỏ, chẳng hạn như khi ráp nối các phần bị đứt rời. Trong vai trò này, đỉa sẽ hút 10-15 ml máu cho một lần sử dụng. Nó làm máu rỉ liên tục tại chỗ bị cắn, giúp máu lưu thông hiệu quả trong thời gian vết thương chưa liền. Những hóa chất do đỉa tiết ra cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu và bào chế các dược phẩm dùng điều trị các bệnh về tim mạch.
Sử dụng đỉa an toàn, hiệu quả
Đỉa có thể tái sử dụng cho cùng một bệnh nhân sau vài ngày, tuy nhiên những lần sử dụng sau sẽ kém hiệu quả hơn lần đầu. Vì là một "chế phẩm" có liên quan đến máu nên việc sử dụng và tiêu hủy đỉa cần phải tuân thủ một qui trình nghiêm ngặt.
Đỉa được giữ trong tủ lạnh (10-20 độ C) và không cung cấp thức ăn cho chúng trong một khoảng thời gian trước khi sử dụng. Khi được thả, chúng sẽ trở nên rất háu ăn. Vùng da nơi đỉa sẽ tiếp xúc phải được rửa thật sạch bằng các dung dịch sát trùng, những vùng chung quanh phải băng cẩn thận, chỉ chừa một vết rạch chừng 1 cm. Đôi khi để "nhử" đỉa, người ta bôi vào chỗ cần hút máu dung dịch glucose 5% hoặc chích nhẹ để máu rỉ ra.
Để đỉa no, cần một khoảng thời gian là 10-20 phút, có khi đến 2 giờ. Khi đã no, đỉa sẽ tự nhả ra. Không nên gỡ đỉa bằng cách kéo vì sẽ làm nó đứt đoạn, các độc chất trong cơ thể đỉa sẽ gây hại đến vết thương. Nếu muốn gỡ đỉa ra sớm trước khi chúng no, nên dùng cồn, muối, acid acetic, nước vôi...
Cần theo dõi kỹ lưỡng khi trị liệu bằng đỉa. Mỗi ngày chỉ nên trị liệu 2-4 lần, trong tối đa một tuần, số lượng đỉa sử dụng thường dưới 6 con, mỗi lần không quá 20 phút. Chỉ sử dụng lại đỉa cho cùng một bệnh nhân. Trước khi dùng, đỉa phải được khử trùng bằng cách ngâm trong dung dịch NaCl 5% trong 1 phút để nhả hết máu cũ.
Trong ống tiêu hóa của đỉa có vi khuẩn Aeromonas hydrophilia, dễ gây phản ứng nhiễm trùng. Nếu dùng không đúng phương pháp, đỉa có thể nhả máu cũ chứa vi khuẩn này vào vết cắn. Vì vậy, khi dùng đỉa để trị liệu, bác sĩ nên cho bệnh nhân uống kèm những loại kháng sinh như quinolones, cephalosporins...
Đỉa được tiêu hủy bằng cách ngâm trong cồn rồi đốt.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)