Cuộc đua dành danh hiệu “những cái nhất” trên đỉnh Everest bắt đầu bùng nổ sau khi Sir Edmund Hillary và Tenzing Norgay là người đặt chân đầu tiên tới nóc nhà của thế giới. Kể từ đó, nhiều “cái nhất” được xác lập trên đỉnh núi này (người đầu tiên trượt xuống từ đỉnh Everest, người mù đầu tiên leo lên đỉnh Everest…).
Hiểm họa đến từ tuổi già
Một con đường khác để nổi tiếng với danh hiệu Everest là trở thành người già hoặc trẻ nhất leo đỉnh Everest. Năm 2013, nhà leo núi Nhật Bản - Yuichiro Miura ở tuổi 80 đã thành công khi đoạt danh hiệu người già nhất leo đỉnh Everest. Ông từng thực hiện hành trình leo núi hai lần trước đó mặc dù đã trải qua 4 lần phẫu thuật tim và vỡ xương chậu năm 2009.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như ông Yuichiro Miura. Bởi năm 2011, cựu bộ trưởng Ngoại giao Nepal - Shailendra Kumar Upadhyay, 82 tuổi đã cố gắng dành danh hiệu này của người đồng hương 76 tuổi trước đó. Điều đáng tiếc là Shailendra chỉ thực hiện thành công hành trình tới Trạm số 1, sau đó vì sức khỏe giảm sút, ông phải trở lại Trạm Cơ sở để được chăm sóc và qua đời sau cơn đột quỵ. Thi thể của ông được máy bay đưa về Kathmandu mai táng.
Mất tích bí ẩn
Người leo đỉnh Everest phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu oxy, trượt ngã, thời tiết băng giá, gió bão. Nhưng nguy hiểm nhất là những cột băng khổng lồ có kích thước bằng tòa nhà, những tháp băng bấp bênh sẵn sàng sụp xuống bất kỳ lúc nào. Nếu bạn bước vào sai chỗ đúng lúc cột băng di chuyển thì đó là tai họa khủng khiếp. Bạn sẽ không còn thời gian để nhảy ra ngoài, không có nơi nào để đi và bị nghiền nát. Nhiều lần cơ thể của các nạn nhân còn không thể được tìm lại, may mắn thì nổi lên vài năm sau đó.
Câu chuyện điển hình cho những vụ mất tích bí ẩn trên đường chinh phục Everest chính là thảm kịch năm 1942 của Đoàn thám hiểm Anh Quốc đầu tiên tới đỉnh Everest. Nhà leo núi huyền thoại George Mallory và bạn đồng hành Andrew Irvine đã mất tích trong chuyến đi này. Trong khi thi thể của Mallory đã được tìm thấy năm 1999 thì đến nay Irvine vẫn mất tích. Không ai biết họ đã leo được tới đỉnh núi hay gặp tai nạn trên đường đi.
Một câu chuyện khác lại liên quan đến nhà leo núi Đức, Hannelore Schmatz - người phụ nữ đầu tiên chết trên Everest. Năm 1979, trên đường xuống núi ở độ cao 8.300 m, cô Schmatz và một nhà leo núi người Mỹ Ray Gennet đã quyết định ngủ ngoài trời khi màn đêm xuống do kiệt sức và họ đã không bao giờ tỉnh dậy. Thi thể của Gennet biến mất một cách kỳ lạ trong khi chỉ vài năm sau đó, một nhà leo núi đã nhìn thấy xác của Schmatz được băng tuyết bao phủ. Năm năm sau ngày Schmatz chết, hai người khác là Yogendra Bahadur Thapa và Sherpa Ang Dorje đã cố gắng cứu thi thể của cô nhưng cuối cùng họ bị quấn vào dây của chính mình và đều ngã chết.
Xác chết có tên “Green Boots”
Nổi tiếng nhất trong các xác chết trên tuyến leo đông bắc là thi thể có tên gọi “Green Boots” (Đôi Ủng Xanh) của nhà leo núi người Ấn Độ Tsewang Palijor. Năm 1996, một nhóm 6 người đàn ông Ấn Độ leo lên đỉnh Everest theo tuyến đường đông bắc. Khi gần đến đỉnh đã gặp phải cơn bão, ba người quyết định quay trở về. Trong đó Palijor và hai người khác vẫn cố leo tiếp. Tuy nhiên, sau đó xác Palijor đã được tìm thấy với đôi đôi ủng màu xanh lá, mắc kẹt trước cửa một hang đá nhỏ ở độ cao 8.500 m. Nhiều giả thuyết cho rằng, tư thế của xác chết chứng tỏ Palijo đang bò vào hang để cố gắng sống sót trong cơn bão tuyết.
Năm 2006, nhà leo núi người Anh David Sharp leo tới hang Green Boots, tiếp tục bỏ mạng tại đó. Một năm sau đó, một nhà leo núi người Anh khác bị ám ảnh bởi câu chuyện về Green Boots đã cố gắng tới hang để chôn cất thi thể. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành vì người này không thể đào nổi thi thể ra khỏi băng.
Ý tưởng táo bạo hay sự liều lĩnh
Maurice Wilson, người Anh lại có một câu chuyện khác về hành trình chinh phục nóc nhà thế giới. Kế hoạch của ông là bay gần đến đỉnh núi, đặt chân tới nóc nhà thế giới và sau đó đi bộ về suốt quãng đường còn lại. Không được đào tạo để lái máy bay hay leo núi, Wilson tự mình tìm tòi học hỏi. Ông mua một chiếc máy bay Gipsy Moth cũ và bay tới châu Á.
Cất cánh vào năm 1933 nhưng sau đó máy bay bị rơi và Bộ hàng không Anh cấm, Wilson vẫn tiếp tục bay tới Ấn Độ. Tới gần Tây Tạng, ông gặp và đi cùng ba người Sherpa (người dân Himalaya gần biên giới Nepal và Tây Tạng) trước đây từng tham gia cùng Đoàn thám hiểm Anh Quốc. Tuy nhiên, ông đã không thành công do thời tiết quá khó khăn và sự thiếu kinh nghiệm của mình.
Sau một thời gian phục hồi sức khỏe, Wilson lại tiếp tục cố gắng leo tới đỉnh Everest cùng hai người Sherpa. Khi lên tới độ cao 22.700 feet (gần 7.000 m), gặp phải tường băng cao 40 foot (hơn 12 m), người Sherpa khuyên ông nên xuống núi cùng họ nhưng Wilson từ chối. Ông cứng đầu tiếp tục hành trình và chết trong lều của mình chỉ vài ngày sau đó.
Như Bình (theo Listverse)