Thứ tư, 22/5/2024
Chủ nhật, 3/1/2016, 08:00 (GMT+7)

Những câu chuyện bảo tồn đáng quan tâm nhất 2015

Linh trưởng Việt Nam bên bờ tuyệt chủng, phát hiện loài lưỡng cư không chân ở Campuchia nằm trong số các câu chuyện bảo tồn đáng quan tâm nhất 2015 của Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI).

Theo FFI, tháng 11/2015, nhóm các nhà nghiên cứu từ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, Hiệp hội Linh trưởng quốc tế IPS, Hiệp hội động vật học Bristol (Anh) và Tổ chức Bảo tồn quốc tế CI đã công bố danh sách 25 loài linh trưởng nguy trưởng nguy cấp nhất thế giới.

Mẹ con voọc Cát Bà quý hiếm trên vách đá vôi ở Hải Phòng. Ảnh: Neahga Leonard/the Cat Ba Langur Conservation Project/mongabay.com

 

Đáng chú ý trong danh sách này có ba loài đặc hữu của Việt Nam, gồm voọc Cát Bà (tên khoa học Trachypithecus poliocephalus) sống trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) còn chưa đầy 60 con; voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) còn khoảng 250 con; và voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) còn khoảng 234-275 con. Danh sách này được thống kê và cập nhật định kỳ hai năm một lần. Mối đe dọa chính tới các loài linh trưởng là săn bắn trộm và mất môi trường sống.

Voọc mũi hếch ở rừng Khau Ca, Hà Giang. Ảnh: FFI
 

Tháng 1/2015, các nhà khoa học công bố phát hiện loài lưỡng cư không chân mới ở Campuchia (tên khoa học Ichthyophis cardamomensis) dưới thảm rừng núi Cardamom thuộc Campuchia. Đây là bước đột phá quan trọng trong nghiên cứu loài mới của Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Campuchia phối hợp với FFI.

Ichthyophis cardamomensis là loài lưỡng cư không chân thứ hai (hay còn gọi lưỡng cư dạng giun) được phát hiện tại Campuchia, với chiều dài cơ thể chỉ khoảng 30cm. Lưỡng cư không chân ăn giun đất, mối và kiến. Tuy nhiên, hiện vùng rừng núi đa dạng sinh học Cardamom đang phải đối mặt với thách thức bảo tồn các loài, do bị mất môi trường sống và tình trạng lấn chiếm đất đai.

Lưỡng cư dạng giun Ichthyophis cardamomensis có chiều dài cơ thể khoảng 30cm. Ảnh: FFI/AFP

Tháng 7/2015, một ngư dân tại Khu bảo tồn biển Kiunga, Kenya trong lúc kéo lưới đã bất ngờ bắt được chú hải cẩu đực trưởng thành thuộc giống hải cẩu lông mao cận Nam cực Otariidae. Ảnh: Kiplimo/FFI

Các nhà bảo tồn Kenya ngay lập tức chú ý đến con hải cầu lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya - cách xa nơi sinh sống của nó tới 210 km về phía bắc. Đúng như tên gọi của nó, hải cẩu lông mao cận Nam cực chỉ được tìm thấy tại các vùng biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Họ nhận định rất có thể biến đổi khí hậu làm nước biển tại nơi vốn bình thường đã ấm lên khiến một số cá thể hải cẩu "lập kỷ lục bơi lội" như trường hợp trên để tìm đến các vùng biển khác lạnh hơn và có nhiều thức ăn hơn. Đây là chú hải cẩu may mắn vì được các nhà bảo tồn và cộng đồng địa phương chăm sóc trước khi thả nó về biển khơi.

Tinh tinh được quan sát bằng bẫy ảnh tự động trong rừng ở Liberia. Ảnh: FFI

Trong tháng 3/2015, FFI cùng với các nhà bảo tồn tại Cộng hòa Liberia thực hiện dự án đặt bẫy ảnh tự động trong khu rừng Wonegizi để ghi nhận số lượng loài hay cá thể loài quý hiếm đi ngang qua camera. Họ đã thành công ngoài mong đợi khi quan sát thấy có ít nhất ba con voi, các cá thể tinh tinh, hà mã lùn và linh dương Duiker, qua đó lập kế hoạch bảo tồn chúng trước vấn nạn săn bắn trộm ngày càng gia tăng trong khu vực.

Ngày 25/4/2015, kiểm lâm Agoyo Mbikoyo có thâm niên 7 năm làm nhiệm vụ giữ rừng tại Vườn quốc gia Garamba (Congo) đã bị bắn chết bởi những kẻ săn trộm có vũ trang. Ông Mbikoyo là thành viên trong nhóm tuần tra được giao nhiệm vụ trong 10 ngày theo dõi và bảo vệ đàn voi di chuyển ngang qua vùng rừng phía nam của Vườn quốc gia Garamba và trong thời gian này ông đã bị bắn chết. Giám đốc Vườn quốc gia Garamba đã gửi lời chia buồn đến vợ và con ông. Cái chết của Mbikoyo đã làm các đồng nghiệp có thêm động lực quyết tâm tham gia cuộc chiến chống bọn săn trộm.


Tại Congo, voi thường bị săn bắn trộm để lấy ngà và cuộc chiến chống săn trộm trở nên cam go hơn. Ảnh: Reuters

Chó bắt kẻ săn trộm tê giác ở Kenya
 
 

Một trong những câu chuyện bảo tồn đáng quan tâm 2015 là con chó tên Diego được huấn luyện chuyên nghiệp để thực hiện công việc bắt đối tượng săn trộm tê giác tại khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya. Đây là khu bảo tồn quan trọng dành cho các loài tê giác bị đe dọa tại châu Phi, đặc biệt là bảo vệ con tê giác trắng miền Bắc đực cuối cùng trên thế giới còn sống sót tại khu bảo tồn này.

Huỳnh Phương