Annie Fox tiết lộ chị và chồng sống ở hai căn hộ khác nhau từ lúc cưới. Sự sắp xếp này giúp chị có không gian để theo đuổi công việc và sở thích riêng cũng như giúp hai vợ chồng hiểu mình đang thực sự cần điều gì.
Các nhà xã hội học gọi kiểu sắp đặt này là "sống chung ở riêng", nghĩa là các đôi sống xa nhau vì công việc nhưng thường xuyên gặp nhau và hẹn hò. Các đôi này vẫn gắn bó với nhau, có kết hôn nhưng họ chọn không sống cùng nhà.
Trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về hiện tượng này, Cục thống kê dân số Mỹ báo cáo số cặp mà có vợ, chồng không sống cùng nhà hiện tăng gấp đôi so với năm 1991. Nghiên cứu tại châu Âu và Canada cho thấy hiện tượng vợ chồng ở riêng phổ biến với những người trẻ vì các lý do như được tự do hơn hay thích ở nhà cũ của mình...
Judith Newman, một nhà văn ở New York đã viết về lối sống này dựa trên trải nghiệm ở cách xa chồng của chính bà trong suốt 25 năm.
Bà kể rằng hai người đã sớm phát hiện ra rằng sự khó tính của chồng và khao khát có con của bà khiến cuộc sống riêng là một lựa chọn tốt. Ở riêng, thậm chí cả khi đã có con, thực sự giúp họ có không gian riêng và chi phí sinh hoạt còn rẻ hơn. Ngoài ra, việc này khiến mối quan hệ tốt hẳn.
"Một số người đã kết hôn hay mới sống thử thấy rất nhiều điều khó chịu ở 'nửa kia' khi phải giáp mặt nhau mỗi ngày. Nếu không phải ở chung, họ có thể cùng hạnh phúc hơn", bà nói.
Eli J. Finkel, giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Northwestern, tác giả cuốn sách The All-or-Nothing Marriage, cũng đồng tình với ý kiến này. "Với một số người, ở riêng sau khi kết hôn là một cách củng cố mối quan hệ mà không cần cố chịu đựng các nhược điểm của bạn đời. Việc này khiến thời gian bên nhau đặc biệt hơn chứ không chỉ là theo thói quen", Finkel nói.
Với Annie Fox và chồng chị, anh Nash, việc có hai căn hộ cách nhau vài dãy phố ở Brooklyn được đưa ra từ khi cả hai mới hẹn hò. "Anh ấy chuyển tới đây từ một đất nước khác và chúng tôi cảm thấy việc để anh có cơ hội tự xây đắp cuộc sống và có bạn bè riêng rất quan trọng", chị Fox nói. Vì thế, cả hai có thế giới độc lập cũng như một thế giới chung. "Mặc dù Nash không ngủ ở nhà tôi hằng ngày, chúng tôi vẫn gặp nhau để đi uống vài cốc bia hay nhâm nhi tách cà phê trên đường về nhà", chị nói.
Nhưng việc giữ cho mối quan hệ ở riêng này vững vàng cũng đòi hỏi sự nghiêm túc của mỗi bên. "Nếu tôi thấy cô đơn, chán nản và cần ai đó, tôi sẽ phải nhấc điện thoại lên và gọi, nói ra điều ấy, chứ không thể đá thúng đụng nia khi nấu bữa tối và hy vọng chồng để ý", chị Fox nói.
Khi Deena Chanowitz, 35 tuổi, quyết định đi học trường y ở Vermont, cách gần 500 km chỗ chồng chị đang làm tại thành phố New York, chị nhận ra mình muốn bắt đầu một chương mới trong đời. "Tôi hình dung mình sẽ hẹn hò với Gary vào cuối tuần và dành trọn thời gian cho nhau khi đó, những ngày còn lại trong tuần là của riêng tôi", chị kể. Chồng chị đồng ý và việc này khiến mối quan hệ của họ tốt hơn bao giờ hết.
Mặc dù chuyển về ở cùng nhau khi có con vào tháng 6 vừa rồi, chị vẫn dự định sẽ quay lại Vermont vào mùa hè tới và tiếp tục ở riêng.
Liệu việc ở riêng có kéo dài mãi? Nhiều đôi được hỏi nói rằng họ không biết. Sau tất cả, liệu có thực tế không khi bạn muốn giữ không gian riêng khi đã lập gia đình, có con cái? Chị Fox nói rằng họ sẽ đối mặt với các vấn đề khi nó nảy sinh. "Chúng tôi sẽ thảo luận với nhau về các kế hoạch gia đình, xem mình sẽ nuôi dạy các con ra sao, việc ăn ở thế nào", chị nói.
Fox cũng cảm thấy suy tư về vấn đề này. "Những người chứng kiến lối sống của chúng tôi từ đầu thì nói rằng, một mặt họ công nhận chúng tôi giỏi giao tiếp và vẫn yêu thương nhau mặc dù ở cách xa. Nhưng mặt khác, người ta cũng bày tỏ là cách này thực sự không hợp lý và làm sao cả hai có thể chăm sóc nhau nếu sống cách vài dãy phố".
Vương Linh