“Hai đứa bằng tuổi nhau, khi cãi nhau, lôi đủ mọi thói hư tật xấu của nhau ra, thậm chí cho nhau ăn cái này, cái kia bắt mình làm trọng tài. Mình nghe mà ù hết cả tai. Nói thật, nếu bị chồng chỉ trích như vậy, mình chắc tự ái mà không thèm nhìn mặt nữa”, chị Thu cho biết.
Tính chị hiền lành, vốn không thích tranh cãi. Bị người khác nói nặng lời chị có thể trằn trọc cả đêm. Chồng chị cũng hiểu tính vợ “mong manh dễ vỡ” nên chẳng bao giờ to tiếng. Anh chiều vợ, hài hước, nếu thấy mặt vợ bí xị luôn sẵn sàng gây trò cho vợ cười. Thời yêu nhau, cả hai không giận dỗi hay cãi nhau khiến bạn bè thắc mắc liệu hai đứa có yêu nhau thật không. Đến giờ kết hôn đã 3 năm nhưng cuộc sống gia đình lúc nào cũng bình yên.
Tất nhiên, có nhiều lúc vợ chồng cũng không ưng ý nhau nhưng không hài lòng gì ở chồng, chị chỉ nói nhẹ nhàng, hoặc im lặng rồi nhắn tin, gửi mail hay viết giấy nhắn. “Sợ cảnh cãi cọ rồi văng tục”, chị cho biết. Mối tình đầu không đi đến đâu cũng chỉ sau một lần duy nhất chàng người yêu mở volume hết cỡ khi chê trách chị.
Vợ chồng chị Phương Chi (quận 4, TPHCM) 4 năm nay sóng yên bể lặng vì “cả hai đều trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn”. Hai năm đầu sau ngày cưới, anh chị thường xuyên chậm chọe nhau, thậm chí chơi cả “bạo lực”. Một lần bị chồng chê, chị ức quá đã cấu chồng đến chảy máu vai. Một tuần sau, ông xã kiếm cớ trả đũa, nhân lúc cãi nhau tặng chị một cái tát nổ đom đóm mắt.
Chị kể, những ngày đầu làm dâu, mỗi lần chồng càm ràm về nồi cơm nhão hay sống chị đã thấy bực mình, ngay lập tức cãi lại. Ông xã bằng tuổi, từng là bạn học thời cấp một, từng chia bè kéo cánh đánh chửi nhau nên lúc thành vợ thành chồng vẫn còn tâm lý trẻ con, tranh cãi hơn thua suốt ngày, ai cũng muốn là người nói sau cùng. Đặc biệt khi bé Ca-rô ra đời, biếng ăn, vợ chồng chị lúc nào cũng có cớ để tranh luận. Chỉ việc cho con ăn bột với cà rốt hay với rau cải cũng có thể đấu khẩu. Có lần cãi nhau đến suýt ly dị, chị đã bế con về nhà ông bà ngoại cả tháng. Nhờ anh biết ăn năn xin lỗi kịp thời đồng thời bố mẹ chị cũng khuyên nhủ nên bé Ca-rô vẫn còn có đủ bố mẹ.
Sau vụ đó, vợ chồng chị đều tỉnh táo và trưởng thành hơn, chị luôn cố gắng kìm chế, thậm chí “giả điếc” mỗi khi anh bực mình nói điều gì không vừa tai chị. Đợi đến lúc vui vẻ, chị mới kể tội. Còn anh lúc nào thấy vợ giận thì cũng biết đi ra chỗ khác hay rửa bát, quét nhà để chị nguôi ngoai. Chị bảo, cãi nhau, nếu căng thẳng quá rất dễ nói những lời mạt sát nhau, sau đó là chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay, và mình sẽ là người chịu thiệt vì làm sao khỏe bằng ông xã. “Mà đến tuổi này (36 tuổi) rồi cũng đã dửng dưng nhiều rồi. Nếu bức xúc vấn đề gì dẫn đến tranh cãi thì vấn đề đó hẳn phải lớn lắm. Mà đã lớn thì có khi chẳng thèm cãi mà bỏ nhau luôn”.
Còn bước ngoặt khiến vợ chồng anh Hưng chị Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) chấm dứt những cuộc chiến tranh là việc chuyển ra ở riêng. Mẹ anh vốn khó tính, không ưa con dâu, sợ chị đảm đang quá lại bắt nạt anh vốn hiền lành nên thường xuyên can thiệp vào chuyện vợ chồng anh chị, khiến chị ức chế, còn anh lúc nào cũng sống giữa hai làn đạn, bênh mẹ thì vợ dỗi, bênh mẹ thì vợ giận. Chị Yến nhiều lúc giận mẹ chồng rồi giận lây sang anh. Hầu như hai vợ chồng tháng nào cũng phải lôi nhau ra quán cà phê “đấu tố”.
Tuy nhiên, từ lúc ra ở riêng, cuộc sống của chị Yến thoải mái hẳn. Chị kể, nếu có bực mình gì với anh xã, chị cũng cố nín nhịn. “Cảm kích vì ông xã là con một đã dũng cảm ra ở riêng nên tự mình thấy thoải mái. Ông xã lại biết đưa lương đầy đủ cho vợ, chịu khó làm việc nhà, đón con, còn gì mà phải chê trách...’
Các cụ vẫn hay ví von: Bát đĩa cũng có lúc xô đẩy nữa là vợ chồng. Việc tranh cãi, to tiếng, xích mích giữa vợ chồng vốn đã là điều đương nhiên trong hôn nhân thế nên mới có người thấy lo khi chẳng bao giờ mình và một nửa tranh cãi. Và thực tế, có nhiều đôi, không cãi nhau bao giờ, cuối cùng chia tay vì chẳng bao giờ cãi nhau, nên không có cơ hội tìm hiểu nhau.
Trên một diễn đàn mạng có tiếng, một topic với chủ đề “Có nhà nào yêu nhau mà không cãi nhau lần nào không” cũng đã được lập. Rất nhiều ý kiến tham gia tự hào khoe chuyện vợ chồng không chiến tranh và mừng vì biết nhiều gia đình giống mình, vợ chồng mình không phải là “học sinh cá biệt”.
Thành viên Evans chia sẻ: “Nhà em không cãi nhau, không để bụng. Có vấn đề nói chuyện nhẹ nhàng là xong. Căn bản là chúng em có chung quan điểm sống, cách sống và suy nghĩ nên luôn có tiếng nói chung". Thành viên kklinhlongpk thì khoe từ lúc quen và yêu (1,5 năm) đến khi lấy nhau đã 7 năm nhưng hai vợ chồng không cãi nhau. Ông xã vô cùng hiền và chịu thương chịu khó, nên khó giận nhau. Vợ chồng chị cũng không ở cùng bố mẹ chồng nên ít mâu thuẫn. Vợ chồng chị lúc nào cũng thấy cần nhau, muốn gần gũi nhau, cuộc sống vô cùng lãng mạn nên mấy chuyện cãi nhau chạy đi hết…
Hầu như các trường hợp không cãi cọ đều khoe vợ chồng hiểu nhau, ông xã tính tình hiền dịu, nhẹ nhàng, vợ chồng biết tuân thủ phương châm “Người này nói thì người kia nghe, không bao giờ để cả hai cùng nói cho hàng xóm nghe”. Thành viên Phan.thao cho rằng: “Yêu nhau mà tôn trọng nhau, sợ làm tổn thương nhau thì sẽ không bao giờ dám nặng lời với đối phương đâu”.
Thậm chí thành viên wildmonad còn chia sẻ những yếu tố giúp vợ chồng mình không cãi nhau như sau: Biết lắng nghe và tiếp thu quan điểm của người khác; Tự hiểu to tiếng thì cũng không giải quyết được vấn đề; Không có thói quen tự làm to vấn đề lên quá mức cần thiết; Sống vui vẻ, ít để ý những thứ nhỏ nhặt, không suy diễn lời nói của người khác thái quá; Nhận biết được cái gì bỏ qua được và cái gì cần sự nghiêm túc; biết trình bày quan điểm của bản thân dễ nghe và dễ hiểu (điều này rất quan trọng); Nhận sai khi mình sai. Suy nghĩ công bằng. Wildmonad cho biết trước kia mình cũng thuộc diện nóng tính, giờ thấy nóng tính là hoàn toàn có thể cải thiện được. Đổ thừa cho "nóng tính" chỉ là ngụy biện.
Còn theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Tường (Tổng đài tư vấn 1088 Bưu điện TP HCM), có nhiều nguyên nhân để các cặp vợ chồng không bao giờ to tiếng với nhau. Thứ nhất, vợ chồng đồng lòng và thấu hiểu nhau, không bao giờ đến mức phải cãi nhau. Thứ hai, có thể do tính cách mỗi người, là người trầm tĩnh, không thích cãi cọ, cự nự. Thứ ba, và đây là điều rất đáng lo: vợ chồng không cùng quan điểm, không muốn nói vì cho rằng nói người kia cũng không hiểu, không thông cảm; có thể chiến tranh lạnh, giận nhau mà không thèm nói.
Chuyên gia tâm lý nhận xét, nếu không bao giờ phải tranh cãi mà không khí gia đình vẫn luôn vui vẻ, đó là điều tuyêt vời nhất. Nhưng nếu vợ chồng không hài lòng mà không chịu nói ra, cứ giữ cảm xúc trong lòng, nó sẽ tích tụ qua từng ngày, đến một lúc nào đó, tức nước vỡ bờ, sẽ bùng nổ. Do đó, nếu có gì không bằng lòng, vợ chồng hãy đưa ra tranh luận (chứ không phải là cãi nhau) để tìm ra đúng, sai, để đi đến một kết quả làm hài lòng cả hai, trên tinh thần thiện chí và tôn trọng lẫn nhau. Điều tối kỵ là tranh cãi để giành chiến thắng về mình và hạ thấp người kia.
Kim Anh