Cấp độ một: Nỗi nhớ lành mạnh
Khi phải xa cách người mình yêu một thời gian, chuyện nhớ nhung là trạng thái bình thường. Cũng có khi chỉ xa cách một đêm, nhưng nỗi nhớ vẫn cứ quay quắt đến mức: "Đêm nằm lưng chẳng tới giường/Trông mau tới sáng ra đường gặp em". Ở cấp độ này, nỗi nhớ không đến nỗi tuyệt vọng mà chứa chan, nồng ấm vì hai kẻ tương tư sẽ được gặp nhau.
Cấp độ hai: Hội chứng tương tư
Đây là nỗi nhớ da diết của những người yêu nhau nhưng rất khó hoặc không bao giờ thấy mặt nhau nữa vì họ bị ngăn cách, hay chia lìa bởi cái chết. Gọi là hội chứng tương tư vì nó gồm nhiều triệu chứng như: ngơ ngẩn, mất ăn mất ngủ, tìm dấu vết của người yêu bằng mọi cách. Cũng có người bị trầm uất trong một thời gian dài. Đặc biệt, nếu ai đó có một chút tài, đây là lúc họ có thể cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật.
Cấp độ ba: Bệnh tâm thần
Đây là mức tương tư bệnh lý. Hai người dù yêu nhau tha thiết nhưng vẫn không thể lấy được nhau. Có người dù đã kết hôn với người khác nhưng vẫn một lòng nhớ nhung, lưu giữ những kỷ niệm đã có với người yêu cũ. Họ quay ra lạnh nhạt với người chồng hiện tại. Thậm chí có người không chiến thắng được tình cảm của mình nên héo úa, hao gầy, sinh bệnh tâm thần.
Liệu pháp chữa
Thật ra, những người mắc chứng tương tư bệnh lý thường đa sầu, đa cảm, yếu đuối, không thực tế. Họ sống gò bó, ít giao tiếp với người xung quanh, xem tình yêu là tất cả cuộc sống của mình. Đến khi không đạt được thì quay ra chán nản. Để thoát khỏi căn bệnh tương tư một cách tốt nhất, mỗi người cần phải tự phấn đấu vươn lên. Hãy mở rộng giao tiếp với bạn bè, tìm nguồn vui trong công việc. Đó là lời khuyên của các nhà tâm lý dành cho các những ai đang tương tư.
(Theo Hạnh Phúc Gia Đình)