McDowell, Lesley -
Sau lần gặp gỡ lần đầu tiên với Ted Hughes tháng 2/1956, Sylvia Plath viết: "Thật dữ dội, thảo nào mà phụ nữ cứ ngã vào vòng tay của các nghệ sĩ".
Cũng như Plath, 20 năm trước, nhà thơ đàn chị Elizabeth Smart luôn ao ước tìm được một nhà thơ làm bạn đời. Smart khát khao có được tình yêu nồng nhiệt nhưng chỉ với những người cũng cầm bút và am hiểu sáng tác của cô. Một năm trước khi Smart vô tình nhìn thấy tập thơ của George Barker trong một hiệu sách trên phố Charing Cross và từ đó quyết tâm theo đuổi anh, cô đã viết trong nhật ký: "Mình phải cưới được một nhà thơ. Đó là mục tiêu duy nhất". Trong By Grand Central Station I Sat Down and Wept, cuốn sách kể về cuộc tình của hai người sau đó, Smart viết: "Tôi cần người tôi yêu. Anh là người duy nhất tôi đã chọn ra trên thế giới này. Tôi chọn anh sau khi đã lạnh lùng suy tính hết nhẽ".
![]() |
Ted và Sylvia. |
"Lạnh lùng suy tính" không phải là điều chúng ta sử dụng để đề cập đến những nữ nhà văn văn của thế kỷ 20, những người đã ít nhiều có dan díu với các tiểu thuyết gia, thi sĩ hoặc triết gia. Rebecca West, Katherine Mansfield, Jean Rhys, Simone de Beauvior, Martha Gellhorn, cũng như Plath và Smart, ở mức độ nào đó, luôn bị ám ảnh bởi những quan hệ tình ái với HG Wells, John Middleton Murry, Ford Madox Ford, Jean Paul Sartre, Ernest Hemingway, Hughes và Barker (xếp theo thứ tự lần lượt). Trải dài từ Thế chiến I (như cặp Mansfield và Murry) tới thời kỳ đầu của Làn sóng bình đẳng giới lần 2 (như Hughes và Plath), đặc trưng dễ nhận thấy trong những cuộc tình này là sự đam mê, cả về phương diện nhục dục (vốn là chuyện thường tình) và văn chương (điều hiếm gặp nhưng khó lòng cưỡng nổi).
Công chúng chưa bao giờ hết tò mò trước những cuộc tình đặc biệt này. Chỉ năm nay thôi đã có một loạt sách khai thác đề tài về quan hệ cá nhân của những nhà văn nổi tiếng. Đó là Tête à Tête - cuộc sống và tình yêu của Simone de Beauvoir và Jean Paul Sartre của Hazel Rowley; The Arms of the Infinite - ghi chép về cuộc sống giữa Elizabeth Smart và George Barker của người con trai lớn Christopher Barker; The Letters of Martha Gellhorn - tập hợp những lá thư cô gửi cho nhà văn Hemingway và A Lover of Unreason của Yehuda Koren và Eilat Negev kể về mối tình lãng mạn giữa Hughes và Plath, về Assia Wevill - người phụ nữ mà vì cô Hughes đã bỏ rơi vợ.
![]() |
Sartre và Beauvoir. |
Trên văn đàn thế giới ngày nay, có không ít cặp nhà văn vẫn sống và sáng tác bên nhau một cách yên ả hạnh phúc mà báo chí không thể không nhắc đến như Paul Auster và Siri Hustvedt, Nick Laird và Zadie Smith, Margaret Atwood và Graeme Gibson...
Nhưng trong thế kỷ 20, bên cạnh các tác phẩm của mình, những cây bút như West, Mansfield, Rhys, Beauvoir, Gellhorn, Plath và Smart nổi tiếng một phần với tư cách là những "nạn nhân tình yêu". Ít nhất 4 trong số họ bị chồng hoặc người tình bỏ rơi. Mansfield chạy trốn nỗi đau bằng cái chết khi còn rất trẻ, Beauvoir giải khuây bằng cách ném mình vào những trờ chơi tình dục dù bà thực sự không muốn; West dọa sẽ tự tử khi bị Wells bỏ rơi một thời gian ngắn sau khi họ đến bên nhau, cô thậm chí còn viết cả một truyện ngắn At Valladolid để kể về sự tan vỡ này; còn sự cự tuyệt của Madox Ford đối với Jean Rhys sau 18 tháng bên nhau khiến cô trở thành một kẻ chìm trong rượu. Plath, người được coi là mang số phận điển hình cho những nữ nhà văn cũng như những phụ nữ bị bỏ rơi trên khắp thế gian, đã kết liễu đời mình khi còn rất trẻ.
Thủa ban đầu, các nữ nhà văn thường kém nổi tiếng hơn bạn tình của mình. Barker là một nhà thơ chói sáng và được các nhà xuất bản chào đón trước khi "bị" Smart săn đuổi; Hughes đã tạo dựng được danh tiếng nhất định tại Cambridge, và Wells cũng như Madox Ford đã gần như leo lên đến đỉnh cao danh vọng... Nhưng đến buổi hoàng hôn của các cuộc tình, các nữ nhà văn, nhà thơ đã vượt lên hoặc ít nhất cũng là đuổi kịp danh tiếng của các bậc quân tử. Âu đó cũng là niềm an ủi nho nhỏ cho những nạn nhân tình yêu đáng thương, bị ruồng bỏ này.
Sự gia tăng số lượng các nghiên cứu về nữ giới vào những năm 1970, sau làn sóng bình đẳng giới lần 2 không đủ giải thích cho sức sống lâu dài của các tác phẩm do nhà văn nữ sáng tác. Rõ ràng là sự đấu tranh giành lại vị thế của người phụ nữ trên văn đàn đã góp phần lý giải cho sự xuất hiện những tác phẩm của Smart hay West trên giá sách của chúng ta ngày nay - nơi không có chỗ cho Barker hay Wells. Tất nhiên, trên hết, các tác phẩm đó sống được là nhờ vào chân giá trị của nó. By Grand Central Station I Sat Down and Wept xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc trong lịch sử văn học. Những bài báo của West và Gellhorn cũng rất sắc sảo; Wide Sargasso Sea của Jean Rhys gần đây đã được đài BBC dựng thành phim truyền hình.
![]() |
Hemingway và Gellhorn. |
Nhưng không thể phủ nhận rằng, danh tiếng của họ được thổi phồng lên một phần nhờ vào mối quan hệ với những quý ông có tiếng trên văn đàn. Điều thú vị là tất cả những quý bà này lúc bấy giờ đều ý thức được lợi thế đó. Họ tự tạo lập cho mình vị thế của một nhà văn trước khi gặp và yêu một đồng nghiệp nào đó, nhưng họ cũng biết rõ những mối quan hệ đình đám này sẽ mang lại cho mình những gì. Cả Plath lẫn Smart đều đã dán được cho mình cái "mác" nhà thơ trước khi gặp Hughes và Barker. West đã là tác giả của những trang văn, những bài phê bình và bắt đầu được biết đến là nhà phê bình trẻ táo bạo trước khi gặp Wells vào năm 1909. Còn tại khách sạn Bavarian, khi đến đó trong những ngày sinh đứa con ngoài giá thú với Garnet Carrington Trowell ở tuối 21, Katherine Mansfield đã tự tin ký cạnh tên mình cụm từ "nữ nhà văn".
Điều khiến người ta tò mò về quan hệ của các nam nữ nhà văn là cái lối họ cùng sáng tác, cùng thưởng thức và bình luận tác phẩm của nhau trong những không gian chật hẹp đến độ khó có thể tránh khỏi những đụng chạm thân xác. Khoái cảm nhục thể và cảm hứng nghệ thuật đồng hiện, nói như Smart trong By Grand Central Station, cuốn sách gợi lên hình ảnh của một "đôi lứa - nhà văn" – khi muốn né tránh sự nghi ngờ của bà Barker thì: "Để có cớ được ở bên nhau, chúng tôi ngồi cạnh chiếc máy chữ, giả vờ như đang bàn bạc một công việc quan trọng. Chiếc máy chữ trở thành kẻ đồng loã với tình yêu, trở thành một vật trang trí đầy hoa mỹ đến ngượng ngùng".
Theo nhà tiểu sử Diane Middlebrook, thời gian đầu khi mới chung sống cùng nhau, "Hughes thường làm việc tại bàn ăn còn Plath viết bên bàn máy chữ đặt cạnh cửa số. Họ ngồi gần như dính lấy nhau, ngày này qua ngày khác". Dường như có sự lệ thuộc nhất định của các nữ nhà văn đối với các đồng nghiệp nam là chồng hoặc người tình của mình. Smart và Plath chịu ảnh hưởng rõ rệt, còn những nhà văn khác như Jean Rhys dường như không thể sống nổi nếu thiếu đi nửa kia. Ví dụ, khi Ford Madox Ford và vợ là Stella Bowen mở rộng cửa đón mời cô gái nghèo khổ Rhys đến sống cùng thì Rhys không chỉ lệ thuộc về mặt tài chính với Ford mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ anh về mặt sáng tác. Trong cuốn tiểu thuyết Quartet viết dựa trên khoảng thời gian sống tại nhà Ford, Rhys đã miêu tả Ford như một kẻ "thống trị" – ngồi đọc những trang văn của Rhys và luôn mồm kêu lên: "Sáo rỗng! Sáo rỗng". Max Saunders, tác giả của cuốn tiểu sử gần đây về Ford cho rằng: "2 điều không được kể đến trong Quartet lại là 2 sự thật quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa Rhys và Ford: Đó là cả hai đều là nhà văn, anh giúp cô sáng tác và với cô, anh là một người đàn ông rất dễ thương".
Nhưng bản thân Rhys lại phủ nhận những ảnh hưởng văn học của Ford với mình. Cuối đời bà nói: "Về chuyện viết lách thì Ford là người rất rộng rãi và anh khuyến khích tôi rất nhiều. Tôi không cho rằng, anh cố áp đặt ý tưởng của anh đối với tôi cũng như đối với bất cứ người nào khác, nhưng những gợi ý vô tình của anh là vô cùng hữu ích đối với tôi". Từ cảm xúc chuyển thành "gợi ý vô tình" - thật không có sự trả miếng nào khôn khéo hơn đối với một người từng quay lưng lại với tình cảm của mình - để khẳng định rằng, những ảnh hưởng của "anh" đối với "tôi" về mặt văn chương là không đáng kể.
Chắc chắn là một khi tình cảm đã định hình và có chiều lắng xuống, nỗi lo lắng về khả năng mất đi cơ hội phát triển nghề nghiệp lại dấy lên. Năm 1958, 2 năm sau khi sở hữu Hughes, Plath viết trong nhật ký: "Tôi tìm thấy niềm vui lớn nhất từ tác phẩm của chính mình... vì vậy, cuộc đời tôi không thể mắc kẹt lại với Ted. Liệu chúng tôi có phải là những kẻ ma cà rồng hút máu lẫn nhau? Một bức tường ngăn cách, chống âm phải được dựng lên giữa chúng tôi. Hãy là người dưng trong phòng làm việc, chỉ là người tình trên giường". Năm 1916, vào năm thứ 3 trong cuộc tình kéo dài 10 năm với Wells, Rebecca West đã phải thốt lên: "Chúng ta chẳng còn tý cuộc sống riêng tư nào nữa".
Leonard Woolf từng lấy làm nuối tiếc cho sự chịu ảnh hưởng của Katherine Mansfield đối với Middleton Murry: "Cô bị mắc vào cái mớ đa cảm vớ vẩn của Murry và đã đẻ ra những trang viết ngược với bản chất thiên bẩm của mình". Trong gần 10 năm bên Wells, West hầu như không viết được mấy tác phẩm đến đầu đến đũa. Nhưng nói chung, các mối quan hệ này thường giúp cho các nhà văn nữ "lên tay". Middlebrook cho rằng, sự xâm nhập ngôn ngữ của Hughes trong tác phẩm của Plath khiến những vần thơ của cô lôi cuốn hơn và những lá thư Gellhorn gửi Hemingway chứng tỏ ông đã truyền sự táo bạo, tính phiêu lưu, cứng rắn vào những bài báo của cô.
Nhưng tình yêu và những đam mê nhục dục của nam giới với một người phụ nữ không bao giờ là vĩnh viễn. Trong The Arms of the Infinite, Christopher Barker tiết lộ, mẹ ông đã yêu George Barker suốt phần đời còn lại, dù bố ông đối xử với bà chẳng ra gì. Beauvoir, bằng cách này hay cách khác, vẫn hướng về Sartre cho tới tận khi ông qua đời. Và Plath dường như không thể sống nối nếu thiếu đi người chồng trăng hoa. Pamela Norris viết trong Words of Love: Passionate Women from Heloise to Sylvia Plath: "Plath tan nát cõi lòng trước sự đổ vỡ với Hughes không chỉ vì tình yêu bị ruồng bỏ mà còn bởi cô cảm thấy vô cùng nhục nhã trước mối tình vụng trộm của ông với Assia".
Có những dấu hiệu cho thấy Mansfield đã rất muốn dứt áo ra đi khỏi mối tình với Murry; West đã cố gắng chấm dứt quan hệ với Wells trước khi sự đổ vỡ tất yếu xảy ra và Gellhorn cũng đi được bước nữa sau khi kết thúc với Hemingway. Tuy nhiên, những cuộc chia tay này càng cay đắng bao nhiêu, người ta càng nuối tiếc bấy nhiêu, giá như những người trong cuộc ứng xử khác đi. Lời cuối nên dành cho cho những dòng chữ viết vào tháng 7/1958 của Plath rằng: "Chúng tôi hợp nhau một cách lạ thường. Nhưng tôi phải là chính mình - chứ không thể để cho cái tôi của mình vị anh định hướng". Có lẽ, dù trong những cuộc tình dài hay ngắn, Plath và các nữ nhà văn khác phải luôn giữ được "là chính mình".
Thanh Huyền dịch
(Nguồn: The Independent)