1. Động cơ đốt trong 4 thì
Đây là một trong những loại động cơ đốt trong sơ khai đánh dấu điểm phát triển của nền công nghiệp ôtô xe máy. Bởi trước đó, động cơ đốt trong 2 thì đã xuất hiện nhưng không đạt hiệu suất về tiết kiệm nhiên liệu. Ngày nay, động cơ 2 thì chỉ còn tìm thấy trên môtô cỡ nhở hoặc các loại máy công nghiệp, gần như tất cả ôtô đều sử dụng động cơ 4 thì.
2. Hệ thống nạp cưỡng bức
Với hệ thống nạp cưỡng bức, người điều khiển chủ động điều chỉnh lượng khí đi vào buồng đốt dưới áp lực cao, tạo sức nén cao hơn và tăng sức mạnh cho mỗi giai đoạn trong 4 kỳ hút, nén, nổ, xả. Hệ thống này được áp dụng trên máy bay một thời gian dài trước khi sử dụng cho xe hơi những năm 1960.
3. Phun xăng điện tử
Cuối những năm 1980, chế hòa khí hầu hết được thay thế bởi hệ thống phun xăng điện tử trên ôtô. Hệ thống này sử dụng cảm biến để nhận định, tính toán lượng xăng phun vào buồng đốt thông qua các kim phun sao cho tiết kiệm nhất nhưng vẫn đạt hiệu suất sức mạnh động cơ. So với chế hòa khí, phun xăng điện tử tiết kiệm hơn nhiều.
4. Phun xăng trực tiếp
Là một bước tiến của phun xăng điện tử, ở đây nhiên liệu được phun trực tiếp vào buồng đốt thay vì vào đường ống nạp khí. Bộ điều khiển điện tử sẽ tính toán phù hợp nhất, giảm thiểu chất thải.
5. Động cơ bằng nhôm
Khối động cơ đúc bằng nhôm giúp xe nhẹ hơn, tăng hiệu quả làm việc của máy cũng như khả năng điều khiển. Tuy nhiên hạn chế là có khả năng bị cong vênh khi ở nhiệt độ cao, vì thế nhiều loại động cơ cỡ lớn như V10, V8 hiện nay vẫn sử dụng loại động cơ bằng thép để đảm bảo chất lượng.
6. Trục cam trên đỉnh xi-lanh
Với trục cam ở trên đỉnh xi-lanh (overhead camshafts) mang lại hiệu suất điều chỉnh van hút và xả đóng mở đúng thời điểm hơn, từ đó mang tới khả năng hoạt động nhạy bén, chính xác. Có hai loại là DOHC và SOHC. Trong khi DOHC (Double Overhead Camshafts) mỗi trục điều khiển một loại van hút hoặc xả thì SOHC (Single Overhead Camshaft) chỉ có một trục điều khiển cả hai loại.
7. Van đóng mở biến thiên theo thời gian
Hệ thống này có nhiều tên gọi tùy từng hãng, GM là VVT, Honda là VTEC hay Toyota là VVT-i. Công nghệ này tác động vào thời điểm mở, đóng van động cơ thông qua trục cam để tối ưu hóa quá trình cấp liệu ở các tốc độ khác nhau. Một vài hãng dựa vào áp suất dầu động cơ để thay đổi vị trí trục cam theo trục khuỷu, trong khi có hãng lại dùng các con đội. Công nghệ này cho hiệu suất máy cao hơn, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu.
8. Bộ điều khiển điện tử (ECU)
Với bộ điều khiển điện tử, các vấn đề của xe được chẩn đoán kịp thời, cũng như ra mệnh lệnh cho hoạt động của động cơ được chính xác. Các quá trình mà ECU can thiệp như thời điểm đánh lửa, tỷ lệ hỗn hợp không khí-nhiên liệu, phun nhiên liệu, tốc độ không tải... ECU sử dụng các cảm biến truyền tín hiệu về hệ thống trung tâm để đưa ra các phản ứng kịp thời nhất.
9. Động cơ Diesel sạch
Động cơ diesel trước đây dù có khả năng tiết kiệm hơn động cơ xăng nhưng không bán chạy hàng bởi lẽ nhiều người tiêu dùng vẫn cho rằng loại động cơ này ồn ào, tạo muội than, có mùi, không đáng tin cậy trong thời gian khoảng 1970-1980. Nhưng động cơ diesel hiện đại thì ngược lại bởi sự mạnh mẽ, tiết kiệm và sạch. Có được điều này bởi diesel sử dụng loại có hàm lượng lưu huỳnh thấp, bên cạnh đó các hệ thống trong xe loại bỏ các hạt vật chất dẫn tới ô nhiễm.
10. Động cơ Hybrid
Đây là bước tiến hiện đại nhất trên con đường đến với thế hệ xe xanh. Động cơ hybrid sử dụng kết hợp động cơ xăng và động cơ điện. Xe có thể chạy mà không cần dùng xăng, tiết kiệm nhiên liệu đồng thời bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của Hybrid là giá đắt nên vẫn chưa được sử dụng nhiều.
Đức Huy