Khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, chị Hằng kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ tiền để góp vào những bếp ăn nấu cơm miễn phí cho người nghèo. Nhưng sau một thời gian, chị nhận thấy, để nấu được hàng ngàn suất ăn mỗi ngày, cần huy động nhiều người làm tập trung lại một chỗ. Giữa mùa dịch, gánh nặng của bếp ăn, tổ chức từ thiện là rất lớn, chưa kể việc nhiều người ở một chỗ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Chị Hằng nảy sinh ý tưởng làm "Cái thùng tốt bụng", mỗi người chỉ cần có một cái thùng nhỏ, đựng một vài loại nhu yếu phẩm và đặt trước cửa nhà với thông điệp: "Ai cần đến lấy. Ai có thêm vào". Với cách này, nếu càng có nhiều cái thùng thì lượng thực phẩm sẽ được chia đều khắp nơi. Người cần sẽ không cần phải đi xa để lấy, giảm hẳn nguy cơ tập trung đông người.
"Ai cũng có thể tham gia, mọi người có thể đặt bất cứ thứ gì có sẵn trong nhà như vài gói mì, vài ký gạo...", chị Hằng nói.
Ngày 1/4, dịch vụ xổ số ngưng phát hành, Sài Gòn bước vào những ngày cách ly xã hội, chị Hằng bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Thực phẩm được chọn đặt vào thùng là những loại đóng gói kín, thời gian sử dụng lâu như mì gói, bún, nui khô, cá hộp...
Hai "Cái thùng tốt bụng" đầu tiên xuất hiện tại quận 2 và quận Bình Thạnh.
Sáng hôm đó, chị Nguyễn Hoàng Thu, một người bạn của chị Hằng, đã lấy một cái thùng sẵn có trong nhà, đặt vào đó 5 túi gạo, mỗi túi 1 kg và vài túi bánh mì. "Tôi nghĩ gạo có nhiều chất dinh dưỡng hơn mì gói, ăn lại no. Còn bánh mì thì ai không có chỗ nấu có thể lấy để ăn ngay", chị nói.
Chỉ sau nửa ngày, những túi gạo đã được người cần lấy đi. Đến ngày thứ 3, sau khi đặt thùng trước cửa, vừa quay lưng vào nhà trở ra thì cả thùng và gạo không còn. "Tôi nghĩ chắc người ta cũng cần nên mới làm như thế. Hơn nữa, nếu chỉ vì số ít người tham lam mà không giúp số đông người khó khăn thì không đáng", chị Thu nói và tiếp tục kiếm một cái thùng khác đặt gạo vào.
Cứ như thế, "Cái thùng tốt bụng" của chị Thu đã đặt trước cửa nhà 14 ngày, khoảng 100 kg gạo đã đến tay những người khó khăn. Thỉnh thoảng nhà có phở, nui, hay mì khô chị cũng đặt vào. Những thứ như chai nhựa, vỏ lon chị cũng sắp ngay ngắn cạnh cái thùng để người nhặt ve chai có thể đến lấy.
"Những người khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội muốn ở nhà cũng không thể. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình đang giúp người khó khăn", chị Thu nói.
Ngày 4/4, khi đang lướt Facebook, chị Huỳnh Tiên ở quận 2 vô tình thấy ý tưởng đặt "Cái thùng tốt bụng" nên lập tức kêu gọi người thân, bạn bè chung tay để thực hiện.
Để hạn chế việc nhiều người tham lấy đồ về bán lại, nhóm của chị Tiên đặt vào thùng những phần thức ăn như bún, bánh ướt, bánh bao, bánh giò... Mỗi ngày có khoảng 280 phần ăn cho 9 điểm đặt thùng trên 7 quận. Mỗi điểm đặt từ 20 đến 40 phần và thường đặt trước cửa nhà có người để ý, hoặc đầu hẻm, nơi có những quán nước nhỏ có thể nhờ chủ quán trông hộ.
Những ngày đầu, khoảng hơn 4 tiếng mọi người mới lấy hết những phần ăn. Sang ngày thứ 4, chỉ trong một tiếng rưỡi đã hết sạch, vì có thêm nhiều người khó khăn biết cái thùng nên đã tìm tới. Đến nay, những chiếc thùng của nhóm chị Tiên đã duy trì được 10 ngày.
"Tôi nghĩ nếu đặt phần ăn, người vô gia cư có thể lấy ăn ngay, khỏi nấu nướng. Còn đặt đồ khô thì người tham lam có thể lấy về bán lại. Tôi không nghĩ có người lấy phần ăn về bán lại", chị Tiên nói.
Ngoài việc đặt thùng cố định, nhóm chị Tiên còn dành riêng một thùng với khoảng 40 phần ăn đem đến một xóm có nhiều người bán vé số khó khăn ở quận 8. Ngày thứ 10 đem thức ăn đến, nhóm nhận được một bức thư cám ơn từ một người phụ nữ rửa chén thuê đặt lại vào thùng.
Người phụ nữ nói mình đã 65 tuổi, làm nghề rửa chén thuê và không có gia đình. Thất nghiệp từ đầu tháng, mỗi ngày bà đều nhận được một phần ăn từ nhóm của chị Tiên và cảm thấy biết ơn nhóm. Vì không biết sử dụng mạng nên đã viết thư để cám ơn.
"Nhóm chúng tôi cảm thấy vui vì những phần ăn của mình đến với người thật sự cần. Với những cái thùng như thế này, mỗi người một chút, vài nhà làm một thùng thì không có người nào bị bỏ lại trong cuộc chiến chống Covid-19 này", chị Tiên nói.
Diệp Phan