Đó là những cái Tết ở vùng quê nghèo Nghệ An còn đọng lại rõ nét trong tâm trí tôi. Và khi biết nhận thức được mọi thứ, tôi cũng dần quen với những cái Tết như thế - những cái Tết mà mẹ tôi trầy trật nâng niu từng rổ ổi, rổ na (mãng cầu) đem ra chợ Giát bán vào ngày 28, 29 hàng năm. Và để "trả ơn" cho tôi vì công lao rửa trái cây, vì "chịu đựng sự thèm thuồng cái chín mọng" của ổi, của na, mẹ tôi đã dành hai nghìn đồng mua một trái bong bóng mèo cho tôi (bong bóng khi thổi lên có hình con mèo).

Ngày đó, bong bóng mèo là thứ mà bất kỳ đứa trẻ con nào cũng mong có được trong mấy ngày Tết ở quê tôi. Đối với chúng, có được trái bong bóng là có thêm niềm kiêu hãnh để đem ra khoe lẫn nhau. Nhưng tôi lại không như vậy, tôi luôn mong Tết được quây quần bên nồi bánh chưng gia đình tự gói, được sắm áo len mới, được lựa cành đào đẹp nhất.
Và thật không may, trái bong bóng mèo của tôi bất ngờ bị bể khi đang treo ngay đầu giường, mang theo những ước mơ, hy vọng con trẻ của tôi về Tết. Hóa ra, Tết ngày đó thật mong manh. Bánh chưng đã có bà ngoại tôi cho một cặp, tôi thì chẳng có tiền mua áo len nên phải mặc chồng thật nhiều lớp áo cũ để xua đi cái lạnh. Cành đào vốn dĩ cận Tết không còn đẹp, lại được bố mua với giá năm nghìn đồng, nên đến mùng 1 cũng chẳng thể nở nổi một bông hoa, mà chỉ còn trơ trọi những cành đào khẳng khiu cùng mấy chiếc lá non xanh mơn mởn. Đó là Tết của gia đình tôi trong những năm còn ở Nghệ An.
Mùa hè năm 2004 tôi học xong lớp 4, gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống. Kể từ đây, trong thâm tâm của một đứa trẻ quê mùa , tôi cứ nghĩ Tết Sài Gòn sẽ xa hoa, tráng lệ, sẽ có đủ đầy mọi thứ mà mình mong ước. Nhưng hóa ra, Tết ở đây cũng giống như Tết ở quê tôi, đó là sự thiếu thốn!
Ngày xưa, dù nghèo Tết còn có cành đào, còn có tiếng pháo râm ran, còn giờ đây, Tết gia đình tôi cũng lại sự giản đơn với mâm ngũ quả được mua vội trong chiều 30. Tôi có thể khẳng định, bây giờ cuộc sống gia đình đã khá hơn xưa nhiều, nhưng hình như Tết không còn quan trọng đối với bố mẹ tôi. Hơn nữa, nó còn là một nỗi ám ảnh. Thử hỏi với công việc buôn bán thịt heo hiện tại, 365 ngày chỉ có ngày mùng một Tết là được nghỉ, bố mẹ tôi làm việc quần quật trong mấy tuần giáp Tết, 12h30 sáng phải chạy đi lấy thịt mang ra chợ bán thì còn tâm trí đâu mà lo cho một cái Tết ấm cúng được?
Hơn ai hết, tôi hiểu rõ điều đó nhất nên cũng không thể trách móc bố mẹ được. Tôi chỉ thấy tiếc nuối và thèm khát được không khí gia đình quây quần mà thôi. Và thật hạnh phúc, năm 2011, sau 7 năm xa quê, với chuyến bay gần 2 tiếng vào chiều 30, gia đình tôi đã có dịp được trở lại ngôi nhà thân thương. Đại gia đình bên nội, bên ngoại có dịp quây quần bên mâm cỗ Tết không còn thiếu thốn như trước nữa. Bảy ngày về quê và sau đó bay vào Sài Gòn, tôi nhớ lắm và chợt òa khóc. Tôi khóc vì tôi biết mình lại phải gắn bó với những cái Tết miền Nam mang nỗi sợ của bố mẹ, mang niềm ước mong bé nhỏ của tôi. Và hơn hết là những cái Tết đủ đầy vật chất nhưng lại thiếu đi tình cảm ấm áp của gia đình, thiếu đi giá trị truyền thống trong cái Tết ở Việt Nam.
Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng mà tôi đã từng được học "Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông". Vâng đúng vậy, không ai có thể quay lại để "đắm mình" trong dòng sông tuổi thơ, nhưng giữa vòng xoáy đồng tiền mang lại cho gia đình đủ mọi thứ lo toan, tôi lại ước được quay trở về những ngày bé, những ngày có Tết nghèo thiếu thốn đủ bề nhưng đủ đầy tình cảm yêu thương. Và tôi vẫn thường gọi Tết Sài Gòn là những cái Tết chỉ có một nửa mà thôi.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Hồ Trọng Việt