"Ước gì em được sinh ra ở đất nước của anh, em sẽ không phải áy náy khi yêu quý và ủng hộ anh nữa". Đó là tâm sự của N, một người tôi quen. N đã nói như thế trên fanpage bằng tiếng Việt của nam ca sĩ, diễn viên Trương Nghệ Hưng người Trung Quốc. Với nghệ danh Lay, anh này xếp vị trí thứ 20 trong danh sách 100 người nổi tiếng Trung Quốc năm 2017 của Forbes.
Năm 2016, khi Philippines thắng Trung Quốc trong vụ tranh chấp chủ quyền biển Đông tại Toà án Quốc tế, Lay - như nhiều người nổi tiếng Trung Quốc khác - đã đưa hình ảnh đường lưỡi bò lên trang cá nhân.
Mạng xã hội Weibo khi ấy tràn ngập phẫn nộ, các ngôi sao Trung Quốc thi nhau chia sẻ hình ảnh đường lưỡi bò, thậm chí còn đi kèm những khẳng định hung hăng như: "đụng vào người Trung Hoa, dù xa cũng phải giết". Cùng lúc đó, mạng xã hội ở Việt Nam cũng dậy sóng với hai luồng ý kiến. Phần lớn người hâm mộ Việt Nam thất vọng, bất bình trước tuyên bố vô lý của các thần tượng. Có fanpage tiếng Việt của những ngôi sao ấy phải khóa tạm thời.
Nhưng bình luận trên của N không cá biệt. Vẫn có nhiều bạn trẻ Việt Nam bênh vực thần tượng: "Họ chỉ bị ép buộc thôi, không trách họ được", hay "Tôi vẫn ủng hộ thần tượng của mình".
Và đó cũng không phải là lần tranh cãi duy nhất về chủ quyền trong văn hóa gần đây. Nếu theo dõi các trang tin tức về giới giải trí, ta dễ dàng đọc được những luận chiến không hồi kết như thế bằng tiếng Việt. Hay trong một bộ phim cổ trang được dịch thuật và đăng trên các trang web xem phim miễn phí, ngay tập một đã có một nhân vật tuyên bố: "Vùng đất An Nam đô hộ phủ, nhiều người man di, mưa nhiều, rậm rạp". Thật đáng buồn khi tư tưởng xem An Nam là chư hầu được truyền bá trong bộ phim một cách tự nhiên, chiếu công khai trên mạng, chẳng bị ai cấm. Và bộ phim ấy có số lượt xem lên đến cả trăm ngàn. Nghĩa là, đã có cả trăm ngàn người Việt Nam đọc được câu thoại này.
Những bộ phim cung đấu nổi tiếng gần đây cũng có cả trăm ngàn bình luận khen chê, so sánh. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi đọc bình luận của các bạn trẻ. Kiến thức của họ về văn hóa, lịch sử, thậm chí là cả trang phục, âm nhạc của triều đại nhà Thanh vô cùng phong phú và chính xác. Trong khi đó, hầu hết đang chật vật với môn lịch sử của nước nhà.
Không thể trách người xem khi các bộ phim ấy được xây dựng quá hấp dẫn, trang phục và diễn viên đẹp, tình tiết bất ngờ lôi cuốn. Khán giả cũng không có nhiều lựa chọn khi nền điện ảnh nước nhà rất ít thứ cuốn hút người ta đến thế. Tôi cũng không thể phê phán người hâm mộ khi họ yêu thích một diễn viên hay một bộ phim ngoại. Tình cảm và nghệ thuật là tự nhiên và không biên giới. Nhưng đừng quên rằng lời thoại, hình ảnh của sản phẩm văn hóa ngấm từ từ và duy trì rất dài lâu lên não bộ và nhận thức của người tiếp nhận. Phim ảnh có thể tạo ra những trào lưu về từ thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực, âm nhạc, ngôn ngữ và lối sống trong nhiều năm.
Hơn nữa, có thể thấy, Trung Quốc có những kịch bản được tính toán kỹ lưỡng và nhất quán để quảng bá cho đường lưỡi bò ngạo ngược của họ. Liệu có ngẫu nhiên không khi đường lưỡi bò xuất hiện trên đồ lưu niệm, trên áo phông, trên mũ, trên những vật tưởng như vô thưởng vô phạt mà công dân của họ "vô tình" đem đến Việt Nam và các nước khác? Hay có ngẫu nhiên không khi hàng loạt người nổi tiếng của họ bỗng phát ngôn, đưa thông tin về lưỡi bò; hay cài cắm vào sách, truyện, các sản phẩm văn hóa, và bây giờ là phim ảnh đem đi chiếu khắp thế giới?
Báo Guardian cho biết, Trung Quốc từ lâu triển khai chiến dịch tuyên truyền phục vụ bành trướng chủ quyền trên phạm vi toàn cầu qua các kênh báo chí, văn hóa và thể thao. Hầu hết sao hạng A Trung Quốc đều từng đăng bản đồ có đường lưỡi bò trên trang cá nhân. Những nghệ sĩ này có sức ảnh hưởng đến giới trẻ và được dùng như công cụ quảng bá chủ quyền của Trung Quốc, theo Reuters. Đáng chú ý, Trung Quốc đặc biệt chú trọng tuyên truyền đường lưỡi bò qua các ấn phẩm dành cho thiếu nhi, nhằm tác động đến các chủ nhân tương lai.
Còn chúng ta, tại sao vẫn hay có những ngạc nhiên này, ngỡ ngàng kia về việc họ làm? Và hầu hết, nhà chức trách vẫn phản ứng một cách lẻ tẻ, bị động, yếu ớt. Đường lưỡi bò trong phim "Người Tuyết bé nhỏ" sau khi công chiếu gần chục ngày mới được chính khán giả phát hiện. Việc kỷ luật các cá nhân có liên quan trong một sự kiện, như khiển trách Quyền cục trưởng Điện ảnh không giải quyết được tận gốc vấn đề: Trung Quốc có một chiến lược phổ quát với nguồn lực vô tận cho cuộc tuyên truyền ngang ngược này.
Người Tuyết bé nhỏ chỉ là một sự việc trong hàng loạt sự việc mang tên "lưỡi bò" như game "Âm dương sư", phim "Điệp vụ Biển Đỏ", bản đồ "lưỡi bò" trong truyện tranh, trên địa cầu, mũ, áo, đồ lưu niệm... Nhà quản lý còn bị động, công chúng - đặc biệt giới trẻ - sẽ còn bị chi phối, áp đảo trong không gian truyền thông trên mạng, các giá trị văn hóa về chủ quyền và tinh thần dân tộc vì thế cũng tổn thất.
Trong khi đó, không khó để các cơ quan có trách nhiệm công bố một chiến lược hay đưa ra tuyên bố nhất quán, tổng thể, khoa học và thuyết phục về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam cập nhật đến hiện tại. Khi ấy, công dân có cơ sở chính thức để biết đâu là sự lựa chọn mình nên làm, biết ứng xử phù hợp khi thấy một ấn phẩm có lưỡi bò hay các phát ngôn phi lý.
Người Việt không thể bỏ mặc biển đảo quê hương. Ít nhất, ngay bây giờ, ta cần một chiến lược về văn hóa, nghệ thuật, giải trí cho nhóm khán gỉa trẻ ngay và trong dài hạn để lấp đầy chỗ trống về hiểu biết với "lưỡi bò". Và, nếu thế hệ trẻ không nhận ra họ cần nói "không" với những sản phẩm cài cắm tư duy bành trướng chủ quyền thì làm sao họ ý thức đầy đủ về chính tổ quốc, đất đai, biển đảo ông bà tổ tiên mình để lại?
Nếu người lớn còn cho rằng những cái "lưỡi bò" ấy chỉ "chỉ xuất hiện vài giây" và không cần phải "làm quá", thì sau hàng trăm lần vài giây, ta sẽ mất lãnh thổ trong chính tâm thức người dân của mình.
Phạm Minh Phương Hằng