Xe buýt tiêu chuẩn, hy vọng mới cho giao thông Hà Nội. |
Bắt đầu từ 2/2 Công ty vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội tổ chức tiêu chuẩn hoá các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, mở thêm các tuyến mới kết hợp điều chỉnh lộ trình một số tuyến đã có. Lượng hành khách tham gia phương tiện giao thông này tăng nhanh. Bởi từ chất lượng của xe đến cung cách phục vụ của nhân viên đã có sự thay đổi đáng kể. Đến nay, trung bình mỗi ngày tuyến xe này phục vụ 13.000 lượt hành khách, trong đó có 5.000 lượt khách là cán bộ, công nhân mua vé tháng.
Song theo ghi nhận của phóng viên VnExpress, tại một số tuyến, đôi lúc vẫn còn diễn ra tình trạng nhân viên không xé vé cho hành khách (điển hình như tuyến 32, 26), xe đến bến vẫn còn chậm. Anh Đào Hoàng Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội, cho biết công ty đã thành lập ban giám sát, thường xuyên đi kiểm tra trên các tuyến. Có điểm kiểm tra công khai, cũng có lúc nhân viên kiểm tra dưới hình thức một hành khách đi xe. Ngoài ra, để khuyến khích tinh thần trách nhiệm, lái xe, cũng như nhân viên phục vụ trên xe còn được hưởng lương khoán chất lượng. Nếu hành khách có phản ánh về thái độ phục vụ và những hiện tượng trái với tiêu chuẩn đề ra sẽ bị trừ khoản lương này. Nhưng anh Thanh cũng thừa nhận rằng không thể kiểm soát hết được mọi xe mọi tuyến, chính vì vậy mà rất cần những phản ánh trực tiếp của khách đi xe.
Một trở ngại lớn đối với hoạt động xe buýt vẫn là tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Đây là nguyên nhân của việc xe đến bến không đúng giờ cũng như gây phiền toái cho hành khách. Hiện nay các tuyến xe mới chỉ đảm bảo đúng giờ ở điểm đầu và điểm cuối. Chị Hoàng Lan, nhân viên công ty A&T nói: "Nếu hệ thống xe buýt của ta được như ở nước ngoài thì tốt quá, chứ bây giờ chẳng may gặp tắc đường thì thật rắc rối, vừa muộn làm mà cũng rất khó chịu khi phải ngồi trên xe chờ đợi". Theo anh Đào Hoàng Thanh, tắc đường là một điều bất khả kháng. Nhưng khi nhận được thông tin ùn tắc ở đâu đó thì nhân viên của các phòng ban trong công ty đều sẵn sàng có mặt, trực tiếp tham gia làm chỉ huy giao thông.
Đến nay, người dân vẫn chưa thật sự quen với các tuyến xe buýt, họ cảm thấy lúng túng bởi không biết tuyến nào sẽ đi qua điểm mình cần đến. Thế nhưng, trên các nhà chờ, điểm đỗ chỉ có tên tuyến và một số đường phố xe đi qua, chưa có sơ đồ và những thông tin cụ thể. Hình ảnh bắt mắt nhất ở đây vẫn là các sản phẩm quảng cáo. Ông Sanh, ngụ tại đường Khâm Thiên, tâm sự: "Nhiều lúc tôi cũng muốn đi xe buýt nhưng chẳng biết xe nào đi qua phố nào. Các biển hướng dẫn chỉ thấy ghi điểm bắt đầu và điểm dừng cuối cùng, thế là lại đi xe ôm". Lãnh đạo Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng cho biết, các nhà chờ bến đỗ đều do Trung tâm điều hành đô thị thuộc Sở GTCC quản lý. Dù các biển cắm ở bến đỗ còn thiếu nhưng cũng rất khó khăn bởi mỗi một biển đều cần giấy phép của Sở. Có trường hợp được giấy phép thì dân lại không đồng ý cho cắm biển trước cửa nhà.
Một khó khăn khác đối với công ty khi thực hiện tiêu chuẩn hóa hệ thống xe buýt là tình trạng các điểm đỗ (điểm cuối), chỗ quay đầu xe. Thậm chí một số tuyến không có bãi đỗ xe phải đậu dưới lòng đường, gây ách tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Đoàn Dũng, Giám đốc công ty, để có thể đạt được mục tiêu vận chuyển 27-28 triệu lượt hành khách trong năm nay và khoảng 100 triệu lượt khách vào năm 2010, công ty rất cần sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng trong công tác tổ chức giao thông nhằm như ưu tiên xe buýt tại các nút giao thông, có đường dành riêng cho xe buýt tránh tắc đường và đảm bảo đúng giờ. Ngoài ra, thành phố nên dành quỹ đất đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe buýt như xây dựng các bãi trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách đi xe buýt tại khu vực các cửa ô, xây dựng các điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển; nâng cấp, cải tạo, mở rộng một số đường vào các khu tập thể, khu đô thị mới đông dân cư.
T.H.