Số người chết trong mùa hành hương tới Mecca năm nay lên đến hơn 1.000 người tính đến 20/6, trong đó hơn một nửa là tín đồ không có giấy đăng ký hành hương. Ai Cập là quốc gia có số người tử vong nhiều nhất với 658 người trong đó 630 người không đăng ký. Khoảng 10 quốc gia ghi nhận có người chết trong mùa hành hương năm nay.
Lễ hành hương Hajj là một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo, đồng thời là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi. Khi tham gia lễ Hajj, những tín đồ Hồi giáo phải thực hiện một loạt nghi thức như đi bộ ngược chiều kim đồng hồ 7 lần xung quanh Kaaba ở giữa sân nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram, chạy qua lại giữa các ngọn đồi Al-Safa và Al-Marwah, uống nước từ giếng Zamzam, đi tới vùng đồng bằng sát núi Arafat để thức thâu đêm và tham gia "ném đá quỷ dữ" trừ tà.
Tất cả những người theo đạo Hồi đều mong muốn một lần trong đời trải qua nghi lễ thiêng liêng này. Đối với họ, lễ hành hương là đỉnh cao tinh thần trong cuộc sống.
Lễ Hajj là minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo cũng như lòng quy phục của họ trước Allah. Một số người coi lễ Hajj là bổn phận tôn giáo cần phải hoàn thành. Vì thế, họ bất chấp nguy hiểm để thực hiện nghi lễ này, khi không đăng ký qua các kênh chính thức bởi chi phí tốn kém.
Nhóm người này dễ bị tổn thương trong thời tiết nắng nóng bởi không có giấy phép, họ không thể đi vào khu vực có điều hòa do chính quyền Arab Saudi cung cấp phục vụ 1,8 triệu người có giấy phép. Chính quyền đã giải tán hàng trăm nghìn người chưa có giấy phép tới Mecca hồi đầu tháng, nhưng dường như vẫn còn nhiều người lén lút ở lại để tham gia nghi lễ chính thức bắt đầu từ 14/6.
"Họ mệt mỏi vì bị lực lượng an ninh truy đuổi trước ngày Arafat. Họ kiệt sức", một nhà ngoại giao Ai Cập giải thích, nhắc đến những tín đồ cầu nguyện suốt ngày dài hôm 15/6, ngày cao điểm của lễ hajj. Theo ông, nguyên nhân chính khiến họ tử vong là biến chứng cao huyết áp và tim mạch do nắng nóng.
Ahmed Alsayed Omran, 70 tuổi, người Ai Cập đã nghỉ hưu, ngồi nghỉ ở vệ đường thành phố Mina ngày 17/6, cho hay tình hình rất khó khăn vì không tìm được phương tiện di chuyển.
"Tôi không chịu nổi nữa", ông nói.
Neron Khan, 49 tuổi, tín đồ người Canada, cho hay hành hương là quá trình "mệt mỏi về thể chất nhưng sung sức về tinh thần". "Tôi đang kiệt sức vì nắng nóng nhưng vẫn phải đi tiếp vì xung quanh toàn là người. Ta phải cố gắng vượt qua", Khan nói.
"Trời cực kỳ nóng", Rohy Daiseca, 60 tuổi, người Gambia sống ở Mỹ, ngày 15/6 cho hay. "Lạy Allah, tôi đã đổ nhiều nước lên đầu và bây giờ vẫn ổn".
Amal Mahrouss, 55 tuổi, người Ai Cập, hạnh phúc không nói nên lời vì đã tới được Mecca. "Lễ hajj cho thấy chúng ta đều bình đẳng, không có sự khác biệt giữa người Hồi giáo ở những vùng khác nhau trên thế giới", bà nói.
Đối với Ghada Rifai, 60 tuổi, giáo viên đã nghỉ hưu đến từ Syria, giấc mơ đã thành hiện thực. Năm nay có 17.500 người Syria hành hương tới Mecca.
Hồng Hạnh (Theo AFP)