Nhiều trẻ có tính tò mò thiên bẩm, luôn muốn tìm hiểu và khám phá những điều mới mẻ. Tuy nhiên, đối với những trẻ khác, cha mẹ và thầy cô giáo hoàn toàn có thể tìm hiểu các cách thức để khơi dậy và nuôi dưỡng sự tò mò.
Dưới đây là 13 cách các bậc cha mẹ có thể áp dụng để đánh thức tính tò mò của trẻ.
Thay đổi thói quen
Trẻ được hình thành thói quen hàng ngày là điều rất quan trọng tuy nhiên đôi lúc, những thay đổi nhỏ có thể giúp kích thích não bộ của trẻ tư tuy theo những cách mới và điều đó sẽ khơi dậy tính tò mò trong trẻ. Cha mẹ có thể tạo ra những thay đổi đơn giản như thay xà phòng bằng nước rửa tay và để trẻ khám phá chất liệu mới này và xác định xem trẻ thích loại nào hơn.
Tạo bất ngờ cho trẻ
Những điều bất ngờ có thể giúp trẻ tăng cường sự tò mò. Cha mẹ có thể viết một mẩu giấy với nội dung "Chúc con yêu một buổi sáng tốt lành" và để dưới gối của trẻ. Hoặc cha mẹ cũng có thể rủ trẻ chơi trò giấu đồ ăn vặt và đố trẻ tìm ra. Cha mẹ cũng có thể mời người mà trẻ quý mến tới nhà ăn trưa và giữ bí mật cho tới khi người đó đến nhà.
Bất ngờ tới trường đón trẻ
Nếu một ngày nào đó bạn nghỉ việc và bất ngờ tới trường đón con, con bạn sẽ nhớ kỉ niệm đó suốt đời. Bạn và con có thể dành thời gian vui vẻ bên nhau, tới một nhà sách hay cho trẻ ăn món kem yêu thích. Con bạn có thể sẽ yêu thích kỉ niệm này và muốn có thêm nhiều dịp như vậy nữa. Tuy nhiên, bạn cần giải thích cho con rằng đó là một dịp ngoại lệ. Ngoài ra, bạn cũng nên đảm bảo rằng nếu con bạn nghỉ học hôm đó thì việc học tập của con không bị ảnh hưởng nhiều.
Cùng nhau làm bánh
Trẻ em rất yêu thích bánh ngọt nhưng không phải bé nào cùng biết cách làm. Do đó, trải nghiệm làm bánh cùng cha mẹ - từ các nguyên liệu cho tới thành quả cuối cùng – sẽ là kỉ niệm tuyệt vời.
Thêm vào đó, khi trẻ tự mình tham gia làm bánh, các giác quan của trẻ sẽ được đánh thức: nghe cha mẹ hướng dẫn cách làm, quan sát các công đoạn và màu sắc, chạm tay vào nguyên liệu và hình khối của bánh, ngửi mùi thơm của bánh phát ra từ lò nướng và cuối cùng là nếm thử bánh.
Kể những câu chuyện có kết thúc mở
Đọc cho trẻ nghe một câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ là một thói quen tốt cho trẻ. Nhưng nếu ngày nào bạn cũng đọc cho trẻ nghe cùng một câu chuyện thì có thể trẻ sẽ thấy nhàm chán. Để các câu chuyện có tính cuốn hút hơn, bạn có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện có kết thúc mở và để cho trẻ tưởng tượng ra cái kết của câu chuyện.
Sẵn sàng trả lời các câu hỏi của con
Trẻ em thường đưa ra nhiều câu hỏi liên tiếp và đôi khi có một số câu rất khó trả lời. Để đưa ra được câu trả lời hiệu quả cho con trẻ, cha mẹ cần hiểu tại sao trẻ đưa ra các câu hỏi đó. Ví dụ, khi trẻ hỏi "Tại sao cha/mẹ phải đi làm?", trẻ không muốn phải nghe một danh sách các lí do khác nhau. Trẻ hỏi như vậy vì mong muốn cha/mẹ dành nhiều thời gian hơn bên mình. Hiểu lí do đằng sau câu hỏi đó sẽ giúp bạn lí giải được các thắc mắc của con.
Khuyến khích trẻ hỏi càng nhiều càng tốt
Sự tò mò sẽ nuôi dưỡng tính thêm tính tò mò. Khi trẻ hỏi bạn những câu hỏi như "Tại sao trời lại mưa?", bạn có thể giải thích cho trẻ vòng tuần hoàn của nước và khi gần kết thúc phần giảng giải, bạn có thể đề cập tới một trạng thái của nước mà không cần giải thích rõ. Nếu trẻ cảm thấy hứng thú, sự tò mò sẽ thôi thúc trẻ hỏi thêm về chủ đề đó. Nguyên nhân là nếu chúng ta không biết một chút gì về chủ đề nào đó, chúng ta sẽ không cảm thấy tò mò. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết một chút ít, sự tò mò sẽ được khơi dậy. Do đó, hãy khuyến khích con bạn đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt.
Đặt câu hỏi cho con
Khi đặt câu hỏi cho trẻ, bạn sẽ kích thích não bộ của trẻ và khiến trẻ suy nghĩ về các giải pháp khác nhau cho một vấn đề. Hãy luôn hỏi những câu hỏi khiến trẻ có thể đưa ra lí do của mình. Đồng thời hãy chuẩn bị tinh thần nghe trẻ đưa ra vô số những câu trả lời rất thú vị.
Cha mẹ có thể hỏi trẻ những câu như sau:
"Con có nghĩ con là một người bạn tốt không?"
"Con yêu thích nơi nào trên thế giới?"
"Nếu con có thể phát minh ra một thứ giúp làm cuộc sống của người khác dễ dàng hơn thì con sẽ phát minh ra cái gì?"
"Nếu con có năng lực như siêu nhân, con sẽ muốn có những năng lực gì?"
"Nếu con có quốc gia riêng của mình, con sẽ đặt tên quốc gia đó là gì?"
Đưa con tới một nhà hàng ẩm thực nước ngoài
Khám phá những nền văn hóa mới là một cách tuyệt vời để nuôi dưỡng sự tò mò. Thưởng thức ẩm thực là con đường tốt để tìm hiểu một nền văn hóa mới bởi qua ẩm thực, trẻ sẽ học được sở thích ăn uống, lối cư xử và truyền thống của nền văn hóa đó. Hãy đưa trẻ tới các nhà hàng ẩm thực Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ hay Tây Ban Nha để trẻ tìm hiểu về văn hóa các nước đó.
Du lịch và khám phá các vùng đất mới
Nếu có thể hãy đưa trẻ ra nước ngoài du lịch để trẻ có thể trải nghiệm những nền văn hóa mới, thăm thú nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người. Hãy du lịch càng nhiều càng tốt. Du lịch sẽ giúp thỏa mãn sự tò mò của chúng ta và khiến chúng ta càng tò mò hơn về thế giới. Do đó, hãy cho trẻ đi du lịch càng sớm càng tốt để trẻ cảm nhận được niềm vui từ việc thăm quan những miền đất mới.
Khuyến khích trẻ học nhạc
Ai cũng hiểu trẻ được học sử dụng một dụng cụ âm nhạc sẽ có nhiều ích lợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu lí do tại sao.
Âm nhạc có ảnh hưởng lớn tới não bộ. Bình thường chúng ta chỉ sử dụng một phần của não bộ, hoặc não trái hoặc não phải. Trong khi đó, những người học nhạc thường có xu hướng sử dụng cả hai bên. Điều đó giúp họ tăng cường khả năng tư duy tổng hợp và do đó sẽ biết cách giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo. Trẻ có tư duy sáng tạo cũng sẽ trở nên tò mò hơn với thế giới xung quanh.
Quan sát sở thích của trẻ
Chúng ta ai cũng có những sở thích khác nhau và có bằng chứng cho thấy chúng ta chỉ có động lực học hỏi điều mới nếu chúng ta cảm thấy hứng thú. Cha mẹ nên quan sát xem trẻ thích và không thích những gì để tập trung khuyến khích trẻ tìm hiểu những điều trẻ thích.
Hãy để trẻ được là trẻ con
Đôi khi cha mẹ cảm thấy rất khó khăn khi để trẻ tự làm điều mình muốn. Đôi khi những điều trẻ muốn làm lại vô cùng bất tiện khiến cha mẹ muốn ngăn cản. Nhưng miễn là ý tưởng của trẻ không dẫn tới tình huống nguy hiểm, cha mẹ hãy để trẻ tự do khám phá theo cách của mình. Đến một tuổi nào đó, trẻ sẽ muốn tự mình làm một số việc và cha mẹ hãy để trẻ thử. Việc cha mẹ nói với trẻ những câu như "con không nên làm như thế" có thể làm cản trợ sự tò mò của trẻ. Hãy để cho trẻ được mắc lỗi và học từ sai lầm đó.
Khánh Ngọc (Theo Lifehack)