Sử dụng các dịch vụ VPN
VPN là giải pháp đầu tiên nhiều người nghĩ đến mỗi khi bị mạng chậm. Đây là dịch vụ thường được các công ty lớn sử dụng để tạo ra một mạng riêng ảo giúp bảo mật tốt hơn và sử dụng một máy chủ để nhận dạng mọi kết nối. Khi sử dụng VPN trên máy di động hoặc PC, kết nối mạng sẽ được chuyển hướng trực tiếp đến các máy chủ ở nhiều nước trên thế giới.
Các phần mềm VPN có phí thường được hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể lựa chọn một số loại miễn phí như Hola VPN, SurfEasy VPN hay Onavo VPN... Trong đó, VPN được sử dụng nhiều thời gian gần đây là CloudFlare WARP.
Theo các chuyên gia, khi có sự cố, tụt băng thông, nhà cung cấp mạng Internet thường ưu tiên cho các luồng dữ liệu quan trọng, hạn chế những danh mục còn lại. VPN không giúp vào mạng nhanh hơn nhưng bảo mật kết nối của người dùng, không bị hạn chế băng thông trong trường hợp thuộc danh mục sử dụng không cần thiết. Đây cũng là lý do VPN có thể chỉ hữu dụng với một số người dùng và nhu cầu nhất định.
Chuyển sang sử dụng kết nối 4G
Kết nối 4G thường chỉ sử dụng với điện thoại, máy tính bảng do giá cao hơn, tốc độ kém hơn kết nối Internet qua cáp quang truyền thống. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố đứt, nhiều người dùng cho biết họ sử dụng mạng di động còn nhanh và ổn định hơn kết nối Wi-Fi tại nhà.
Theo đại diện một nhà mạng, khi có sự cố, doanh nghiệp phải lo hạ tầng ứng cứu, phần lớn qua hệ thống cáp trên đất liền. Dung lượng này trước hết được ưu tiên cho các kênh thuê riêng và kết nối 3G, 4G. Đó là lý do nhiều người thấy mạng di động vẫn hoạt động tốt, trong khi mạng cố định gần như đứng im.
Tuy nhiên, khi sử dụng 4G, người dùng cần lưu ý lưu lượng, sử dụng theo gói cước phù hợp. Tránh trường hợp lạm dụng, vượt quá giới hạn có thể bị tốc độ chậm hoặc tính thêm nhiều tiền cước.
Sử dụng phần mềm booster hỗ trợ chơi game
Theo một số game thủ, những game phổ biến tại Việt Nam, bao gồm cả trò chơi có server đặt trong nước và quốc tế, đều rất khó truy cập thời gian gần đây. Giải pháp được họ chọn là mua phần mềm booster, với giá từ 50 đến 250 nghìn đồng, để cải thiện, giảm giật lag. Tuy nhiên, không phải phần mềm nào cũng hiệu quả do còn tùy thuộc người chơi, loại game, nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Khánh Toàn (quận 1, TP HCM) cho biết đang chi khoảng 210.000 đồng mỗi tháng cho công cụ booster, gần bằng tiền thuê bao Internet nhưng cảm thấy hài lòng. Với game có máy chủ tại Việt Nam, anh chỉ cần dùng Wireguard là đủ. Còn với game có server tại nước ngoài, anh dùng thêm phần mềm giảm ping (độ trễ) là Gearup.
Tuy nhiên, Quang Minh (Đồng Đa, Hà Nội) lại có trải nghiệm không như ý khi sử dụng ExitLag, Gearup Booster. "Khi giao tranh trong game vẫn khá giật và lag", anh nói.
Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ đường truyền VietPN, để tối ưu trải nghiệm chơi game trong thời điểm này, người chơi có thể sử dụng dịch vụ GPN (Game Private Network) riêng biệt. GPN hoạt động gần giống VPN nhưng hệ thống dữ liệu không bị mã hóa. "GPN chỉ xác định đường truyền cho game và truyền dữ liệu hiệu quả nhất. Khác với VPN, GPN không ẩn địa chỉ IP. Nhờ đó có thể đẩy ping xuống mức thấp nhất có thể", người này cho biết.
Tốc độ Internet của Việt Nam đã chập chờn hơn hai tháng nay, khi các tuyến cáp quang biển như AAG, APG, AAE gặp sự cố từ cuối 2022. Đến 28/1, tới lượt tuyến IA gặp lỗi theo hướng đi Singapore, khiến Việt Nam chỉ còn duy nhất một tuyến có thể khai thác trọn vẹn là SMW3, cùng một số tuyến phụ trên đất liền. Đại diện Viettel đánh giá đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đồng thời trên cả bốn tuyến cáp quang biển chính kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.
Trong buổi họp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông chiều 9/2, các nhà cung cấp cam kết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn từ đêm 10/2.
Hoài Anh - Minh Hoàng